Cập nhật ngày: 10/09/2021

  Theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH nên bàn bạc, thống nhất về việc giảng dạy văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để tạo điều kiện cho học viên Trung cấp được học liên thông.

Đảm bảo quyền được học liên thông

Sau Hội nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông (THPT) trong các cơ sở GDNN đang trở thành nội dung tranh cãi sôi nổi trong ngành GDNN.

Đặc biệt là quy định các cơ sở GDNN chỉ được dạy văn hóa THPT 4 môn trong dự thảo này khiến các trường nghề lo ngại sẽ đẩy lùi thành quả khuyến khích, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS học nghề đã đạt được trong thời gian qua.

Bởi quy định này hạn chế rất nhiều quyền lợi được học liên thông lên Cao đẳng, Đại học của người học trường nghề.

Dạy văn hóa trong trường nghề: Cần đảm bảo học tập suốt đời của công dân - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Luật Giáo dục năm 2019 quy định phải "bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học" (Ảnh minh họa).

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM chia sẻ: "Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT muốn hướng dẫn dạy văn hóa trong GDNN thì cần nghiên cứu kỹ hơn các quy định trong Luật Giáo dục năm 2019 và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ".

Ông Trần Anh Tuấn dẫn lại điều 6 Luật Giáo dục năm 2019 về hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông với các cấp học, trình độ đào tạo từ thấp đến cao là: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Trong đó, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM nhấn mạnh đến yếu tố "hệ thống giáo dục mở, liên thông", tức là phải đảm bảo quyền được học liên thông của người học, đảm bảo quyền lợi được học tập suốt đời của công dân.

Ông Trần Anh Tuấn dẫn chứng thêm, điểm 1 điều 10 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về việc "Liên thông trong giáo dục" phải "bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".

Trong khi đó, dự thảo thông tư trên của Bộ GD-ĐT quy định cơ sở GDNN chỉ được dạy văn hóa THPT 4 môn khiến người học Trung cấp không đủ điều kiện được thi tốt nghiệp THPT, không thể liên thông từ GDNN lên thẳng Cao đẳng, Đại học là không đúng với tinh thần của Luật Giáo dục 2019.

Cần sự bàn bạc, thống nhất của hai Bộ liên quan

Ông Trần Anh Tuấn cũng dẫn lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại thông báo số 76/TB-VPVP.2021 của Văn phòng Chính phủ về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN.

Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN căn cứ vào quy định tại 2 luật là Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

Do đó, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM đề nghị dự thảo thông tư này nên có sự bàn bạc, thống nhất từ 2 cơ quan là Bộ GĐ-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH. Bởi nội dung này liên quan đến việc giảng dạy kiến thức văn hóa THPT do Bộ GD-ĐT quản lý theo Luật Giáo dục và cả quyền lợi của người học nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý theo Luật GDNN.

Dạy văn hóa trong trường nghề: Cần đảm bảo học tập suốt đời của công dân - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Theo chuyên gia, thông tư này được xây dựng căn cứ trên Luật Giáo dục năm 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 nên cần 2 Bộ bàn bạc, thống nhất.

Về việc chỉnh sửa dự thảo thông tư trên, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị 2 Bộ nên nghiên cứu thực hiện như một số quy định trước đây đã có, đã thực hiện rất tốt để tạo thuận lợi cho các cơ sở GDNN.

Cụ thể là ngày 23/6/2017, Bộ GD-ĐT đã có công văn cho phép các trường nghề tạm thời áp dụng giảng dạy nội dung chương trình văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư số 16/2010-BGDĐT ngày 28/6/2010 quy định về khung chương trình trung cấp chuyên nghiệp.

Theo đó, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư 16/2010-BGDĐT cũng được thi Đại học.

Hoặc trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD-ĐT đã cho phép các trường (bao gồm: trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT (7 môn văn hóa bắt buộc).

Sau khi hoàn thành chương trình này, người học được tham dự thi THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT.

Còn về ý kiến cá nhân, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM cho rằng cần có quy định cho học viên tự do lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân như trước đây đã từng thực hiện.

Cụ thể là học Trung cấp chuyên nghiệp hệ 3 năm phải học thêm văn hóa THPT và có bằng Trung cấp thì được liên thông lên Cao đẳng, Đại học.

"Còn em nào học hệ Trung cấp 2 năm, không học văn hóa THPT thì chỉ học nâng cao đến Cao đẳng nghề, tức là cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành", ông Tuấn nói.

Tùng Nguyên