Cập nhật ngày: 06/09/2021

Đào tạo ngành, nghề mới và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Kinh nghiệm của CHLB Đức và Hàn Quốc                                   

Ngày 30/8/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư”. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp (số người được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người) và đào tạo lại, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300.000 lượt người. Để xác định các ngành, nghề đào tạo mới và các kỹ năng mới của CMCN lần thứ tư, dù trong hay ngoài khuôn khổ Chương trình, ngoài cập nhật công nghệ mới, khảo sát, điều tra nhu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp thì việc nghiên cứu, học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế cũng rất cần thiết. Bài viết dưới đây trình bày kinh nghiệm của CHLB Đức và Hàn Quốc trong đào tạo ngành, nghề mới và kỹ năng mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trước yêu cầu của CMCN lần thứ tư. 


Kinh nghiệm của CHLB Đức

Từ năm 2015, trong khuôn khổ sáng kiến chung về GDNN 4.0, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang (BMBF) và Viện Đào tạo và GDNN liên bang (BIBB), CHLB Đức đã triển khai các dự án rà soát, đánh giá các ngành, nghề đào tạo, dự báo kỹ năng để xác định các ngành, nghề đào tạo theo yêu cầu của GDNN 4.0 và phát triển năng lực số của những người học và người dạy nghề. 

Dự án “Kỹ năng, chương trình, trình độ đào tạo và năng lực cho thế giới việc làm số trong tương lai” (triển khai từ năm 2016-2018) tập trung đánh giá mức độ tác động của số hóa đối với 14 ngành, nghề lựa chọn. Kết quả đánh giá cho thấy mức độ “xâm nhập” của số hóa vào các ngành, nghề đào tạo phụ thuộc vào từng doanh nghiệp và công việc cụ thể. Số hóa đã “chạm” tới tất cả các ngành, nghề được rà soát. Tuy nhiên chỉ 1/3 số người tham gia khảo sát gồm người lao động, người dạy, người giám sát và quản lý đào tạo đánh giá đánh giá mức độ số hóa tại nơi làm việc ở mức cao. Kết quả khảo sát cho thấy việc chỉnh sửa toàn diện các quy định đào tạo (training regulations) (bao gồm chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá theo từng ngành, nghề) là không cần thiết mà chỉ cần điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng được các yêu cầu mới của công việc thực tế như bổ sung thêm các tiêu chuẩn và các mô đun, môn học tương ứng. Kết quả của Dự án cũng phản ánh mức độ số hóa ngày càng tăng dẫn đến kỳ vọng ngày càng cao của doanh nghiệp đối với năng lực người lao động. Năng lực chuyên môn nghề vẫn giữ vị trí quan trọng; việc sử dụng thông tin, công nghệ, số hóa và bảo mật công nghệ thông tin sẽ được tích hợp vào nhiệm vụ công việc. Người lao động cần hiểu biết về quy trình và hệ thống, có khả năng làm việc độc lập, linh hoạt, có khả năng giải quyết vấn đề, có kỹ năng giao tiếp và tinh thần không ngừng học hỏi. Các năng lực cốt lõi đạt được không phải thông qua các bài giảng hay mô đun độc lập mà phải được tích hợp trong cả quá trình học nghề bao gồm trải nghiệm thực tiễn tại nơi làm việc.

Hiện nay, quy định về đào tạo hay danh mục ngành, nghề đào tạo trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức gồm 327 ngành, nghề. Từ năm 2008 đến nay, BIBB đã làm việc với các bộ liên bang, các tổ chức xã hội và các chuyên gia để sửa đổi các quy định đào tạo đối với 139 ngành, nghề để cập nhật các yêu cầu về mới về công nghệ và xã hội. Trong 2 năm 2017- 2018, quy định đào tạo đối với 37 ngành, nghề đào tạo ban đầu (initial training) và đối với 19 ngành, nghề thường xuyên (continuous training) đã được rà soát, bổ sung. Nội dung về số hóa công việc, bảo mật dữ liệu, và an toàn thông tin được bổ sung trong chương trình đào tạo trong các ngành, nghề liên quan đến kim loại, điện công nghiệp và công nghệ thông tin. Đối với ngành nghề về gia công kim loại, năng lực bổ sung còn bao gồm tích hợp quá trình (process integration), tích hợp hệ thống (system integration), quy trình sản xuất bổ sung và điều chỉnh nhà máy dựa trên công nghệ thông tin (IT-based plant modifications and additive manufacturing procedures). Đối với nghề sửa chữa cơ điện tử, năng lực bổ sung bao gồm lập trình, bảo mật công nghệ thông tin, mạng số (digital networking) và quy trình sản xuất bổ sung (additive manufacturing procedures). Các nghề đào tạo về điện còn bổ sung năng lực về lập trình, bảo mật công nghệ thông tin và mạng số trong tương lai (digital networking in future). Thời gian đào tạo các năng lực bổ sung được khuyến nghị là trong 8 tuần. Các nội dung đào tạo bổ sung được đánh giá, công nhận một cách độc lập để tạo điều kiện thuận lợi cho người học cập nhật, nâng cao các kỹ năng mới và hỗ trợ việc đào tạo thường xuyên. 

Bên cạnh bổ sung năng lực mới cho các ngành, nghề đã có, ngành, nghề đào tạo mới như nghề Trợ lý quản lý trong thương mại điện tử cũng được giới thiệu vào tháng 8 năm 2018 với thời gian đào tạo dự kiến là 3 năm. Đây là ngành, nghề mới trong bối cảnh thương mại trực tuyến đang phát triển bùng nổ. Người làm vị trí trợ lý quản lý trong thương mại điện tử sẽ làm việc cho các công ty bán hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến, bao gồm các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ, các công ty tham gia vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu hoặc du lịch. 

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Từ năm 2007, Chính phủ Hàn Quốc định kỳ 5 năm một lần ban hành Kế hoạch hành động tổng thể về phát triển kỹ năng nghề. Kế hoạch hành động tổng thể lần thứ 3 ban hành năm 2017 đưa ra nhiều mục tiêu bao gồm mục tiêu tạo môi trường đào tạo thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư, mở rộng các chương trình đào tạo thông minh (smart training) và đào tạo các nhóm ngành, nghề  công nghệ mới.

Tại Hàn Quốc, mỗi bộ, ngành đều triển khai các dự án phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với yêu cầu của CMCN lần thứ tư. Bộ Lao động và Việc làm Phát triển nhân lực Hàn quốc đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách về phát triển kỹ nghề trong đó chính sách phát triển kỹ năng nghề thích ứng CMCN lần thứ tư ban hành năm 2016 tập trung triển khai các ngành nghề đào tạo ở lĩnh vực mới, phân cấp nguồn cung đào tạo, tăng hỗ trợ đối với đào tạo chất lượng cao và giảm bớt các hạn chế liên quan đến thời gian đào tạo. Dự án của Bộ Lao động và Việc làm Phát triển nhân lực Hàn Quốc trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ mới như sản xuất thông minh (smart manufacturing), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Bảo mật số liệu (Data Security), Sinh trắc học (Biometric), Phương tiện không người lái (Unmanned Vihicles)…Về nguyên tắc, các chương trình đào tạo này phải ở cấp độ cao, ít nhất là từ bậc 3 đến bậc 5 trong trong Khung tiêu chuẩn năng lực quốc gia (National Competency Standards) gồm 5 bậc của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó bậc 3 tương đương với tốt nghiệp khoá đào tạo cao đẳng 2 năm cộng thêm 2 năm kinh nghiệm làm việc. Các chương trình đào tạo nâng cao này có thời gian phổ biến là khoảng 100 ngày, 120 ngày, 150 ngày, 200 ngày tuỳ thuộc lĩnh vực, nội dung đào tạo.

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục Hàn Quốc hàng năm hỗ trợ 10 trường đại học để nghiên cứu, đào tạo các lĩnh vực mới, công nghệ mới của CMCN lần thứ tư. Các trường được lựa chọn trong năm 2018 nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực (mỗi trường được giao một lĩnh vực) gồm: hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh trên thiết bị đeo trên người, xe tự động, xã hội thông minh siêu kết nối, chăm sóc sức khỏe thông minh, ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IOT), thực tế tăng cường và thực tế ảo (AR/VR), nhà máy thông minh, robot trí tuệ nhân tạo phối hợp (Collaborative AI – robotics), xe điện tự lái. Năm 2019, các lĩnh vực được lựa chọn nghiên cứu, đào tạo là khoa học số liệu, nhà máy thông minh, robot AT, chăm sóc sức khỏe, lưới điện thông minh thế hệ tiếp theo (next generation smart grid), y sinh học (biomedicine), cảm biến bán dẫn thông minh (intelligent semiconductor sensors), nông nghiệp, sản xuất thông minh. Hầu hết các lĩnh vực nêu trên không đào tạo ở một bộ môn duy nhất mà được thiết kế với nhiều bộ môn tích hợp từ các chuyên ngành liên quan. 

Dù chưa được Bộ Giáo dục hỗ trợ nhưng các trường cao đẳng nghề (vocational colleges) tại Hàn Quốc đã tự nỗ lực thực hiện các giải pháp để đào tạo các chương trình mới về công nghệ của CMCN lần thứ tư. Các ngành, nghề đang được các trường cao đẳng nghề tại Hàn Quốc đào tạo như IOT, máy bay không người lái (drones), bảo mật thông tin, in 3D. 

Chương trình đào tạo nghề IOT  ở Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Hàn Quốc như sau:



(Nguồn: Báo cáo tư vấn cho Việt Nam về GDNN thích ứng CMCN lần thứ tư do Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngân hàng XNK Hàn quốc, KRIVERT thực hiện)


Tại các trường trung học nghề (vocational high school colleges), các lĩnh vực chính của CMCN lần thứ tư đang được đào tạo gồm nhà máy thông minh, máy bay không người lái, trang trại thông minh và quản lý tài chính thông minh. Hầu hết các trường tham gia đào tạo chương trình mới của CMCN lần thứ tư đều dựa trên n kinh nghiệm triển khai các chương trình hiện tại sẵn có trong cùng lĩnh vực. 

(Nguồn: Báo cáo tư vấn cho Việt Nam về GDNN thích ứng CMCN lần thứ tư do Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngân hàng XNK Hàn quốc, KRIVERT thực hiện)


Bài học kinh nghiệm từ CHLB Đức và Hàn Quốc 

Có thể thấy, cả hai quốc gia trong nhóm dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai là CHLB Đức và Hàn Quốc đều có nhận thức rất cao về phát triển ngành, nghề đào tạo mới và bổ sung năng lực mới, kỹ năng mới trong GDNN để đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ tư. Bài học kinh nghiệm có thể rút ra như sau: 

(1) Nhiều ngành, nghề đào tạo không cần chỉnh sửa toàn diện hay xây dựng ngành, nghề mới mà chỉ cần bổ sung các năng lực mới để đáp ứng được các yêu cầu của công việc. 

(2) Một số ngành, nghề đào tạo cần bổ sung một số năng lực mới giống nhau, tuy nhiên, tuỳ từng ngành, nghề cụ thể sẽ cần thêm một số năng lực khác.

(3) Các năng lực mới bổ sung nên được đánh giá công nhận một cách độc lập để tạo điều kiện thuận lợi cho người học cập nhật, nâng cao trình độ trong đào tạo thường xuyên, tuy nhiên, công nghệ mới, kỹ năng mới cần được tích hợp giảng dạy trong suốt quá trình đào tạo, doanh nghiệp cần tham gia trong quá trình đào tạo đồng thời người học phải được trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc. 

(4) Lĩnh vực công nghệ mới có thể đào tạo theo chương trình ngắn hạn nhưng mục tiêu đào tạo là đào tạo nâng cao đối với người đã có năng lực nền tảng và kinh nghiệm chuyên môn của ngành, nghề. Lĩnh vực công nghệ mới cũng có thể thiết kế theo chương trình đào tạo dài hạn (2-3 năm) cho đào tạo ban đầu trong đó tích hợp chuyên môn từ các chuyên ngành có liên quan. 

(5) Các cơ sở đào tạo triển khai các ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng mới, công nghệ mới dựa trên kinh nghiệm đã đào tạo các ngành, nghề cùng lĩnh vực.

 Rõ ràng, bài học kinh nghiệm nêu trên không chỉ có ý nghĩa với các cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN lần thứ 4” mà còn có giá trị đối với các các cơ sở GDNN trong hệ thống, tạo động lực và hỗ trợ các cơ sở GDNN chủ động, đổi mới, sáng tạo và thích ứng trước yêu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN lần thứ tư./.

                            Phạm Thị Minh Hiền - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

* Quý độc giả có thể tham khảo thêm về kinh nghiệm của Hàn Quốc bao gồm khung chương trình đào tạo một số ngành, nghề đào tạo mới, lĩnh vực công nghệ mới trong Báo cáo tư vấn cho Việt Nam về GDNN thích ứng CMCN lần thứ tư do Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn quốc, Viện Giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVERT) phối hợp triển khai tại địa chỉ https://daotaocq.gdnn.gov.vn/van-ban-tai-lieu/.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tư vấn cho Việt Nam về GDNN thích ứng CMCN lần thứ tư  do Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn quốc, Viện Giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVERT) phối hợp triển khai (Báo cáo trình bày tại Hội thảo tại Hà Nội ngày 22/9/2019).

2. Báo cáo sẵn sàng cho sản xuất tương lai năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (http://www3.weforum.org/docs/FOP_Readiness_Report_2018.pdf)

3. Huismann, A. (2020). Báo cáo đào tạo nghề cho tương lai (Vocational education and training for the future of work: Germany. Cedefop ReferNet thematic perspectives series. https://www.refernet.de/dokumente/pdf/VET%20for%20the%20future%20of%20work.pdf)

4. https://www.bibb.de/en/49603.php

5. https://www.bibb.de/en/pressemitteilung_81176.php