Cập nhật ngày: 02/09/2021

 Ngày 25/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về việc thực hiện truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025. 

 

 

 

Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị và tham gia kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 tại Quảng Ninh

 

Mục đích Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025 nhằm nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh giáo dục nghề nghiệp; thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp, tập trung tuyển sinh đào tạo những ngành, nghề tỉnh đang cần thu hút, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới; hướng đến thu hút lao động có kỹ năng, tay nghề cao, nhân lực chất lượng cao trong tỉnh cũng như thu hút từ các địa phương khác trong cả nước về Quảng Ninh sinh sống, học tập và làm việc góp phần tăng quy mô và chất lượng dân số theo Nghị quyết VX Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Yêu cầu nội dung thông tin, tuyên truyền được tổ chức rộng rãi, bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm, quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến đến người dân và xã hội; bám sát nội dung, yêu cầu của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành;tổ chức rộng rãi, bằng nhiều hình thức hoạt động, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; có sự tham gia phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở GDNN, cơ sở tham gia hoạt động GDNN, cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương các doanh nghiệp… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông, đổi mới hình thức, áp dụng mô hình truyền thông mới phù hợp và đạt hiệu quả trong thực tiễn; hướng công tác truyền thông đến các cơ sở GDNN, cơ sở tham gia hoạt động GDNN, tập trung chú trọng đến các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh THCS, THPT và doanh nghiệp. Đảm bảo thông tin, tuyên truyền được triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường được nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về GDNN. Nhà nước đảm bảo nguồn lực cần thiết cho công tác truyền thông về GDNN, thực hiện xã hội hóa công tác truyền thông về GDNN.

 Học viên học thực hành điện tử công nghiệp tại Trường Cao đẳng Việt- Hàn Quảng Ninh học thực hành điện

 

 

Đối tượng tuyên truyền được hướng đến là học sinh  THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn; lao động trong các doanh nghiệp; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; sinh viên chưa có việc làm; người lao động bị mất việc làm; học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN và cơ sở tham gia hoạt động GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học; doanh nghiệp, người sử dụng lao động: các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế; hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội khác; cơ quan quản lý: các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; người dân và các đối tượng khác.

Nội dung truyền thông là xác định rõ nhiệm vụ chính trị của GDNN là một nội dung trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác truyền thông giai đoạn 2021-2025, tập trung truyền tải về nội dung: đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lan tỏa các thông điệp của GDNN: “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”;“Giáo dục nghề nghiệp: Thực học - Thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”; “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”, “Giáo dục nghề nghiệp: Thực tâm - Thực tài - Thực nghiệp”...

Hải Phương