Cập nhật ngày: 28/08/2021

     Ngày 26 tháng 8 năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Đại sứ quán Đức, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo trực tuyến “Giáo dục nghề nghiệp ứng phó với dịch COVID -19: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình, Lãnh đạo các Vụ đơn vị thuộc Tổng cục; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Bộ; 32 sứ quán, tổ chức quốc tế; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các phóng viên báo chí.

Hội thảo Đối tác phát triển trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam là diễn đàn được tổ chức thường niên nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin về thực trạng, ưu tiên, định hướng phát triển GDNN tại Việt Nam với các đối tác phát triển về lĩnh vực GDNN Việt Nam.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng chủ trì Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trương Anh Dũng Tổng cục trưởng cho biết: "Việt Nam chưa kiểm soát được dịch bệnh và không thể dự báo được thời gian các cơ sở GDNN trở lại hoạt động bình thường. Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, cơ sở GDNN và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để có thể thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi cũng như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất. Tổng cục GDNN đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức các hoạt động; hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở GDNN trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, chủ đề của Hội thảo rất ý nghĩa. Tổng cục GDNN mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế ở hai khía cạnh: Một là, chính sách của Chính phủ các nước trong ứng phó với đại dịch COVID-19, từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với hệ thống GDNN (giáo viên, người học, các cơ sở GDNN) tới chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động mất việc). Hai là, kinh nghiệm trong tổ chức tuyển sinh, đào tạo trực tuyến trong GDNN".

 

 

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại các điểm cầu trong nước và quốc tế

 

 

Chia sẻ tại hội thảo TS Juergen Hartwig - Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Namcho biết: Chính phủ Đức đã hỗ trợ 4,65 triệu Euro cho các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, sử dụng để đào tạo kỹ năng ngắn hạn và các đối tượng gặp khó khăn bởi đại dịch. Chính phủ Đức cũng như các đối tác phát triển khác luôn sẵn sàng cam kết hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng đã trình bày về các chính sách của Việt Nam với người bị ảnh hưởng của đại dịch. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và áp dụng 3 tại chỗ trong đào tạo. Để triển khai cần: hỗ trợ xây dựng hệ thống dữ diệu để áp dụng trong giảng dạy và đào tạo, kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doang nghiệp trong và ngoài nước để các bạn sinh viên đến thực tập và tăng cơ hội việc làm, hỗ trợ học bổng học nghề cho các cơ sở tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Barcucci Valentina đại diện ILO cho biết:Toàn bộ khu vực đông nam á, asian đang bị đã bị ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều nước đang phong tỏa, nền kinh tế giảm sút chuỗi cung ứng toàn cầu bị giảm sút. Ở Việt Nam, giáo dục là cánh cửa để có công việc tốt, tuy nhiên với 85% lao động phi chính thức ngoài ngành nông nghiệp không qua đào tạo kỹ năng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch. Đây là cơ hội cung cấp kiến thức, kỹ năng cho những lao động còn thiếu kỹ năng để có một công việc tốt. Việt Nam bị ảnh hưởng muộn hơn so với các nước trên thế giới nên Việt Nam có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác. Các nước có rất nhiều giải pháp hay như: Hỗ trợ người học để người học ko bỏ học, hỗ trợ người mất việc làm tham gia các khóa học tăng cường kỹ năng. Đây là “Cơ hội và thách thức với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Ông Ingo Imhoff nhấn mạnh “Để các trường nghề duy trì tốt hơn trong dịch bệnh cần: Cho trường nghề có quyền tự chủ hơn theo nhu cầu hiện tại và ở địa phương, tăng cường hệ thổng quản lý tại các trường, hỗ trợ hạ tầng để giảng dạy trực tuyến; bồi dưỡng kỹ năng vẫn hành thiết bị số cho giáo viên để giảng dạy từ xa, khai thác các nền tảng trực tuyến giúp giáo viên vận hành tốt hơn bài giảng của mình”.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận và chia sẻ các nội dung để GDNN thích ứng với tình hình mới trong đại dịch Covid-19 Các cơ sở GDNN còn lúng túng ở thời điểm đầu khi đại dịch xuất hiện, tuy nhiên các cơ sở đã nắm bắt cơ hội để chuyển thách thức sang cơ hội. Và đến nay, hệ thống GDNN đã dần tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, quản trị, trong hoạt động dạy và học.

 Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng khẳng định: Những thông tin, bài học kinh nghiệm từ hội thảo này sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam bổ sung, hoàn thiện chính sách và giải pháp ứng phó nhằm khắc phục các khó khăn mà hệ thống GDNN Việt Nam đang gặp phải hiện nay và trong thời gian tới. Có thể nhận thấy chuyển đổi số là tất yếu. Dịch COVID-19 nhìn ở chiều ngược lại đang thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Rõ ràng phải có đề án chuyển đổi số và kế hoạch tổng thể hơn và hoàn thiện cơ bản. Tuy nhiên, đề án này sẽ lấy ý kiến chuyên gia và chính các trường, nhà giáo góp ý trước khi triển khai nhân rộng.

VPTCGDNN