Cập nhật ngày: 31/07/2021

 Chủ động "rớt" lớp 10, em Nguyễn Thanh Thảo đang học khóa học nấu ăn online và đăng ký thành công vào một trường nghề.

Trong khi hàng chục ngàn học trò tại TPHCM vẫn nhấp nhổm trước kỳ tuyển sinh lớp 10 đầy sóng gió vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì không ít em đã chọn "rớt" từ trước để đi học nghề.

Học lực khá, đam mê nấu ăn từ bé, Nguyễn Thanh Thảo, vừa kết thúc lớp 9 ở TPHCM thuyết phục bố mẹ từ sớm đồng ý mình không tham gia kỳ tuyển sinh lớp 10. Mong muốn được thỏa sức với các món ăn, ẩm thực, mùi vị, cô nữ sinh không muốn đi theo con đường thẳng học văn hóa lên THPT. 

Học trò chọn... rớt lớp 10 đăng ký thành công vào trường nghề học 9+ - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều học sinh từ chối cạnh tranh vào lớp 10 công lập để chọn hướng học nghề 

Thảo đang theo một khóa học dạy nấu ăn online và cũng đã đăng ký thành công vào một trường trung cấp nghề. Cô sẽ vừa học nghề đầu bếp kết hợp với học văn hóa.  

Thảo cho biết, em có thể mày mò trong bếp, tìm tòi về các nguyên liệu, món ăn, đọc tài liệu về ẩm thực cả ngày không biết mệt. Với em, nấu ăn cần sự bay bổng, em không muốn dốc hết thời gian học, ôn thi các môn văn hóa giành một chỗ học lớp 10 trong khi bản thân chỉ muốn học thứ khác. 

"Lúc đầu gia đình em không đồng ý nhưng cam kết với bố mẹ khi em học nghề xong, ra trường đi làm thì cũng đã hoàn thành chương trình phổ thông. Nếu đi con đường thông thường, em sẽ phải chờ đợi thêm 3 năm nữa để học nghề vừa mất thời gian, vừa mệt mỏi", Thảo bộc bạch. 

Em Nguyễn Thanh Thảo chỉ là 1 trong 16.000 thí sinh tốt nghiệp THCS năm nay ở TPHCM không đăng ký tham gia vào kỳ thi lớp 10. 

Toàn thành phố có gần 100.000 học sinh lớp 9, có hơn 83.000 thí sinh đăng ký tuyển sinh lớp 10. Số còn lại, các em tìm những hướng đi khác.  

Nhiều năm trước, học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 thường được "dán mác" không đủ khả năng theo học THPT. Ngay trong quá trình tư vấn hướng nghiệp ở nhiều trường, không ít nơi nghiêng về tâm lý học sinh không đủ năng lực học phổ thông thì đi học nghề mà bỏ quên yếu tố phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của học sinh. 

Nhưng gần đây, rất nhiều học sinh khá, thậm chí học sinh giỏi chủ động chọn học nghề, từ chối thi lớp 10. Hầu hết tại các Trường THCS ở TPHCM đều có học sinh không đăng ký thi lớp 10, trong đó nhiều em học lực tốt.

Phó hiệu trưởng một trường THCS ở Q.1, TPHCM cho biết, ở trường có những em có học lực tốt không đăng ký thi lớp 10. Nhà trường tìm hiểu, vận động thì được biết các em đã rất quyết tâm, nghiêm túc cho việc học nghề. 

Hơn 16.000 học sinh không đăng ký tuyển sinh lớp 10

Về con số hơn 16.000 học sinh không đăng ký tuyển sinh lớp 10, ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, các em đã chủ động lựa chọn con đường học tập khác phù hợp với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình. Hình thức học tập được nhiều em hướng đến nhất là học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn. 

Học trò chọn... rớt lớp 10 đăng ký thành công vào trường nghề học 9+ - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều bạn trẻ lựa chọn học nghề một cách chủ động.

Ông Lê Hoài Nam khẳng định, công tác phân luồng học sinh sau THCS ở TPHCM đã có được những kết quả khả quan, tích cực.

Trước đây, nhiều người có suy nghĩ chỉ học sinh yếu mới chọn học nghề. Nhưng thực tế giờ đây, nhiều em học khá, có năng lực đậu vào lớp 10 công lập đã chọn học nghề theo đúng năng lực, sở thích, điều kiện. Các em lựa chọn một cách chủ động, có định hướng, kế hoạch rõ ràng. 

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, các trường nghề ở TPHCM cải tiến rất nhiều, từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy cho đến cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu thực hành của học viên nghề. Ngoài ra, học sinh mới tốt nghiệp THCS đăng ký học trường nghề sẽ được miễn học phí 100% 

Các em vừa học nghề, vừa học văn hóa theo mô hình 9+3, khi có bằng nghề, bằng tốt nghiệp THPT, có thể tham gia thị trường lao động ngay hoặc tiếp tục học lên cao.

Học trò chọn... rớt lớp 10 đăng ký thành công vào trường nghề học 9+ - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Học sinh lựa chọn kỹ học nghề sẽ tránh được tình trạng "rơi rớt dọc đường" (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Đối với các trường nghề, việc học sinh chủ động theo học là một tín hiệu vui. Bởi khi lựa chọn theo học chứ không phải do rơi vào thẻ  "học nghề vì không còn lựa chọn" học viên sẽ có động lực, gắn bó, theo đuổi đến cùng. Điều này giúp giảm tình trạng trường nghề bị "rơi rụng" học viên dọc đường. 

ThS Lê Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Á bày tỏ, vấn đề học sinh lớp 9 theo học nghề rồi bỏ học là một "vấn nạn" lâu nay không ít trường nghề gặp phải. 

"Vậy nên, các em cần xác định và cân nhắc kỹ lưỡng để có đủ quyết tâm theo đuổi đến cùng lựa chọn của mình, tránh mất thời gian, lãng phí", ThS Lê Hồng Việt nhấn mạnh. 

 Hoài Nam