Cập nhật ngày: 28/07/2021

 Bên lề hành lang Phiên thảo luận tại Hội trường sáng 27.7, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, các chính sách giảm nghèo cần được thiết kế lại theo hướng đầu tư cho con người; trong đó, chú trọng đến đào tạo nghề - với tư cách là chiếc “cần câu” thiết yếu!

 

Có nghề - giảm nghèo sẽ bền

- Bà đánh giá thế nào về vai trò của đào tạo nghề trong công cuộc giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua?

- Giai đoạn 2016-2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, chúng ta đã có bước bứt phá ngoạn mục trong việc xóa đói, giảm nghèo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)

Ảnh: Đức Kiên 

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình mỗi năm giảm 5,4%. Giai đoạn 2016-2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2016-2020 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

Các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng...

Trong thành quả chung đó, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng, giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững, đúng bản chất của với tên gọi của Chương trình là “giảm nghèo bền vững”. Theo đó, đào tạo nghề góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, tạo sinh kế, việc làm và giảm nghèo bền vững của đất nước. Có 38% số hộ đã thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ học nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt, thoát nghèo bền vững.

“Vẫn là vùng trũng”

- Giai đoạn 2021-2026, đào tạo nghề được coi là một trong những trụ cột để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, với cách làm thời gian qua, đào tạo nghề, nhất là đào tạo cho lao động nông thôn chưa hiệu quả, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Hiện nay, các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người nghèo đa số là các khóa đào tạo ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản… Tuy nhiên, đúng là các tiếp cận này còn chưa thực sự hiệu quả, bền vững do những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất cũng như những biến động của thế giới hiện tại (đại dịch, biến đổi khí hậu…) mà đối tượng ảnh hưởng đầu tiên là những người nghèo do không có tài sản tích lũy cũng như những kỹ năng để có thể thích nghi với những biến động này.

Nhiều nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo cho rằng tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cần quán triệt tinh thần coi trọng “cho cần câu hơn cho con cá”; bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.

Ngân hàng thế giới (World Bank) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị: năng suất và kỹ năng lao động là những trụ cột chính cho giảm nghèo và phát triển bền vững ở Việt Nam; thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn thì cần phải tập trung vào đào tạo nghề chính quy ở trường nghề, vì bằng cấp chính thức của họ sẽ là cơ sở giúp thoát nghèo một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức; cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời với hỗ trợ người nghèo đi học nghề.

- Còn các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực hiện nay thì sao, thưa bà? Có cần sửa đổi, bổ sung gì không?

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo... Chỉ thị 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về giảm nghèo bền vững chỉ rõ chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Cần quan tâm tạo việc làm; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn đang là “vùng trũng” so với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đối tượng người học bao gồm học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 và người lao động, chủ yếu đến từ địa bàn nông thôn, có mức sống trung bình, trong đó có rất nhiều người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; là nòng cốt của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động, lực lượng sản xuất trực tiếp cho phát triển đất nước. Do đó, ngân sách nhà nước phải đóng vai trò quan trọng, chủ yếu mới có thể thu hút được người học.

Ngày 21.5.2021, Chính phủ đã có Tờ trình 143/TTr-CP gửi Quốc hội đề xuất chủ trương đầu tư CTMTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Vốn dự kiến từ nguồn NSTW là 50.000 tỷ, trong đó 2/3 nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất ở các huyện nghèo, xã nghèo và khoảng 1/3 nguồn lực để đầu tư tăng cường chất lượng đào tạo nghề và hỗ trợ người nghèo đi học nghề; đây cũng là nguồn lực có ý nghĩa quyết định để thực hiện tiêu chí quan trọng là việc làm và giáo dục cho người lớn, tình trạng đi học của trẻ em trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về nhân lực cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới ưu tiên NSNN để triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ người học nghề và đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo,...cho các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, cần phải xây dựng được những mô hình đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhất là đào tạo chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực, quốc tế để dẫn dắt, lan tỏa trong hệ thống GDNN để Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu, phục vụ cho CMCN 4.0. Phấn đấu có một số ngành nghề trọng điểm phải “bắt kịp, tiến cùng, vượt lên” so các nước tiên tiến trên thế giới.

Coi trọng yếu tố “cần câu”

- Là người trong cuộc, đã có 5 năm tham gia nghị trường, theo bà, để giải quyết vấn đề giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, 5 năm tới chúng ta cần tập trung vào các vấn đề gì?

- Chỉ thị 05-CT/TW ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 đã nêu rõ:

Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện.

Cả nước hiện có 54 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, 27 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a và 167/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Do vậy, cần tăng năng lực sản xuất cho người nghèo, vùng nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, Chính phủ cần quán triệt tinh thần coi trọng “cho cần câu hơn cho con cá”. Cụ thể, cần: Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng nghèo kết nối với các vùng phát triển, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất ở vùng nghèo. Hỗ trợ nâng cao trình độ dân trí, chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này. Cùng với đó, hỗ trợ nguồn lực sản xuất cho người nghèo, vùng nghèo, nhất là hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vì đây là những điểm yếu mà người nghèo không tự mình vượt qua được.

Đối với nguồn nhân lực, phải nâng cao kỹ năng nghề cho người nghèo một cách thực sự và bền vững. Thay vì đi “một chân” như giai đoạn trước, chúng ta phải đi “hai chân”, tức là ngoài hỗ trợ trực tiếp cho họ tham gia các khóa học ngắn hạn thì cần khuyến khích thu hút họ tham gia các khóa học dài hạn, vừa giảm số lao động phí chính thức ở Việt Nam cũng vừa giúp họ có kỹ năng nghề cao hơn để đảm bảo việc làm ổn định. Muốn vậy, chúng ta phải hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở đào tạo về các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình giáo trình...) để nâng cao chất lượng đào tạo, có môi trường học tập thực sự để thu hút sự tham gia của người học.

Một yếu tố quan trọng nữa, các địa phương nói riêng và Chính phủ nói chung phải có chiến lược và dự báo dài hơi hơn trong việc thu hút đầu tư, cũng như phát triển các mô hình kinh tế để có kế hoạch đào tạo cho người lao động.

- Xin trân trọng cảm ơn Bà!

 
Thái Bình