Cập nhật ngày: 26/07/2021

 Thành quả về giảm nghèo của nước ta có đóng góp quan trọng của đào tạo nghề, đây là nhận xét của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 25.7. Thời gian tới, để giảm nghèo bền vững hơn, cần thay đổi phương pháp đào tạo nghề cho người nghèo và cốt lõi là dạy nghề phải gắn với tạo việc làm.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ:

Tạo môi trường thể hiện tay nghề

Ảnh: Đức Kiên
Ảnh: Đức Kiên

Trung ương xác định rõ, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chính sách giảm nghèo quan trọng nhất hiện nay. Chúng ta đã có một hệ thống chính sách pháp luật rất cụ thể và đầy đủ trong lĩnh vực giảm nghèo. Vấn đề còn lại là phương pháp, cách thức thực thi để người nghèo thấy rõ vai trò chủ thể cũng như trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào quá trình giảm nghèo bền vững, từ đó phát huy tinh thần tự lực, tự chủ vươn lên thoát nghèo.

Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã rất nỗ lực trong việc thiết kế và đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt, sự chuyển hướng từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ có điều kiện đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cùng với việc trang bị kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng lao động, sản xuất thì phải tạo ra môi trường để người nghèo thể hiện những kiến thức, kỹ năng đã học được. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ nguồn vốn; xây dựng mô hình sinh kế; tạo việc làm cho người nghèo, nhất là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình):

Coi trọng việc cung cấp "cần câu"

Ảnh: Đức Kiên

Phần lớn chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo hiện nay là các khóa ngắn hạn, truyền nghề, cầm tay chỉ việc ở một số ngành, nghề đơn giản… Cách tiếp cận này chưa thực sự hiệu quả, bền vững do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất cũng như biến động của thế giới hiện tại như đại dịch, biến đổi khí hậu…

Nhiều nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo cho rằng, tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cần coi trọng việc cho cần câu hơn cho xâu cá. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này. Cả Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đều cho rằng, năng suất và kỹ năng lao động là trụ cột chính cho giảm nghèo và phát triển bền vững ở Việt Nam. Thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn, cần tập trung đào tạo nghề chính quy ở trường nghề bởi bằng cấp chính thức sẽ là cơ sở giúp thoát nghèo bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Cùng với đào tạo nghề, Chính phủ và các địa phương phải có chiến lược và dự báo dài hơi hơn trong việc thu hút đầu tư, cũng như phát triển các mô hình kinh tế để có kế hoạch đào tạo cho người lao động trong từng giai đoạn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý:

Trao quyền cho địa phương nhiều hơn 

Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam không chỉ thể hiện ở tỷ lệ từ hơn 58% năm 1993 xuống 2,75% cuối năm 2020 mà còn ở nhiều tiêu chí và khía cạnh khác như: mức sống được nâng lên; tiếp cận dịch vụ xã hội, văn hóa, giáo dục thuận lợi hơn và tốt hơn; điều kiện sống được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, giảm nghèo vẫn thiếu bền vững do trong thời gian dài chúng ta tiếp cận và giảm nghèo chủ yếu đơn chiều và tập trung vào tiêu chí thu nhập. Nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ở các địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn còn chậm, thậm chí có thời điểm bị cắt giảm. Thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, các rủi ro trong cuộc sống gia tăng... cũng ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo. Cùng với đó, còn nhiều hạn chế trong quản lý, điều hành các chương trình, dự án giảm nghèo; trong lồng ghép, điều phối giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các dự án, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan và trong việc tích hợp, lồng ghép chính sách.

Để giải quyết các vấn đề trên, trước hết phải nhất quán thực hiện giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Cùng với đó, Chính phủ phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương để họ chủ động điều hành, quyết định các giải pháp, biện pháp giảm nghèo, phù hợp nhất với điều kiện cụ thể từng địa phương, địa bàn và nguyên nhân nghèo cụ thể của từng hộ, từng nhóm hộ.

Đặc biệt, bên cạnh các vấn đề về hạ tầng, giáo dục, cần chú trọng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi nhất, là thước đo - đầu ra của kết quả giảm nghèo, đầu vào của giảm nghèo bền vững và phát triển.

 
Thái Bình