Cập nhật ngày: 23/06/2021

 Nhật Bản là một nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có một thứ tài nguyên đặc biệt đó là con người. Hệ thống giáo dục được xem là chìa khóa, tạo tiền đề cho nền kinh tế tăng trưởng và ổn định về chính trị. Chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhiều chính sách để xây dựng hệ thống giáo dục - đào tạo có hiệu quả, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục nói chung và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng đã mở ra nhiều cơ hội mới, thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tổng cục GDNN và Viện Công nghệ quốc gia Nhật Bản ký biên bản ghi nhớ, ngày 13/01/2017

Những năm gần đây, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã rất chú trọng tới quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đây là một phần quan trọng và là lĩnh vực tiềm năng trong quan hệ hai nước. Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án, cụ thể như sau:

Các dự án hỗ trợ tài chính

* Dự án “Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại Đồng bằng sông Cửu Long” sử dụng vốn không hoàn lại của Quỹ giảm nghèo Nhật, được thực hiện từ năm 2008-2012.

 Nội dung chính của Dự án nhằm cải thiện chất lượng sống của người nghèo và người dân tộc thiểu số bằng việc trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để tìm việc làm và tự tạo việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo và giảm bớt khoảng cách giữa các vùng. Dán được thực hiện tại 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng.

* Dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” (dự án vốn vay) đầu tư cơ sở vật chất cho 3 lĩnh vực Cơ khí, Điện và Điện tử tại 13 trường thụ hưởng trên địa bàn Bắc, Trung, Nam, dự kiến thực hiện trong thời gian 5 năm sau khi Hiệp định vay có hiệu lực. Đây là Dự án có quy mô kinh phí lớn với sự tham gia của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước và có thời gian triển khai dài. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ được đầu tư bởi dự án cùng với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao sẽ là nền tảng để các trường cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động tại Việt Nam và đặc biệt các doanh nghiệp Nhật Bản, hướng tới xuất khẩu lao động trong thời gian tới. Điều đó phù hợp với chủ trương phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực ưu tiên  trong Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến 2020, tầm nhìn 2030.

*Song song với dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” (dự án vốn vay), phía JICA đồng ý tài trợ dự án “Hợp tác kỹ thuật về giáo dục nghề nghiệp” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong các trường cao đẳng nghề. Hai bên đã thống nhất lựa chọn 03 trường hạt nhân để nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản (Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Các chuyên gia Nhật Bản sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ, hướng dẫn giáo viên và cán bộ quản lý của ba trường này cách sử dụng, khai thác, bảo trì các thiết bị được đầu tư trong dự án theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các giáo viên và cán bộ quản lý sau khi được đào tạo sẽ trở thành các giáo viên hạt nhân để tiếp tục chia sẻ kiến thức tới giáo viên và cán bộ quản lý của các trường còn lại trong dự án thông qua các khóa đào tạo.

*Ngoài các dự án ODA, phía Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như: Phái cử chuyên gia dài hạn sang làm việc tại Tổng cục từ năm 2002-2018 để hỗ trợ trong hoạt động đánh giá, phát triển kỹ năng nghề. Hợp tác với JAVADA trong việc đào tạo kỹ năng đánh giá cho giáo viên dạy nghề tại Việt Nam: Tổ chức các lớp tập huấn đánh giá viên cho nghề Tiện, Phay, Lắp cáp mạng thông tin, Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2,3; thí điểm đánh giá kỹ năng nghề Tiện, Phay, Lắp cáp mạng thông tin, Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2,3 (tổng số người tham gia đánh giá là 248 người và số người đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Nhật Bản là 118); công nhận đánh giá viên nghề Phay (5 người) và nghề Tiện (9 người).

Trên cơ sở kết quả hợp tác giữa hai nước, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hội nhập quốc tế, ngày 01/7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tổ chức KOSEN đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tiếp các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới áp dụng Mô hình giáo dục KOSEN tại Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp để thành lập Văn phòng Đại diện KOSEN tại Việt Nam; tổ chức xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN cho hệ 03 năm và 05 năm tại các trường thí điểm; triển khai tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ quản lý, giáo viên về đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN tại các trường thí điểm KOSEN tại Việt Nam; chuyển giao phương pháp giảng dạy, tài liệu giảng dạy theo Mô hình Giáo dục KOSEN; thúc đẩy hoạt động hợp tác, gắn kết giữa các trường đào tạo theo Mô hình Giáo dục KOSEN và các doanh nghiệp của hai nước; nghiên cứu, thành lập Ủy ban chứng nhận KOSEN tại Việt Nam…

Đến nay, Văn phòng KOSEN đã được thành lập và tham gia rất tích cực vào các hội nghị, hội thảo của Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đào tạo theo mô hình KOSEN, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Bộ Công Thương và các trường được tổ chức JICA, KOSEN lựa chọn tổ chức thực hiện thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN (gồm chương trình 3 năm tuyển học sinh tốt nghiệp THPT và chương trình 5 năm tuyển học sinh tốt nghiệp THCS), kết nối các trường nêu trên với các trường thuộc hệ thống KOSEN và các doanh nghiệp của Nhật Bản để cải tiến chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình; hoàn thiện cuốn sổ tay “Sổ tay Hướng dẫn Thiết kế Chương trình theo Mô hình KOSEN”… Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai các hoạt động theo Biên bản ghi nhớ đã được ký kết.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA, thứ 2 về đầu tư. Các hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới… Các hoạt động hợp tác giữa hai Chính phủ góp phần tăng cường tình cảm hữu nghị giữa hai nước, đồng thời đóng góp tích cực vào củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thế giới công việc đang đổi thay, Việt Nam mong muốn Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, không chỉ thông qua các dự án ODA mà còn qua các hoạt động trao đổi chuyên gia, tham quan, khảo sát, các khóa đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên… để cùng đồng hành với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tình hình mới./.

 Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp