Cập nhật ngày: 18/06/2021

  Theo khuyến cáo của ILO, Việt Nam cần phải phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, để mọi đối tượng có thể tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu này.

Nhiều quốc gia thành công khi gắn Giáo dục nghề nghiệp với giảm nghèo bền vững

Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO từ năm 1999 đã tổng kết rằng, đặc điểm nổi bật của hầu hết các chương trình, các chiến lược giảm nghèo của các chính phủ và các nhà tài trợ ở các nước đang phát triển là hầu như không có vai trò của giáo dục nghề nghiệp.

"Kiến thức, kỹ năng và năng lực của tất cả nam giới và phụ nữ đã trở thành nền tảng của sự phát triển cá nhân và năng lực hành nghề, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như tính bền vững về kinh tế và xã hội", ILO nhấn mạnh.

Vòng luẩn quẩn: Nghèo - không đi học - không có nghề - càng nghèo - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Rõ ràng, nghèo đói có tương quan trực tiếp với trình độ năng lực nghề nghiệp của con người.

ILO đã khuyến nghị các chính phủ thiết kế các chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận với Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), mặt khác thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho sinh viên tốt nghiệp GDNN.

Bài học kinh nghiệm tại một số nước Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc cho thấy thành công trong việc gắn GDNN với giảm nghèo bền vững.

Để giảm nghèo, nhiều người cần được tiếp cận với các chương trình phát triển kỹ năng cả chính thức và không chính thức. Do đó, Bangladesh đã nỗ lực cải cách đã tập trung vào tạo điều kiện cho các nhóm yếu thế được học nghề.

Cùng với các chương trình học bổng và chính sách giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, các chương trình TVET đặc biệt khác nhau tại Philippines đã được thiết kế để phục vụ cho các nhóm yếu thế, di cư và bị gạt ra ngoài lề xã hội, ví dụ: Chương trình Hỗ trợ Tài chính cho Sinh viên Giáo dục Tư nhân (PESFA); Chương trình học bổng đào tạo cho việc làm; Chương trình đào tạo đặc biệt cho việc làm (STEP)...

Ở Hàn Quốc, có các chương trình khác nhau để hòa nhập cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là người nghèo, như chương trình Học tập suốt đời ở đại học cho người lớn; Chương trình "Làm việc trước cho đồng nghiệp sau dành cho lao động trình độ trung học"; Chương trình phiếu học tập hỗ trợ người thất nghiệp và người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ thúc đẩy đào tạo kỹ năng bằng cách cấp phiếu để trang trải chi phí đào tạo…

OECD phát hiện rằng "có mối liên hệ giữa trình độ học vấn của một cá nhân và sự tham gia của họ vào xã hội dân sự, sức khỏe tinh thần và thể chất được cải thiện và sự tham gia xã hội của họ. Do đó, kỹ năng và khả năng làm việc là những đóng góp quan trọng vào việc giảm nghèo, gắn kết xã hội tốt hơn và tăng cường ổn định chính trị ".

Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc khuyến nghị và thực hiện tại Việt Nam thì mục tiêu hàng đầu là mục tiêu phát triển con người. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa của nâng cao năng suất lao động và tính cạnh tranh của khu vực cũng như mỗi quốc gia.

Phát triển nguồn nhân lực cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu và là một trong ba mục tiêu của ASEAN, được ghi trong Hiến chương ASEAN, bao gồm: phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển bền vững; và tăng cường khả năng phục hồi của khu vực.

Trong điều kiện thế giới đang đổi thay nhanh chóng, ASEAN xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng là để phát triển con người và vì con người.

Tốc độ giảm nghèo đa chiều nhanh nhất thuộc về nhóm gia đình làm nghề gì?

Theo Báo cáo "Nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người" do Bộ LĐ-TB&XH (MOLISA); Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF/VASS); Tổng cục Thống kê (GSO); Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông (MDRI) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam hợp tác, cho thấy GDNN có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng lên tình trạng nghèo của các hộ gia đình.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều của nhóm có chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%, trong khi đó nhóm có chủ hộ chưa học xong tiểu học là 26,6% vào năm 2016.

Giai đoạn 2012-2016, tỷ lệ nghèo đều giảm ở các hộ có chủ hộ ở các trình độ học vấn khác nhau. Riêng các hộ có chủ hộ tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học thì tỷ lệ nghèo đa chiều rất thấp.

Các hộ gia đình có chủ hộ làm trong lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, tiếp theo là các hộ có chủ hộ là lao động không có kỹ năng nghề; tốc độ giảm nghèo của nhóm hộ này thấp hơn các nhóm hộ khác. Các hộ gia đình có chủ hộ là thư ký, nhân viên văn phòng và lao động có kỹ năng có tốc độ giảm nghèo đa chiều nhanh nhất.

Tại diễn đàn kỹ năng nghề quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: "Theo một số tổ chức quốc tế, giáo dục phổ thông được xếp hạng thứ 38, giáo dục đại học đứng số 67 trong hơn 100 nước tham gia xếp hạng.

Giáo dục nghề nghiệp không có bảng xếp hạng riêng, nhưng trong công bố về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, có một tiểu mục rất nhỏ trong đó đứng thứ 102 tăng 13 bậc. Điều đó cho thấy giáo dục nghề nghiệp đã có những bước tăng rất mạnh nhưng so với các bậc giáo dục khác vẫn là vùng trũng".

Vòng luẩn quẩn: Nghèo - không đi học - không có nghề - càng nghèo - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

GDNN có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng lên tình trạng nghèo của các hộ gia đình.

GDNN đào tạo ra lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp cho hoạt động sản xuất xã hội, quyết định đến năng suất lao động và phát triển của mỗi quốc gia. Từ các giai đoạn trước, nhà nước cũng đã quan tâm hỗ trợ nhưng mới chỉ tập trung vào các khóa đào tạo ngắn hạn và hỗ trợ trực tiếp cho người học nhưng theo khuyến cáo của ILO, chúng ta cần phải phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đủ năng lực để đào tạo ra lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp các cấp trình độ, trong đó tập trung các khóa đào tạo nghề dài hạn để có lao động chất lượng cao.

Đồng thời, có chính sách để mọi đối tượng có thể tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu này, để từ đó mới có cơ hội để thoát khỏi vòng luẩn quẩn: nghèo - không đi học - không có nghề nghiệp - càng nghèo.

Qua đó, nhà nước khuyến khích hình thành thị trường lao động chính thức, khắc phục thị trường lao động phi chính thức ở Việt Nam hiện nay. Do đó, nhà nước cần phải ưu tiên đầu tư phát triển GDNN đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh mới.

Lệ Thu