Cập nhật ngày: 24/05/2021

  Để xin được việc làm nuôi sống bản thân khi chưa tìm được công việc đúng chuyên môn, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đành "giấu" đi tấm bằng đại học.

 Cử nhân đại học "giấu" bằng khi đi xin việc

Chọn học đại học hay học nghề là trăn trở lớn của nhiều học sinh và phụ huynh hiện nay. Nhiều người cho rằng tấm bằng đại học rất danh giá, giúp nâng cao giá trị bản thân và là cánh cửa bước vào tương lai. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, nhiều năm gần đây, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, làm trái ngành sau khi tốt nghiệp đại học liên tục gia tăng.

Theo học ngành tài chính - ngân hàng tại Trường Đại học Công đoàn, sau khi ra trường, chị Lại Thu Phương cố gắng tìm cho mình một công việc liên quan tới chuyên ngành mình đã học. Tuy nhiên, sau 2 năm, vật lộn, bươn chải, chị Phương lại nhận ra, có lẽ bản thân chị không có duyên với ngành nghề này lắm.

"Tài chính - ngân hàng hiện tại là một ngành nghề đã có quá nhiều nhân lực, thậm chí có thể gọi là thừa. Ngoài ra, mức lương mình nhận được khá thấp, không xứng với công sức mình bỏ ra. Do đó, mình đã quyết định rẽ sang một hướng mới, thử sức ở lĩnh vực khác đó là kinh doanh cửa hàng thời trang" - chị Phương chia sẻ.

Từ một nhân viên ngành tài chính - ngân hàng, hiện tại, chị Lại Thu Phương đã trở thành "bà chủ" của một cửa hàng thời trang với mức thu nhập ổn định. "Mình nhận ra rằng tấm bằng học đôi khi như một tờ vé số, may mắn thì trúng, còn đâu thì cũng dễ trượt dài".

Cầm trên tay tấm bằng sau hơn 3 năm theo học tại trường y dược, chị Đỗ Thị Duyên (Hải Phòng) đã thử sức tại một số phòng khám nha khoa. Tuy nhiên, cùng tình cảnh với chị Phương, chị Duyên đã chấp nhận từ bỏ công việc liên quan đến ngành y bởi… lương không đủ sống.

Câu chuyện của chị Phương hay chị Duyên chỉ là những ví dụ nhỏ cho việc cử nhân đại học làm trái ngành. Hiện nay, ta không khó để bắt gặp hình ảnh một người học sư phạm nhưng lại đi làm bồi bàn, một người tốt nghiệp ngành luật nhưng lại đi bán bảo hiểm, hay một người tốt nghiệp loại khá chuyên ngành ngành tài chính nhưng lại đi chạy Grab…

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động phổ thông chỉ cần tốt nghiệp THPT và đã qua đào tạo. Chính vì vậy, có một thực trạng đáng buồn xảy ra: nhiều sinh viên cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học đến xin việc bị doanh nghiệp từ chối.

 Để xin được việc làm nuôi sống bản thân khi chưa tìm được công việc đúng chuyên môn, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đành "giấu" đi tấm bằng đại học.

Phía sau câu chuyện sinh viên giấu bằng đại học để chuyển nghề - 1

 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học "giấu" đi bằng đại học để xin việc.

Nhiều người trẻ không "mặn mà" với đại học

Đại học là con đường mà phần lớn các bạn trẻ chọn để tiếp tục hành trình ước mơ. Đó có thể là con đường ngắn nhất, nhưng chắc chắn không phải duy nhất.

Hiện tại, học sinh không còn tư duy phải vào đại học bằng mọi giá, mà có nhiều lựa chọn khác nhau. Và "học nghề" là một hướng đi nhiều cơ hội lựa chọn. 

Các nghề thực hành như: dịch vụ, nấu ăn, sửa ô tô, làm đẹp... đang phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp liên quan đến ngành kỹ thuật đang rất cần một lực lượng lao động có tay nghề nhưng thực tế lại quá thiếu hụt.  Nắm bắt được xu hướng, nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề tích cực mở lớp đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực này.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ để xét tốt nghiệp, em Nguyễn Thùy Linh cho biết, trước khi làm hồ sơ, em đã tham khảo ý kiến từ phía thầy cô, gia đình và bạn bè. Thậm chí, em còn lên các phương tiện thông tin truyền thông để tìm hiểu về xu hướng nghề nghiệp trong những năm gần đây.

Nhận thấy xung quanh mình có nhiều anh, chị cũng từng tốt nghiệp đại học với bằng khá, giỏi, song không phải ai cũng may mắn tìm được công việc như ý muốn; Thùy Linh đã đưa ra được quyết định cho riêng mình: "Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, em sẽ tìm hiểu một vài trung tâm đào tạo, hướng dẫn trang điểm để theo học và thỏa mãn đam mê của mình".

Định hướng luôn được việc sẽ học nghề trong tương lai nên Phạm Lâm Thông (học sinh lớp 9) đã lựa chọn cho mình một ngôi trường cấp 3 vừa dạy song song các kiến thức văn hóa vừa đào tạo nghề. "Em biết học là con đường dễ nhất để đi đến thành công. Nhưng theo em thấy hiện nay có nhiều trường dạy nghề và có nhiều bạn lựa chọn giống em. Học nghề cũng là con đường đi đến thành công mới mà", Thông chia sẻ. 

Là người đã từng trải, có quyết định học nghề từ sớm, anh Đào Quang Hùng (ở Hải Phòng) cho biết: "Do học lực kém, nhận thấy không thể thi đỗ đại học nên mình đã quyết định theo học tại trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 2. Ngoài ra, học phí tại trường nghề thấp, trường học gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại… cũng là những lý do khiến mình học nghề thay vì học đại học".

Phía sau câu chuyện sinh viên giấu bằng đại học để chuyển nghề - 2

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  trao đổi, tư vấn cho các bạn trẻ về việc làm tại Ngày hội việc làm. 

Học nghề: "Rộng cửa" và nhanh lập nghiệp

Đối với nhiều bạn trẻ mà có hoàn cảnh không được khá giả, áp lực tiền bạc đè nặng, không có nhiều điều kiện kinh tế hoặc sức học trung bình yếu… thì quyết định học trung cấp, cao đẳng nghề là một sự lựa chọn đúng đắn. Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho người học nghề.

Việc học nghề có thể tiết kiệm được quỹ thời gian khá lớn cho các bạn, giúp cho các bạn nhanh chóng trang bị được cho mình một tay nghề vững chắc, có nghề nghiệp ổn định .

Học nghề từ sớm có lẽ là quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời của chị Ngô Lan Hương (Nam Định). Với đam mê làm bánh, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị Hương đã định hướng luôn việc học nghề, vừa để nhanh chóng có kinh nghiệm và đi làm luôn, vừa giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.

"Cũng nhờ quyết định học nghề mà giờ đây, tôi đã có một cửa hàng bánh mang thương hiệu của riêng mình, thu nhập khá ổn định", chị Hương cho hay. 

Việc "học nghề" giúp cho bạn được đào tạo nghề một cách chuyên sâu, được thực hành nhiều, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, trong khi nhiều trường đại học hiện nay vẫn nặng về lý thuyết. Do đó, sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể tự tin với kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Cùng với đó, cơ hội tìm kiếm được việc làm rất cao nếu các bạn nam chọn học các ngành như sửa chữa ô tô, xe máy, điện lạnh, điện tử, điện dân dụng, cơ khí… còn bạn nữ thì có thể theo học trung cấp may, nấu ăn...

Đây đều là những ngành đang "khát" nhân lực và không đòi hỏi khắt khe về bằng cấp. Điều quan trọng hơn cả là tỉ lệ làm đúng ngành sau khi học nghề so với học đại học là lớn hơn rất nhiều.

"Thời điểm mình theo học, đóng tàu là một ngành nghề "khát" nhân lực. Sau 3 năm theo học, ra trường và mình đã có việc làm ngay, đúng với chuyên môn mà mình đã học", anh Đào Quang Hùng chia sẻ.

Phía sau câu chuyện sinh viên giấu bằng đại học để chuyển nghề - 3

 

Nhấn để phóng to ảnh

Các ngày hội việc làm được tổ chức luôn đông nghẹt người đến.

Cha mẹ nên cởi mở hơn với chọn nghề của con

Không chỉ học sinh, nhiều bậc phụ huynh hiện nay đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc học nghề. Hiểu rõ học lực của con trẻ, do đó, thay vì bắt ép con phải "chạy đua" trong kỳ thi đại học, chị Dung lại định hướng cho cậu con trai của mình học nghề.

"Ban đầu tôi vẫn muốn cho con được học đại học, vì gia đình tôi hầu như ai cũng làm công chức. Tuy nhiên, hiểu được lực học cũng như sở thích của con, tôi đã hướng cho cháu theo học nghề sửa chữa ô tô. Xã hội phát triển, xe hơi đã trở thành phương tiện di chuyển thiết yếu. Vì vậy, tôi nghĩ, không chỉ hiện tại, mà trong tương lai, ngành nghề này cũng sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ" - chị Dung chia sẻ. 

Tương tự, anh Nguyễn Văn Trọng cũng cho rằng học nghề là một hướng đi mới và hoàn toàn có triển vọng. Cậu con trai chuẩn bị bước vào lớp 12, hiểu rõ học lực của con chỉ nằm ở mức trung bình - khá, do đó, anh Trọng không dám "mơ mộng" chuyện con sẽ đỗ đại học.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Trọng tâm sự, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, nếu con có ý định học nghề, anh sẽ ủng hộ hết mình. "Tôi không bao giờ áp đặt các con phải theo ý của mình. Các con giờ đã lớn, biết được học lực của mình ở đâu, mình cần gì hay phải làm gì".

Cô Lan Hương, giáo viên chủ nhiệm một lớp 12 ở Vĩnh Phúc bày tỏ: "Hiện nay, nền kinh tế - xã hội nước ta đang trên đà phát triển. Do đó, có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp được mở ra cho thế hệ trẻ. Vậy nên tôi cảm thấy học nghề là một xu hướng tất yếu. Vào đại học là điều mà tất cả các bạn trẻ đều mong muốn, nhưng nếu thực lực không cho phép thì tôi nghĩ các bạn nên chọn học nghề vẫn tốt hơn. Khi đã có cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình, bạn có thể học nâng cao trình độ "vừa học vừa làm".

Cũng theo cô Lan Hương, nếu trẻ có ý định học nghề thay vì học đại học, cha mẹ và thầy cô nên tôn trọng quyết định của trẻ. Hãy lắng nghe xem các con muốn gì, cần gì trong tương lai. Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh phân tích để con hiểu rõ thế mạnh, nhược điểm của mình; từ đó mới định hướng cho trẻ ngành nghề phù hợp.

"Người lớn, gần nhất là cha mẹ, hãy cùng các em tìm hiểu về xu hướng nghề nghiệp, nghề nào đang cần nhân lực trong tương lai, phù hợp với xu thế của xã hội. Để từ đó, các em sẽ có cái nhìn khách quan hơn về học nghề, đỡ mất quá nhiều thời gian và chi phí học đại học, mà còn có một nghề thiện trong tương lai", cô Lan Hương nhấn mạnh.

 Học đại học hay học nghề? Suy cho cùng, học gì cũng là trau dồi kiến thức, và mục đích cuối cùng vẫn là có một ngành nghề ổn định, vững chắc trong tương lai. Chỉ khi nào bạn xác định một hướng đi rõ ràng và chọn cho mình môi trường học tập phù hợp nhất, thì bạn mới có thể vươn tới thành công.

                                                                     Kiều Phương - Phương Thảo