Cập nhật ngày: 14/05/2021

 Mục tiêu trong kế hoạch truyền thông giai đoạn 2021 – 2023 là xây dựng phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giai đoạn 2024 – 2025 sẽ tiến tới triển khai xây dựng, hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng vừa ký ban hành Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, mục tiêu chung của giai đoạn 2021 - 2025 tập trung xây dựng, phát triển không gian truyền thông GDNN trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống nền tảng số; không gian công cộng; các điểm văn hóa, du lịch, công viên, phương tiện giao thông công cộng…   
Phóng viên cơ quan báo chí phỏng vấn tìm hiểu về hiệu quả Mô hình đào tạo 9+
Tiến tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN để truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội. Lan tỏa sâu rộng hình ảnh, giá trị GDNN trong đời sống kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh GDNN; thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2023 xây dựng phát triển không gian truyền thông GDNN. Giai đoạn 2024 - 2025 tiếp tục phát triển không gian truyền thông GDNN và tiến tới triển khai xây dựng, hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN.
Theo Kế hoạch, đối tượng tuyên truyền hướng đến là những người học tiềm năng, gồm: học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự. Người học là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học…
Đối tượng tuyên truyền hướng đến bao gồm cả phụ huynh học sinh
Đối tượng là doanh nghiệp, người sử dụng lao động (các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế). Các cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN ở Trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN; cơ quan chủ quản của các cơ sở GDNN (các Bộ, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, UBND các cấp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Các tổ chức quốc tế có hợp tác về GDNN với Việt Nam, đang hợp tác, đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Các nội dung truyền thông phải xác định rõ nhiệm vụ chính trị của GDNN là một nội dung trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác truyền thông giai đoạn 2021 - 2025 tập trung truyền tải về nội dung: Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lan tỏa các thông điệp của GDNN, đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; GDNN thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai; Tương lai tươi sáng cùng GDNN…
Truyền thông nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GDNN. Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, gắn với giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề nghiệp trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… góp phần ổn định và đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Công tác đào tạo nghề nghiệp thường xuyên, vừa học vừa làm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật, người yếu thế. Về hoạt động cải cách hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và các hoạt động khác liên quan. Quá trình chuyển đổi số của GDNN. Các mô hình, kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trên thế giới trong phát triển GDNN đã, đang và sẽ áp dụng tại Việt Nam.
Lãnh đạo cơ sở GDNN trao đổi với báo chí về công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình đào tạo theo khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trương lao động. Các mô hình đào tạo mới, hiệu quả: Mô hình 9+, Mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN… Nâng cao nhận thức về nhu cầu việc làm, đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và của thị trường lao động.
Về hình thức truyền thông sẽ được thông qua các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương: Phối hợp đưa các tin, bài, ảnh, phóng sự; xây dựng các chuyên mục, chương trình, phóng sự, tọa đàm; mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng các sản phẩm phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mang tính chất truyền thông và kết hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Qua mạng viễn thông và internet: Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền qua trang thông tin điện tử của Tổng cục GDNN; tăng cường tuyên truyền/tương tác qua mạng xã hội (Facebook), kênh truyền hình trực tuyến (YouTube)…; xây dựng các cổng/trang thông tin, các ứng dụng hỗ trợ công tác tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp. Qua các ấn phẩm: Biên soạn, xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi…; giới thiệu, cung cấp thông tin về các cơ sở GDNN, mô tả các nghề đào tạo có nhu cầu cao, giới thiệu về học nghề - lập nghiệp, cẩm nang Chọn nghề - Chọn trường…; xây dựng các video clip giới thiệu, mô tả, định hướng nghề nghiệp… Truyền thông qua các phương tiện giao thông, các không gian công cộng, biển quảng cáo hình ảnh, thông điệp truyền thông…
 

Chí Tâm