Cập nhật ngày: 05/05/2021

 Dịch Covid-19 tái bùng phát với nhiều diễn biến mới phức tạp một lần nữa làm ảnh hưởng quá trình học tập của học sinh, sinh viên, trong đó có học sinh, sinh viên ở các trường nghề.

Khắc phục khó khăn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã nỗ lực đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh, sinh viên, để các em tuy phải “tạm dừng đến trường” nhưng “không dừng việc học”

Phản ứng kịp thời trước diễn biến dịch bệnh

Với kinh nghiệm từ những đợt ứng phó trước, ở lần tái bùng phát dịch lần này, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ đã nhanh chóng khởi động các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ngay sau khi có thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nhà trường đã có thông báo đến các khoa chuyên môn triển khai học trực tuyến qua Internet.

Thầy Lê Văn Dũng, Giảng viên Khoa Điện tử – Điện lạnh, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ cho biết, đối với kiến thức lý thuyết, học trực tuyến không có gì khó khăn so với học trực tiếp. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề thực hành trên thiết bị thật thì các thầy cô phải khắc phục bằng cách dùng phần mềm mô phỏng hoặc thiết bị thực tế để làm mẫu cho học sinh, sinh viên.

Thầy Lê Văn Dũng, Giảng viên Khoa Điện tử – Điện lạnh, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ trong giờ giảng trực tuyến cho học sinh

“Trường đã trang bị camera để giáo viên thực hiện mẫu cho học sinh, sinh viên biết quy trình thực hành. Từ quy trình mẫu thầy cô hướng dẫn, các em có thể tìm hiểu thêm các thông tin trên mạng Internet về các trang thiết bị, linh kiện, vật tư để chuẩn bị cho quá trình thực hành sau này. Nếu vướng mắc, các em có thể tương tác, trao đổi trực tuyến với giáo viên”, thầy Lê Văn Dũng cho biết.

Tại Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội, học sinh, sinh viên cũng đã chuyển từ học tập trung sang học trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams & Office. Microsoft Teams & Office 365 được đánh giá là phần mềm hàng đầu trong đào tạo học trực tuyến và làm việc nhóm hiện nay.

Trước đó, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong giảng dạy và đào tạo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển của Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội. Nhiều lớp học do các chuyên gia hàng đầu của Microsoft Việt Nam trực tiếp đứng lớp đã được nhà trường tổ chức để đào tạo các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ, giảng viên và nhân viên của trường. Do đó, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường đã chủ động trong việc chuyển từ học tập trung sang học trực tuyến.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong giảng dạy và đào tạo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển của Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Hiện Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng đã lên kế hoạch chuyển từ học lý thuyết sang dạy học online đối với các môn gồm: Cung ứng dịch vụ thương mại, Marketing căn bản, Nghiệp vụ Buồng 1, Văn hóa du lịch, Hạch toán định mức, Kế toán thương mại, Kế toán tài chính, Văn hóa du lịch…

Theo bà Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội, công tác tổ chức giảng dạy – học tập trực tuyến sẽ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học. Giảng viên thực hiện việc điểm danh sinh viên lên lớp, giao bài tập, bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo quy định, hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập.

Chuyển sang dạy học online, nhưng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội vẫn tổ chức tổng vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trong nhà trường. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học online trong các cơ sở GDNN đã được thực hiện thường xuyên hơn, đặc biệt trong 2 năm nay do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động dạy – học online đã phát huy được việc duy trì tổ chức chương trình đào tạo, kế hoạch và tiến độ đào tạo, trong đó rất nhiều ngành học, môn học được ứng dụng thực hiện.

Trường CĐ Lào Cai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch cho học sinh, sinh viên

Tại nhiều cơ sở GDNN khác như Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội, CĐ Điện tử – Điện lạnh Hà Nội… cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo, xây dựng phương án giảng dạy trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Đối với học sinh học chương trình 9+, nội dung văn hóa cũng được chuyển sang dạy học online, bắt đầu từ ngày 4/5/2021.

Thầy và trò nỗ lực thích nghi

Có thể thấy để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, các cơ sở GDNN đã phản ứng nhanh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch đồng thời kích hoạt việc dạy học trực tuyến. Thuận lợi của năm học này là cả giáo viên và học sinh đã có kinh nghiệm học trực tuyến từ những đợt bùng phát dịch trước đó nên hầu hết đều không còn bỡ ngỡ khi triển khai.

Tuy nhiên, khó khăn không phải là đã hết. Dù được đánh giá là một giải pháp nhiều ưu điểm, nhưng dạy học trực tuyến vẫn có những hạn chế nhất định. Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, công tác soạn giáo án, giảng dạy đối với học trực tuyến đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Việc kiểm tra giám sát học sinh, tổ chức các hoạt động nhóm cũng khó khăn hơn so với học tập trung trên lớp. Các thầy cô cũng mất nhiều thời gian hơn để kết quả kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo thực chất, công bằng, nghiêm túc.

Giảng viên Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ chuẩn bị bài giảng online cho học sinh, sinh viên

Đối với học sinh, sinh viên, các em cũng gặp phải một số khó khăn nhất định khi tham gia học trực tuyến như dễ sao nhãng khi sử dụng các thiết bị điện tử. Không cảm thấy hứng thú với bài học khi không được trực tiếp tham gia vào các hoạt động học tập…

Chất lượng tiết học cũng phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền mạng, kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên (ngoài vấn đề nghiệp vụ sư phạm). Đặc biệt, việc dạy học trực tuyến cũng khó tiếp cận với tất cả đối tượng học sinh, sinh viên nhất là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, khó khăn thiếu thốn trang thiết bị công nghệ để phục vụ việc học trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đòi hỏi mỗi học sinh, sinh viên càng thêm tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm đối với việc học của mình…

Do đó, để đảm bảo chất lượng việc dạy và học trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp là cả quá trình nỗ lực thích nghi, khắc phục khó khăn của thầy và trò. Các thầy cô học cách sử dụng các nền tảng lớp học online khác nhau để quản lý và giảng dạy hiệu quả hơn như MS teams, Google Meet, Class Dojo.

Cùng với đó, sử dụng các ứng dụng dạy học và đa dạng hoá các hoạt học tập để học sinh thấy hứng thú và việc học được hiệu quả như Classkick, Quizziz, Quizlet, Padlet, kahoot. Về phía các em học sinh, sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm hơn đối với việc học của mình…

Trước đó, trong năm 2020, trong bối cảnh công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo bị gián đoạn và phải thay đổi nhiều do tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy. GDNN đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là fcả nước đã tuyển sinh được 2.280 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch năm. Trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác 1.700 nghìn người (đạt 101,2% kế hoạch năm).

Vũ Ngọc – Hải An