Cập nhật ngày: 18/04/2021

 Chiều 16/4, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế tổ chức Hội nghị chuyên đề "Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh cấp Trung học cơ sở".

Biểu dương mô hình đào tạo 9+ tại Thừa Thiên Huế - 1

 

Nhấn để phóng to ảnh

Các đại biểu về tham dự hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế; Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế…

Hội nghị đã nghe các báo cáo về: Công tác phân luồng, hướng nghiệp và định hướng các hoạt động phối hợp giữa trường Cao đẳng Công nghiệp Huế với ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố Huế trong giai đoạn 2021 - 2025; Công tác đào tạo và quản lý hệ 9+ tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Công tác phân luồng, hướng nghiệp thông qua các hoạt động giáo dục STEM, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật…

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã tổ chức thành công nhiều phương thức đào tạo, liên kết, liên thông, mô hình đào tạo 9+, có thể rút ngắn cho thời học và đi làm tiết kiệm thời gian rất lớn 7-8 năm (đại học); người học chỉ cần 4-5 năm đi làm và có thu nhập, sau đó muốn liên thông đại học hay học tập suốt đời vẫn thuận lợi.

Biểu dương mô hình đào tạo 9+ tại Thừa Thiên Huế - 2

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu, biểu dương mô hình 9+ đào tạo học sinh cấp 3 tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.

Các đại biểu tại Hội nghị cũng biểu dương các kết quả nhà trường qua mô hình đào tạo 9+ này, nhằm cho học sinh sẽ vừa học vừa đào tạo được ít nhất 1 nghề cơ bản, giúp cho các em định hướng nghề tốt hơn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế và trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phối hợp trong việc nâng cao kết quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Căn cứ kết quả Hội nghị, Ban giám hiệu các trường Trung học cơ sở sẽ phối hợp với trường xây dựng mục tiêu, chương trình hành động cụ thể hướng đến các đối tượng: cha mẹ học sinh, học sinh để từng bước thay đổi nhận thức trong học sinh, gia đình và xã hội về việc chọn nghề, học nghề sau Trung học cơ sở, để đảm bảo thực hiện tốt Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" và Quyết định số 1182/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Kế hoạch hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.

Biểu dương mô hình đào tạo 9+ tại Thừa Thiên Huế - 3

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Trần Hữu Châu Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu về hiệu quả mô hình 9+ và đào tạo nghề cho học sinh khi vừa bước lên cấp 3.

Như Dân trí từng thông tin, mô hình 9+ tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tuyển sinh từ năm 2017, đến nay tuy được 4 năm nhưng số lượng học sinh tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2017 được 200 em, năm 2018 được 300, 2019 là 396, và đặc biệt năm nay 2020 được gần gấp đôi với 700 học sinh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của khóa học sinh đầu tiên 2017-2020 qua kỳ thi vừa rồi đạt 86%, vượt với chỉ tiêu dự kiến 80% nhà trường đề ra.

Nhà trường tổ chức đào tạo hướng tới đối tượng là học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Đây là hệ vừa học chương trình giáo dục nghề nghiệp do nhà trường xây dựng, vừa học chương trình giáo dục THPT do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Huế (liên kết với trường) đảm nhiệm.

Sau 2 năm học, khi tốt nghiệp học sinh được cấp bằng Trung cấp; sau 3 năm học, khi tốt nghiệp các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cấp.

Biểu dương mô hình đào tạo 9+ tại Thừa Thiên Huế - 4

 

Nhấn để phóng to ảnh

Các học sinh học mô hình 9+ tại trường vừa học văn hóa…

Học sinh học có thể sẽ học tiếp lên từ 1 đến 2 năm để nhận bằng Cao đẳng do Hiệu trưởng trường cấp. Sau khi có bằng tốt nghiệp trình độ Trung cấp (2 năm) hoặc Cao đẳng (4 năm), các em có thể đi làm hoặc có thể học liên thông lên bậc học cao hơn tùy theo năng lực và nhu cầu.

Qua đánh giá của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mô hình đào tạo 9+ là một mô hình có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam đồng thời vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào học giáo dục nghề nghiệp, vừa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cũng có cam kết đối với những em nào học lên hệ cao đẳng, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sẽ giới thiệu việc làm trong 6 tháng, nếu không tìm được việc làm cho các em sẽ trả lại tiền học phí nên phụ huynh rất tin tưởng.

Biểu dương mô hình đào tạo 9+ tại Thừa Thiên Huế - 5

 

Nhấn để phóng to ảnh

… và vừa học nghề rất bổ ích và thiết thực.

Đại Dương