Cập nhật ngày: 12/03/2021

 Chiến lược trung hạn giai đoạn 2021- 2023 (viết tắt là MTS-III) đề ra cách thức UNESCO-UNEVOC sẽ hỗ trợ các cơ sở GDNN đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động năng động và đào tạo kỹ năng có chất lượng cho một tương lai việc làm bền vững. MTS-III tiếp tục tập trung vào phát triển năng lực của các nhà lãnh đạo GDNN, hỗ trợ các cơ sở GDNN trong việc thực hiện các chương trình thay đổi, và tạo điều kiện cho việc phối hợp và chia sẻ kiến thức trong Mạng lưới các nước thành viên của UNEVOC.                                                                                                                      

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhiều mặt do đại dịch Covid-19 gây ra, phát triển kỹ năng và thị trường lao động các nước đang bị ảnh hưởng và các cơ sở GDNN được khuyến khích xây dựng các chiến lược đổi mới để giải quyết các thách thức hiện tại và chuẩn bị cho một tương lai việc làm phát triển bền vững. Chiến lược MTS-III được xây dựng nhằm giải quyết những thách thức đang nổi lên trong lĩnh vực GDNN trong vòng ba năm tới, với tầm nhìn “Thúc đẩy GDNN định hướng tương lai đáp ứng với phát triển bền vững và yêu cầu của thị trường lao động năng động”. Việc triển khai các hoạt động để thực hiện Chiến lược này sẽ sử dụng nguồn quỹ được tài trợ bởi Chính phủ Liên bang Đức và tổ chức UNESCO. Các nguồn đóng góp đến từ các đối tác khác sẽ được huy động trong trường hợp cần thiết. Dự kiến cần 4,8 triệu Đôla Mỹ tương đương 4,4 triệu Euro để thực hiện thành công chiến lược này trong ba năm.

Hình ảnh minh họa

Trong khuôn khổ của Chiến lược, UNESCO-UNEVOC đề xuất triển khai sáu chương trình trọng điểm, cụ thể:

Chương trình 1: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ GDNN để thích ứng với một thế giới được số hóa.  Thông qua việc xác định những thách thức của chuyển đổi số cụ thể mà các cơ sở GDNN phải đối mặt và thông qua hai dự án chính - Cầu nối Đổi mới và Học tập trong GDNN và xây dựng các trung tâm Kỹ năng cho Đổi mới, UNESCO-UNEVOC sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ GDNN cung cấp các chương trình GDNN đáp ứng với thế giới công việc được số hóa và đảm bảo lồng ghép giới.  

Chương trình 2: Lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong GDNN. Trong chương trình này, UNESCO-UNEVOC sẽ hỗ trợ các cơ sở GDNN xây dựng và triển khai các chiến lược xanh để chuyển đổi môi trường dạy và học, nâng cao vai trò của các cơ sở GDNN trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người học, kỹ năng cho các chuyên gia trong các lĩnh vực công việc xanh, và triển khai đào tạo lại kỹ năng cho những người mất việc làm bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi.

Chương trình 3: Xây dựng các chương trình GDNN bao trùm nhằm mở rộng cơ hội phát triển kỹ năng cho người di cư và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Để thực hiện chương trình này, UNESCO-UNEVOC sẽ thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan GDNN cấp nhà nước, địa phương và cả các cơ sở đào tạo không chính quy. Để tăng khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng cho người di cư và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, các dự án liên ngành sẽ được xây dựng và triển khai.

Chương trình 4: Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong GDNN. UNESCO-UNEVOC sẽ xây dựng một diễn đàn đối thoại và phối hợp làm việc giữa các công ty trên toàn cầu và lĩnh vực GDNN. Diễn đàn này sẽ tạo cơ hội cho hai bên hợp tác chuẩn bị cho tương lai việc làm và GDNN nói chung, đồng thời huy động các khoản đầu tư tương ứng ở cấp quốc gia.

Chương trình 5: Tăng cường các hoạt động xây dựng mạng lưới UNEVOC và phối hợp giữa các cơ sở GDNN. Với hơn 250 Trung tâm UNEVOC tại 166 quốc gia thành viên của UNESCO, sự đa dạng và chuyên sâu của mạng lưới mang đến cơ hội học hỏi và trao đổi đa dạng. Một yếu tố then chốt trong tiến trình phát triển hợp tác chung giữa các trung tâm UNEVOC đó chính là các chương trình của UNEVOC trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo GDNN. Trong giai đoạn triển khai Chiến lược trung hạn này, UNESCO-UNEVOC sẽ mở rộng các chương trình của UNEVOC trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo GDNN toàn cầu này bằng việc cung cấp các mô-đun học tập kết hợp đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo trong khu vực của UNEVOC để tập trung vào nâng cao năng lực cho các nhà quản lý GDNN cấp trung. 

Chương trình 6: Nâng cao chất lượng GDNN thông qua tăng cường quản lý, trao đổi, chia sẻ kiến thức. Nhận thức được mức độ phù hợp và hữu ích của kiến thức được tạo ra trong sáu lĩnh vực chương trình được nêu trong chiến lược này, UNESCO-UNEVOC sẽ tập trung vào việc xây dựng và xuất bản các ấn phẩm và tích hợp tốt hơn nội dung phong phú thu được từ các chuyên đề vào các nguồn dữ liệu của mình. 

Trong Chiến lược này, UNESCO-UNEVOC cũng đề xuất một dự án đặc biệt nằm thích ứng với đại dịch COVID-19. Dự án này được thiết kế nhằm tăng cường trách nhiệm, khả năng phản ứng nhanh và khả năng phục hồi của các cơ sở GDNN trong thời kỳ hậu COVID-19 và góp phần giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 nói chung.

Trong giai đoạn triển khai Chiến lược, UNESCO-UNEVOC xác định bốn nguyên tắc sẽ được áp dụng để triển khai thành công Chiến lược, đó là hợp tác, tối ưu hóa, ưu tiên và thích ứng. Ngoài ra, để thực hiện thành công chiến lược này, UNESCO-UNEVOC sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng phát triển GDNN và các đối tác toàn cầu cũng như các bên liên quan ở cấp khu vực và quốc gia./.  

Nguồn: UNEVOC_MTS-III_EN.pdf (unesco.org)

Văn phòng  Tổng cục dịch và biên soạn