Cập nhật ngày: 16/01/2021

 Ngày 15/01/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức Hội thảo truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 – 2025. Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng chủ trì hội thảo.

Tham dự còn có đại diện một số cơ sở GDNN cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo truyền thông về GDNN giai đoạn 2021 - 2025
Phát biểu khai mạc, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác truyền thông trong việc định hướng, lan tỏa giá trị của GDNN trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi nhận thức xã hội, tôn vinh những lao động có kỹ năng. Đặc biệt, năm 2018, Bộ Lao động - TBXH ban hành Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2018 - 2020, qua đó đã đem lại những kết quả quan trọng về quy mô tuyển sinh, về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Quyết định lấy ngày 04/10 là ngày Kỹ năng nghề…
Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông về GDNN
Ông Trương Anh Dũng cũng nhắc lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021, theo đó làm sao GDNN phải đuổi kịp giáo dục đại học. Đây là nhiệm vụ nhiệm vụ to lớn, thách thức... Chính vì vậy, Tổng cục GDNN mong muốn tiếp tục cùng các cơ quan báo chí truyền thông xây dựng kế hoạch giai đoạn 5 năm tới nhằm mục tiêu chung là truyền tải đầy đủ, kịp thời đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về GDNN tới người dân và toàn xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh GDNN; đồng thời, thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào GDNN. Đặc biệt là truyền thông nhằm hỗ trợ công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp... để hướng tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN…
TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh chia sẻ tại hội thảo
Theo kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu cụ thể là tất cả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (Cổng thông tin điện tử của Tổng cục, báo giấy, báo điện tử, báo hình, báo nói, mạng internet…). Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDNN từ tuyển sinh, đào tạo, đánh giá tới tuyển dụng và việc làm nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hằng năm có ít nhất 500 sản phẩm truyền thông (tin, bài, ảnh, phóng sự…) được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về hoạt động của GDNN. Bám sát và kịp thời truyền thông về các sự kiện, chương trình, hoạt động của GDNN đảm bảo nhanh, chính xác, đầy đủ...
Phóng viên cơ quan báo chí truyền thông trao đổi tại hội thảo
Tham luận tại Hội thảo, đại diện Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn (Bắc Giang) đề xuất xây dựng không gian truyền thông trên 3 mặt trận. Truyền thông nội bộ, truyền thông đối tượng và truyền thông đối tác. Tuyền thông nội bộ để mỗi người lao động ý thức được giá trị của mình, tâm huyết, tự hào với sản phẩm do bàn tay, khối óc mình làm ra. Từ sự tự hào đó, lan tỏa giá trị GDNN đến với những người khác.
Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông đến các đối tượng như phụ huynh, học sinh, các đối tác như doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các đơn vị đón nhận, sử dụng sinh viên của GDNN. Chất lượng sinh viên GDNN tốt thì thể hiện chất lượng cơ sở GDNN tốt và doanh nghiệp sẽ tìm đến nhà trường để đặt hàng đào tạo…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Vũ Quốc Bình làm rõ thêm một số nội dung tuyên truyền tại các cơ sở GDNN
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đề xuất ngoài các chương trình truyền thông vĩ mô để đông đảo mọi người biết đến GDNN cần nghiên cứu xây dựng chương trình thực tế về GDNN. Tham khảo cách làm từ các chương trình thực tế như SV 96, Đường lên đỉnh Olympia để xây dựng chương trình, tạo ấn tượng với người học với xã hội cũng như tạo được sự lan tỏa của GDNN. Trên cơ sở đó, các cơ sở GDNN sẽ truyền thông nội bộ hiệu quả hơn.
Ý kiến phát biểu của các cơ quan truyền thông báo chí tại Hội thảo cũng đề xuất sự phối hợp chặt chẽ từ phía Tổng cục GDNN cũng như các cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về GDNN.
Nhân dịp này, Tổng Cục GDNN đã tặng giấy khen cho 27 phóng viên, nhà báo và 21 tập thể đã có thành tích phối hợp tích cực trong truyền thông GDNN giai đoạn 2016 - 2020
Kết luận Hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh, GDNN không chỉ dừng lại ở câu chuyện đào tạo trang bị kiến thức kỹ năng, tay nghề cho lao động mà đằng sau đó còn là vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị. Vai trò của nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cũng đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ đề cập và gần đây nhất là ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Thế giới cũng xếp kỹ năng nghề vào nhóm trụ cột kinh tế.
Lãnh đạo Tổng cục GDNN tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền về GDNN
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đề nghị, trong kế hoạch truyền thông của Tổng cục và các cơ quan báo chí tới đây cần chuyển mạnh về địa phương, cơ sở, hướng tới đối tượng là người học tiềm năng, người lao động có kỹ năng, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp và các đối tượng là người sử dụng lao động. Trong đó đối với người sử dụng lao động cần nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động, yêu cầu đòi hỏi với lao động.

Chí Tâm