Cập nhật ngày: 09/01/2021

 Ngày 6/01/2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Chương trình hợp tác Việt Đức “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” tổ chức Hội thảo “Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động từng làm việc trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19”. Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ông Tào Bàng Huy – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đại diện Chương trình hợp tác Việt Đức “Đối mới đào tạo nghề tại Việt Nam”, Lãnh đạo Vụ Đào tạo thường xuyên, các chuyên gia, đại diện một số Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, một số Hiệu trưởng, Lãnh đạo các trường cao đẳng, doanh nghiệp, người lao động và một số cơ quan báo, đài.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác kịp thời của Chương trình hợp tác Việt - Đức “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” và đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, hiệu quả đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động từng làm việc trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID 19, phân tích, dự báo tuyển sinh, đối tượng, nội dung và phương pháp, hình thức triển khai đào tạo, định hướng việc làm sau đào tạo và việc hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo triển khai tổ chức đào tạo; chỉ ra khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, công đồng doanh nghiệp, công đoàn và các Tổ chức quốc tế.

 

Chủ tọa Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Tào Bàng Huy – Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: năm 2020, có 101.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; có 31,8 triệu lao động bị mất việc, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất (88,6%), kế đến là dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn, bán lẻ, sửa chữ ô tô, mô tô, xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%)... Số lượng lao động bị mất việc làm từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là hơn 1 triệu người.

 

 

Quang cảnh Hội thảo

 

 Bà Phạm Việt Hà, quản lý chương trình “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” cho biết đến nay, 10 trường CĐ trên cả nước là đối tác của GIZ đã triển khai xây dựng và tuyển sinh, đào tạo cho 835 người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ở các nghề như điện công nghiệp, điện gia dụng, lắp đặt điện, cắt gọt kim lọai, hàn và gia cố thép, công nghệ ô tô, cơ điện tử, xử lý nước thải, cơ khí xây dựng, chế biến và an toàn thực phẩm với thời gian đào tạo từ 4-8 tuần.

Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi thảo luận trong đó tập trung vào vào việc tăng thời gian đào tạo, mở rộng đối tượng được đào tạo, hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, tăng cường phối hợp giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp, bổ sung các kỹ năng mới phù hợp với năng lực của người học.

                     Phạm Hoàn - TCGDNN