Cập nhật ngày: 31/12/2020

 Ngày 04/4/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 538/QĐ-TTg, 539/QĐ-TTg và 540/QĐ-TTg về Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 03 trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng nghề Lilama2 và Cao đẳng nghề Quy Nhơn (nay là trường Cao đẳng kỹ nghệ II, Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama2, Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn), thực hiện trong giai đoạn 2016-2019.

Được sự cho phép của Chính phủ, chiều ngày 18/12/2020, tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2, Long Thành, Đồng Nai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Hội nghị do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chủ trì.

Ông Lê Tấn Dũng Thứ trưởng Bộ LĐTBXH phát biểu khai mạc Hội nghị

 

 

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã đặt ra mục tiêu của Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung thí điểm theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sau 03 năm triển khai; đưa ra các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn; từ đó, cùng thảo luận về vấn đề tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp, đề xuất các nội dung phù hợp đối với cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong cả nước.

 

 

 

Cũng tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng đã khẳng định: Việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nói riêng không còn là một vấn đề mới mẻ. Ở đây, tự chủ không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là tự chủ về học thuật, về tổ chức bộ máy và nhân sự. Cũng cần hiểu rằng, tự chủ về tài chính không có nghĩa là không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà chỉ là thay đổi phương thức cấp, từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân theo đầu vào chuyển sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Ông Trương Anh Dũng Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị

 Trong phần trình bày báo cáo tổng kết, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Khương Thị Nhàn cho biết: Sau 03 năm thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, việc thực hiện tự chủ các cơ sở GDNN bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các cơ sở GDNN đã linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động, từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả. Tổng tuyển sinh của 3 trường giai đoạn 2016-2019 là 28.265 người tăng 49% so với 03 năm học liền kề trước đó. Các đơn vị đã được chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp; từng bước thực hiện rà soát lại toàn bộ cơ cấu tổ chức và biến chế, thực hiện sắp xếp lại một số vị trí việc làm theo hướng hợp lý hóa, tinh gọn, hiệu quả; chủ động thành lập phòng, ban, trung tâm thuộc nhà trường để thuận lợi cho việc điều hành và nắm bắt các cơ hội phát triển cho trường. Cả ba đơn vị đã kiện toàn và phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo của Hội đồng trường, duy trì thực hiện cơ chế giám sát theo quy định.Từ năm 2017 đến năm 2019, các trường không còn được cấp trực tiếp chi thường xyên từ ngân sách nhà nước giúp tiết kiệm 111.927 triệu đồng so với 03 năm tài chính giai đoạn trước thí điểm tự chủ (từ năm 2014 đến năm 2016). Tuy nhiên, do nguồn thu sự nghiệp từ học phí và thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ được tăng cường nên thu nhập cán bộ giáo viên được cải thiện, chất lượng đào tạo cũng không ngừng tăng lên.

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày báo cáo tổng kết

 Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ cũng còn nhiều vướng mắc do cơ sở pháp lý về tự chủ GDNN chưa vững chắc, thiếu tính đồng bộ. Tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chưa được quy định rõ ràng. Đặc biệt, một số quy định được “mở” trong Quyết định của Thủ tướng nhưng chưa được các trường mạnh dạn thực hiện như: Cho phép lãnh đạo quản lý ngoài độ tuổi lao động, tự mở mã ngành nghề…

 

Một số bài học kinh nghiệm đã được đưa ra như: Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển thương hiện của nhà trường là điều quan trọng hàng đầu  vđể thực hiện cơ chế tự chủ; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển Nhà trường; tăng cường các liên kết và quan hệ với doanh nghiệp; phát huy tính năng động của đội ngũ cán bộ quản lý các phòng, khoa trong tìm kiếm các cơ hội, tạo nguồn thu cho Nhà trường; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp...

 

Báo cáo Tổng kết cũng đề xuất các nội dung về cơ chế tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập như: Trao quyền tự chủ trong việc mở ngành, nghề (đăng ký hoạt động GDNN), tuyển sinh, tổ chức các hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất về lộ trình thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ toàn diện.

 

Ông Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐKT Cao Thắng phát biểu tại Hội nghị

 

 

 

 

Đại diện 03 trường thực hiện thí điểm tự chủ cũng lần lượt báo cáo tình hình thực hiện, đưa ra các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai đồng thời thống nhất đề xuất cho phép các trường tiếp tục được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định số 538/QĐ-TTg, 539/QĐ-TTg và 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến khi Nghị định quy định cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành

 

 

 

 

Tại phần thảo luận, các đại biểu đều khẳng định: Tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp là con đường tất yếu, là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là một chủ trương lớn của Đảng trong giáo dục nghề nghiệp cần được nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, còn thiếu nhiều điều kiện để thực hiện tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp như: Chưa đồng bộ chính sách trong việc thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, chuyên môn và tài chính; chưa ban hành đầy đủ định mức kinh tế kỹ thuật, chưa quy định về giá, khung giá dịch vụ đào tạo, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào chưa được quy định rõ ràng…