Cập nhật ngày: 22/12/2020

 Ngày 17/12, tại Vĩnh Phúc PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Điều hành Đề án và TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đồng chủ trì Hội thảo. Ngày 18/12 tại Hà Nội, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Điều hành Đề án, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Thường trực Ban điều hành Đề án và TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đồng chủ trì Hội thảo. Trong 2 ngày diễn ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu gồm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu quyền con người từ các bộ, ngành và đại diện các trường đào tạo nghề của một số địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo tại Vĩnh Phúc

 

Toàn cảnh Hội thảo tại Hà Nội

Phát biểu khai mạc 2 buổi hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi đã khẳng định tính cấp thiết, ý nghĩa của việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tình hình hiện nay. Đặc biệt với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến thị trường lao động chuyển hóa sang một giai đoạn phát triển mới với việc hình thành thế giới việc làm 4.0, công tác đào tạo nhân lực không chỉ còn là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mà cần phải gắn kết với giáo dục đạo đức, giáo dục quyền con người theo quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, quyền của người lao động; bên cạnh những kỹ năng về việc làm còn có thêm những kỹ năng xã hội khác để có thể làm việc trong nhiều môi trường khác nhau, nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, biết tôn trọng quyền của người khác và chấp hành tốt nội dung, quy chế của doanh nghiệp, chính sách, pháp luật của nhà nước.

PGS.TS Lê Văn Lợi phát biểu khai mạc Hội thảo tại Hà Nội.

Cùng quan điểm với PGS.TS. Lê Văn Lợi, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng nhận định rằng GDNN không chỉ giáo dục việc làm mà còn cần giáo dục các kiến thức, kỹ năng cơ bản khác, trong đó, quyền con người là một kiến thức đặc biệt quan trọng cần được quan tâm giáo dục để lực lượng lao động của chúng ta có thể biết và sử dụng hợp lý quyền của bản thân, tự phát triển khả năng, nâng cao nhận thức về pháp luật. Bên cạnh việc khẳng định ý nghĩa của Đề án đưa nội quyền con người vào chương trình giáo dục nghề nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách, TS. Bình cũng chỉ ra những thách thức đối với việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình GDNN, điều này đặt ra yêu cầu cần phải có những cách thức truyền tải hợp lý đối với đối tượng học viên ở từng giới, từng lứa tuổi và từng địa phương.

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, phát biểu tại Hội thảo Vĩnh Phúc

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người cho rằng giáo dục nghề nghiệp gắn chặt chẽ với quá trình lao động nghề nghiệp, có liên quan trực tiếp tới tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động, liên quan tới quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Vì thế người lao động cần phải biết được quyền và nghĩa vụ, các lợi ích mà người lao động được hưởng thế nào. Do đó, đưa nội dung quyền con người vào giáo dục nghề nghiệp là nhằm đáp ứng yêu cầu không chỉ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giáo viên, giảng viên mà còn đặc biệt quan trọng là cung cấp nhận thức, hiểu biết và kỹ năng bảo vệ quyền của học viên – lực lượng quan trọng, có tay nghề, hiểu biết về quyền con người, quyền của người lao động.

Từ những ý nghĩa và mục đích của giáo dục quyền con người đối với hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, PGS.TS. Tường Duy Kiên đã chỉ ra ý nghĩa chính trị, pháp lý, văn hóa, đạo đức và thực hiện các cam kết quốc tế của nhà nước Việt Nam về tăng cường giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có GDNN.

PGS.TS. Tường Duy Kiên trình bày tại Hội thảo Hà Nội

Các nhà khoa học, đại diện các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề tham gia hội thảo cũng có các bài tham luận tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm về vấn đề lý luận, các khía cạnh pháp lý và các vấn đề thực tế cũng như cách thức lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trình độ sơ cấp, chương trình trung cấp và cao đẳng, phù hợp với các loại hình và đối tượng đào tạo của các trường đào tạo nghề; đồng thời nhận diện những lợi ích, thuật lợi và thách thức đối với việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình GDNN, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp giúp công tác giáo dục quyền con người đối với GDNN thực sự đạt hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu và lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo http://qcn.hcma.vn/