Cập nhật ngày: 10/12/2020

 Thay vì học liên thông, trong thời gian tới, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học theo chương trình mới để lấy bằng CĐ với khung thời gian có thể ngắn hơn.

Học sinh tốt nghiệp THCS sẽ lấy bằng CĐ mà không cần học liên thông

 
 
Đó là thông tin ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, chia sẻ sau khi có nhiều ý kiến đề xuất về việc nên xây dựng chương trình dành cho học sinh tốt nghiệp THCS lấy bằng CĐ, thay vì phải học trung cấp rồi mới liên thông lên CĐ như hiện nay.
Trước đó, tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, ông Phan Chính Thức, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, nêu nội dung chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ CĐ cho học sinh tốt nghiệp THCS, để người học không phải liên thông từ trung cấp lên CĐ như quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có đầu vào tốt nghiệp THCS.
Ông Thức đề xuất lộ trình là năm 2021 sẽ xây dựng đề án, từ năm 2021-2025 sẽ tổ chức đào tạo thí điểm, năm 2025-2026 sẽ tổng kết và mô hình sẽ được nhân rộng từ 2026-2030
Ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết: “Trước nhu cầu nhân lực của thực tế và để thực hiện hiệu quả việc phân luồng sau THCS, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang nghiên cứu để làm đề án trình lên Chính phủ. Chúng tôi muốn đầu vào là THCS và đầu ra là CĐ, chứ không phải là đầu ra là trung cấp liên thông lên CĐ như thời gian qua. Đây cũng chính là chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ trong chỉ thị 24. Theo đó, chương trình sẽ được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của trình độ CĐ. Về thời gian đàu tạo và cách sắp xếp kiến thức văn hóa, kiến thức nghề, thực hành, thực tập… là do các trường CĐ chủ động xây dựng, miễn đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng mà chúng tôi đưa ra”.
Theo ông Bình, nếu xây dựng theo hướng đó thì thời gian học có thể sẽ ngắn hơn so với việc học xong chương trình trung cấp rồi liên thông lên CĐ. “Và khi nào xong, sẽ thí điểm trên một số lượng học sinh nhất định, chẳng hạn sẽ nhắm đến các em có học lực khá giỏi ở THCS và những em này có mong muốn chuyên sâu vào học nghề, chứ không tuyển sinh theo kiểu đại trà”, ông Bình chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng nếu xây dựng được một chương trình CĐ không cần liên thông như trước kia, sẽ rất có lợi cho người học và cho cả việc tuyển sinh của các trường. “Các em có thể sẽ được rút ngắn thời gian, và có thể sẽ được hưởng thêm chính sách. Vì hiện tại học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chỉ được miễn phí ở trình độ trung cấp còn học lên CĐ vẫn phải đóng học phí”, ông Lộc cho hay.
Nói về hướng xây dựng chương trình, ông Lộc chia sẻ: “Sau khi có khung về kiến thức, kỹ năng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi sẽ chủ động xây dựng chương trình trong khoảng từ 3-4 năm, bố trí thời gian học văn hóa phù hợp. Ngoài ra, tôi cũng muốn đề xuất để các em học đầy đủ 7 môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên thay vì chỉ 4-5 môn ở trình độ trung cấp như trước đây, để các em được công nhận hoàn thành chương trình văn hóa, và nếu có nhu cầu thi lấy bằng tốt nghiệp THPT thì sẽ đủ điều kiện để thi”.
Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề ngày càng tăng
Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm có khoảng 5,3 triệu học sinh học THCS và hơn 1,3 triệu HS học xong THCS, trong đó có khoảng 5% học sinh không tham gia thi tốt nghiệp hoặc thi không đỗ tốt nghiệp THCS. Theo tổng hợp báo cáo của 63 Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả tuyển sinh đối tượng THCS vào học trung cấp (TC) khoảng 195.173 học sinh.
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học TC trong năm 2019 đã tăng đột biến, lên khoảng 15%. Được biết giai đoạn 2011 - 2015, học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp (trung cấp nghề và TCCN) chỉ chiếm khoảng 8% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.