Cập nhật ngày: 24/11/2020

 

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đề án với nhiều mục tiêu cụ thể hướng đến việc tạo môi trường chính sách thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Điều đặc biệt là, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên định nghĩa về khái niệm “Startup”, cụ thể là: “Khởi nghiệp sáng tạo (startup) là quá trình khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh.” Vậy học sinh, sinh viên khởi nhiệp như thế nào? Sinh viên khởi nghiệp không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng, nhiều sinh viên vẫn có thể hiện thực giấc mơ khởi nghiệp. Một số người thành công, số khác thất bại nhưng tất cả đều cho rằng, startup – thực tế không “màu hồng” như trong tưởng tượng. Điều này đã thúc đẩy cuộc thi Khởi nghiệp – Startup Kite 2020, do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tổ chức trong hệ thống các trường Cao đẳng, Trung cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Từ khóa: Khởi nghiệp sáng tạo, học sinh, sinh viên

Theo thống kê “tính đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN, trong đó: 397 trường CĐ (công lập: 309 trường; tư thục: 84 trường; có vốn đầu tư nước ngoài: 04 trường); 519 trường trung cấp (TC) (công lập: 283 trường; tư thục: 235 trường; có vốn đầu tư nước ngoài: 01 trường); 1.032 trung tâm GDNN (công lập: 697 trung tâm; tư thục: 346 trung tâm; có vốn đầu tư nước ngoài: 02 trung tâm).” (Lê Quân, Bộ LĐ &TB và XH, Chuyên trang Giáo dục nghề nghiệp, ngày 20/09/2019).

Các trường Cao đẳng, Trung cấp và trung tâm dạy nghề này đã tuyển sinh và đào tạo hàng năm “theo số liệu năm 2018 là 2,21 triệu người học. Bao gồm hệ cao đẳng, trung cấp 545 nghìn sinh viên, học sinh và hệ sơ cấp & chương trình đào nghề khác là 1.665 nghìn người”. (Lê Quân, Bộ LĐ & TB và XH, Chuyên trang Giáo dục nghề nghiệp, ngày 20/09/2019).

Tuy với số lượng người học lớn như vậy, nhưng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong các trường Cao đẳng và dạy nghề trên cả nước còn rất mờ nhạt và chưa đi vào chiều sâu. Người học tại hệ này đang mới tập trung vào các kỹ năng, kiến thức và thái độ của nghề mình đang theo học. Nói đến khởi nghiệp sáng tạo là cái gì đó rất mới, rất cao và rất tự ti, không dám thử sức mình. Tại trường Cao đẳng Du lịch Hà nội, chúng tôi cũng có tâm lý như vậy. Vậy trường Cao đẳng Du lịch Hà nội đã thúc đẩy phong trào cuộc thi khởi nghiệp như thế nào?

1. Công tác chỉ đạo và tổ chức hoạt động thúc đẩy cuộc thi khởi nghiệp và kết quả đạt được.

Khi nhận được công văn của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp về tổ chức thi khởi nghiệp trong các trường Cao đẳng, trung cấp 2020, chúng tôi cũng đã rất lo lắng. Là một trường chuyên đào tạo có uy tín, chất lượng về nghiệp vụ nghề Du lịch trong cả nước. Hàng năm, chúng tôi có rất nhiều sinh viên đã từng tham gia và đạt thành tích cao trong lĩnh vực nghiệp vụ như nghề Chế biến món ăn, nghề Phục vụ nhà hàng, nghề Lễ tân khách sạn tại cuộc thi toàn quốc cũng như khu vực ASEAN, thế giới. Với lĩnh vực khởi nghiệp, lần đầu tiên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tham gia. Ngay từ đầu, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo một cách sát sao. Nhà trường đã thành lập Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 – Startup Kite” do Phó Hiệu trưởng làm trưởng ban và lãnh đạo phòng Công tác học sinh, sinh viên làm thư kí để làm đầu mối tiếp nhận báo cáo công việc đã thực hiện. Nội dung kế hoạch được triển khai đến các khoa chuyên môn. Sau khi phát động, đã có rất nhiều ý tưởng của sinh viên đưa ra. Để lựa chọn được ý tưởng khởi nghiệp tốt có tính ứng dụng cao, Nhà trường tiếp tục ra quyết định thành lập các nhóm chuyên gia là các giảng viên tại các khoa chuyên môn hướng dẫn giúp đỡ và chấm đánh giá sơ bộ để lựa chọn các ý tưởng tham gia khởi nghiệp tại trường Cao đẳng Du lịch Hà nội.

Ngày 18/08/2020, Nhà trường tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp 2020 – Starup Kite cấp trường cho 12 đội thi với những ý tưởng xuất sắc nhất tại các khoa. Trong suốt thời gian tranh tài, ban tổ chức đã lựa chọn được 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 02 giải khuyến khích. Trên cơ sở thành tích của các đội đạt được, nhà trường tiếp tục chỉ đạo các giảng viên của các khoa được phân công theo sát cùng với các đội, luyện tập, đánh giá, đưa ra phương án tối ưu nhất, phù hợp với nội dung tiêu chí cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Tại trường Cao đẳng FPT, cuộc thi khu vực đồng bằng sông Hồng, 05 đội thi của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã rất tự tin trình bày ý tưởng và quan trọng nhất là các sản phẩm cụ thể do chính tay các sinh viên làm ra. Các sản phẩm và ý tưởng kinh doanh đã được 05 thành viên ban giám khảo đánh giá cao. Kết quả dự án “Cung cấp và phân phối sản phẩm Dimsum” đạt giải Nhì, dự án “App Information for Tourism” đạt giải ba khu vực đồng bằng Sông Hồng. Hai dự án này đại diện cho trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tiếp tục dự thi vòng chung kết khởi nghiệp – Starup Kite 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh.


“Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH trong các hoạt động xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn nút khởi động “Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN”.

 

2. Đề xuất kiến nghị để cuộc thi khởi nghiệp thực sự lan tỏa sâu rộng trong học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

2.1 Những khó khăn và vướng mắc khi triển khai cuộc thi khởi nghiệp

          - Đây là lần đầu tiên, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tham gia sân chơi khởi nghiệp nên có rất nhiều bỡ ngỡ. Ngay cả việc tổ chức cuộc thi thế nào, tổ chức ra sao, thông tin đến học sinh, sinh viên để các em tích cực tham gia cùng là vấn đề mới của Nhà trường. Tuy nhiên mọi thứ khó khăn đều qua đi nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám hiệu, sự nhiệt tình không quản ngại thời gian, công sức của thầy cô hướng dẫn. Đồng thời là sự tích cực tham gia của các nhóm dự án đã góp phần vào thành tích ngày hôm nay.

          - Vấn đề kinh phí thực hiện dự án là bài toán để Nhà trường phải quan tâm. Là hoạt động ngoại khóa, vấn đề chi phí cho cuộc thi cần phải có nguồn kinh phí đảm bảo cho các dự án thực hiện. Với phần kinh phí hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ dự án cho các đội thi cấp trường, phần kinh phí này thực sự là chưa đủ nhưng cũng đã rất khích lệ các đội nhiệt tình tham gia.

2.2. Các giải pháp đề xuất thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

2.2.1. Đối với nhà trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

          - Thứ nhất, đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường và phòng Đào tạo, NCKH & HTQT đưa môn học Khởi nghiệp - 30 tiết vào danh mục các môn học tự chọn cho sinh viên Hệ Cao đẳng tại trường từ khóa học sau.

          - Thứ hai, giải quyết vấn đề kinh phí cần liên kết với nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh Du lịch trong cả nước tài trợ, hỗ trợ phần kinh phí cho các dự án tham gia cuộc thi.

          - Thứ ba, thông qua các buổi giao lưu ngoại khóa của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội sẽ mời các sinh viên đã từng đi thi và được giải thi Khởi nghiệp năm 2020 về nói chuyện, truyền cảm hứng Khởi nghiệp sáng tạo cho các sinh viên khóa mới.

          - Thứ tư, thầy cô giáo giảng dạy chuyên môn hãy tích cực hơn nữa, khơi nguồn sáng tạo, khơi nguồn khởi nghiệp cho các em học sinh, sinh viên từ năm đầu tiên đến trường. Truyền cảm hứng kinh doanh khởi nghiệp đến các em học sinh, sinh viên.

2.2.2. Đối với học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

- Thứ nhất, phải kiên trì và chăm chỉ. Trong mọi công việc, hãy tạo cho mình tác phong nghiêm túc, kiên trì, chăm chỉ, tập có trách nhiệm trong công việc của mình cùng sự trung thực, uy tín. Hãy bắt đầu sự nghiệp bằng cách làm giàu phẩm chất của mình. Các em hãy luôn nhớ rằng, cho dù có giỏi, có tài năng đến mấy, để kiếm ra đồng tiền, bản thân phải nỗ lực và đánh đổi nhiều thứ.

- Thứ hai, phải luôn học tập để có kiến thức tốt, ham học hỏi. Luôn trau dồi kiến thức nghề nghiệp sẽ giúp các em biết được nhiều điều có ích cho công việc của mình. Học tập không bao giờ là thừa, có thể học mọi lúc mọi nơi. Thường xuyên đọc nhiều sách giúp các em có kiến thức sâu hơn và nhìn nhận sự việc một cách khách quan khoa học hơn.

- Thứ ba, có khát vọng kiếm tiền chính đáng một cách mãnh liệt. Sinh viên khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, kiên trì và vượt khó đến cùng. Đây là động lực giúp các em thành công khi khởi nghiệp làm giàu.

- Thứ tư, sáng tạo và dám chấp nhận rủi ro theo đúng tinh thần khởi nghiệp. Trong kinh doanh, thương trường là chiến trường. Người chiến thắng chính là người làm nên sự khác biệt. Vì vậy, sự sáng tạo sẽ là điều kiện tất yếu để các em chiến thắng. Ngoài ra, kinh doanh là phải mạo hiểm. Phải dám chấp nhận rủi ro thì mới thành công. Nếu chỉ đi tìm sự bình an thì các em sẽ khó có cơ hội làm giàu.

- Thứ năm, đoàn kết và làm việc nhóm. Đoàn kết và làm việc nhóm là một tính cách và kỹ năng cần thiết cho những người làm khởi nghiệp. Theo đúng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam là đoàn kết, giao lưu với tất cả bởi vì “Muốn đi xa phải đi cùng nhau".

3. Kết luận

Theo thống kê có đến 90% các dự án khởi nghiệp thất bại ở 02 năm đầu tiên. Sinh viên khởi nghiệp thất bại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các em đừng mau chóng đầu hàng khó khăn. Bên cạnh các em luôn có các thầy cô giáo đồng hành và giúp đỡ. Hãy cứ bắt đầu từ những công việc bình thường nhất, rèn luyện những kỹ năng nhỏ nhặt nhất để các em có được những hành trang ban đầu trên con đường tương lai còn rất dài trước mắt./.

TS. Phạm Mạnh Cường, CN. Hoàng Việt Dũng

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Lộc (2017), Mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (thường gọi là Startup) đang tạo nên làn sóng mới và nguồn cảm hứng đưa “phong trào khởi nghiệp” tại Việt Nam đi lên, Khởi nghiệp quốc gia, ngày 11/11/2017.

2. Thu Phương (2019), Vì sao hơn 90% startup thất bại? Đầu tư online, Diễn đàn đầu tư – kinh doanh, ngày 29/12/2019.

3. Lê Quân (2019), Thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, Bộ LĐ, TB & XH, Chuyên trang Giáo dục nghề nghiệp, ngày 20/09/2019.

4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật số 04/2017/QH14.

5. Thủ tướng chính phủ (2016), Quyết định phê duyệt đề ánHỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016.

6. Trang web, Bộ quốc phòng, Cao đẳng nghề số 1, Sinh viên khởi nghiệp cần những gì?