Cập nhật ngày: 21/11/2020

 “Người thầy phải học suốt đời” - đó là chia sẻ của thầy ĐINH VĂN VƯƠNG, Trưởng bộ môn Điện công nghiệp, Khoa Điện - Điện tử của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân. Gần 10 năm làm công tác giảng dạy tại trường, trực tiếp tham gia hướng dẫn, huấn luyện các sinh viên đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi kỹ năng tay nghề khu vực ASEAN và thế giới, thầy Vương vẫn luôn ngày đêm trau dồi kỹ năng, kiến thức của mình.

 

- Được biết, thầy đã trực tiếp tham gia hướng dẫn thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN trong nhiều năm và nhiều em đã đạt được huy chương vàng. Xin thầy chia sẻ thêm về kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn các thí sinh?

- Với tôi, để duy trì thành tích có thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và đạt huy chương đòi hỏi những người thầy phải luôn luôn cập nhật, học hỏi kiến thức, công nghệ mới. Nếu không cập nhật thông tin công nghệ mới thì không thể bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới, không thể cứ lấy những cái kiến thức cũ ra để đào tạo sinh viên. Vì vậy, phải luôn luôn học hỏi, trau dồi những kiến thức công nghệ mới. Bên cạnh đó, phải luôn trau dồi trình độ ngoại ngữ, bởi vì công nghệ đa phần từ nước ngoài, không có khả năng ngoại ngữ thì không thể khai thác được kiến thức mới.

Thầy Đinh Văn Vương - Trưởng bộ môn Điện công nghiệp, Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội

Bản thân các thầy cô trong trường luôn có chiến lược dài hơi trong việc đào tạo sinh viên. Ví dụ tổ chức các kỳ thi các kỹ năng nghề các cấp từ cấp Khoa, cấp Trường để chiêu mộ các sinh viên tham gia thi, từ đó sàng lọc những thí sinh tốt nhất ở các cấp và chọn để ôn luyện đi thi cấp thành phố và cấp quốc gia. Thêm đó, trường còn thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu cho sinh viên để các em có điều kiện giao lưu, học hỏi từ những anh, chị thành đạt khóa trước, giúp các em có động lực hơn.

Trong quá trình ôn luyện, cần đặt hết tâm huyết vào việc hướng dẫn cho các thí sinh. Các thầy cô trong trường đã phải tạm gác lại rất nhiều công việc, đặc biệt trong giai đoạn nước rút, thầy cô nào cũng thức đêm cùng ôn luyện với các thí sinh. Có những vấn đề mà các em chưa giải quyết được thì thầy cô phải là người đầu tiên đi tìm nguyên nhân, tìm ra chỗ nào sai, điểm nào chưa hợp lý để phân tích cho các bạn.

- Chắc hẳn, trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn cho thí sinh tham dự cuộc thi tay nghề, thầy cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Xin thầy chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Khó khăn đầu tiên phải kể tới là về mặt thời gian, bản thân tôi cũng như các thầy cô, không chỉ mỗi công việc là ôn luyện cho các em mà còn thực hiện công tác giảng dạy ở nhà trường, tham gia công việc quản lý hay dành thời gian cho gia đình… Bên cạnh đó, phải luôn trau dồi kiến thức, bởi giáo viên là phải học hỏi suốt đời, bản thân tôi phải luôn có kế hoạch rất chi tiết.

Khó khăn tiếp theo là về các trang thiết bị. Mặc dù nhà trường đã hết sức tạo điều kiện, thành phố cũng như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nguồn đầu tư nhất định cho các trang thiết bị, tuy nhiên, với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, những thiết bị mình đang có hiện nay vẫn chưa phải là hiện đại nhất. Để khắc phục khó khăn trước mắt, hàng năm, thay vì mua một hệ thống hoàn chỉnh, nhà trường đã mua các thiết bị rời để cải tiến lắp ghép, song, như vậy cũng chỉ giải quyết được một phần chứ không giải quyết đươc toàn thể. Bản thân các thầy cô cũng hiểu rõ khó khăn chung nhưng cũng rất mong muốn được đầu tư hệ thống trang thiết bị mới để các thầy cô có điều kiện đào tạo được tốt hơn.

Một vấn đề nữa là đặc thù của năm, do vướng phải dịch Covid-19 nên các kỳ thi bị hoãn và kéo dài; một số sinh viên vì điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn phải đi làm thêm, không tiếp tục tham gia ôn luyện. Bản thân các thầy không thể cấm các em đi làm được, vì vậy, phải làm thế nào để các em tiếp tục quay lại ôn thi tiếp. Các thầy cũng phải đến tận những doanh nghiệp mà sinh viên đang theo làm, trao đổi để doanh nghiệp tạo điều kiện, đồng thời phân tích cho sinh viên hiểu tầm quan trọng của các kỳ thi, nếu tham dự thi sẽ có lợi ích gì. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng phải trao đổi với phía phụ huynh, mong muốn họ ủng hộ và động viên để các em quay lại tiếp tục ôn luyện.

- Khó khăn là vậy nhưng có lẽ vì đam mê hay vì nguồn động lực nào đó, khiến thầy vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này?  

Động lực khiến mình tiếp tục gắn bó với công việc này chính là nghị lực của sinh viên khi các em xác định học nghề là học thực sự, học để có kỹ năng, có được công việc tốt. Các em đã xác định được tư tưởng đó ngay từ đầu nên rất chịu khó học hỏi. Tôi thấy được sự đam mê của sinh viên ngay từ đầu, mà đam mê là thứ rất là quan trọng, từ đam mê này, các em sẽ cố gắng hơn, tự giác hơn mà không cần sự nhắc nhở của các thầy, cô. Mọi chương trình mà thầy cô đưa ra, đa phần sinh viên đều chủ động hoàn thành, thậm chí là tìm hiểu, luyện tập thêm… Trong những ngày tháng ôn luyện, không ít bạn ở ký túc xá ngay tại trường, tối lại lên giảng đường ôn luyện, đến khuya mới về nghỉ ngơi. Chính vì vậy, mà các thành quả đến với các bạn rất là xứng đáng.

Ngoài ra, sinh viên cũng rất chịu khó cập nhật những công nghệ mới. Có thể thấy, tính chủ động của các bạn là cao. Sự chủ động đó đã phát huy được tác dụng, minh chứng là các bạn sẵn sàng đăng tuyển vào các doanh nghiệp của nước ngoài, nơi có những yêu cầu rất khắt khe về về trình độ ngoại ngữ, tính làm việc độc lập, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Nhiều sinh viên thể hiện rõ năng lực của mình và đã có được vị trí hết sức quan trọng trong những doanh nghiệp này.

- Xin cảm ơn thầy!

 

Linh Cao