Cập nhật ngày: 21/11/2020

 Với 38 tuổi đời, 14 năm tuổi nghề, Phó Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Bùi Thái Sơn đã dẫn dắt hàng trăm học trò ở vùng cao Tây Bắc trưởng thành, giúp các em thay đổi nhận thức; rời xa hủ tục lạc hậu, có nghề nghiệp ổn định và sống được bằng nghề.

 

Vừa là cơ duyên, vừa là mong mỏi

Sinh ra và lớn lên trên đất Yên Bái, thầy giáo Bùi Thái Sơn đã tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân miền núi; nhất là sự tụt hậu nhiều thứ so với người dân miền xuôi. Trẻ em ở vùng cao Tây Bắc tuy được cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm nhưng vẫn khó có thể tiến kịp các bạn cùng trang lứa ở thành phố. Theo thầy Sơn, nguyên nhân của sự tụt hậu, cổ hủ và đói nghèo đều nằm ở chỗ trình độ nhận thức. Cuộc sống mưu sinh hàng ngày còn quá nhiều khó khăn, khiến đại đa số trẻ em ở vùng cao Tây Bắc nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biết đọc, biết viết đã khó nói chi đến tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại.

Chính bởi những điều “mắt thấy tai nghe” này, thầy giáo Sơn đã quyết định phải làm điều gì đó giúp các em học sinh Yên Bái vượt qua các rào cản về địa lý, tập quán, phong tục… tiếp cận với các kiến thức khoa học mới, tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống và làm chủ quê hương. Bùi Thái Sơn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nhà giáo, gồm bố và 3 chị gái đều công tác trong lĩnh vực giáo dục, bố là nhà giáo được học sinh và đồng nghiệp tôn trọng yêu quý với 40 năm công tác trong ngành và được phong tặng Nhà giáo ưu tú). Sau khi tốt nghiệp Chuyên ngành Điện nông nghiệp, tại Khoa Cơ điện, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Bùi Thái Sơn tiếp tục học Thạc sỹ chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. Thầy giáo Bùi Thái Sơn bắt đầu gắn bó với trường Cao đẳng Nghề Yên Bái từ năm 2006 khi trường còn là Trường Công nhân kỹ thuật Yên Bái.

Có thể nói, con đường dẫn dắt thầy giáo Sơn đến với nghề hoàn toàn tự nhiên như thể được định sẵn. Con đường ấy vừa là cơ duyên và cũng là mong mỏi của cá nhân muốn góp sức vào sự phát triển của địa phương và đất nước mà chàng thanh niên Bùi Thái Sơn đã ấp ủ từ khi còn rất trẻ. Bởi thế, 14 năm tuổi nghề, thầy giáo Bùi Thái Sơn đã dẫn dắt hàng trăm học trò ở vùng cao Tây Bắc trưởng thành, giúp các em thay đổi nhận thức; rời xa hủ tục lạc hậu, có nghề nghiệp ổn định và sống được bằng nghề. Dưới sự dìu dắt của thầy Sơn, đã có nhiều học trò vươn lên, đạt thành tích xuất sắc trong học tập và có trò đã giành giải Khuyến khích trong kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2015.

Thầy Bùi Thái Sơn tâm sự, để thu hút được các em đến với trường nghề đã khó; giữ các em ở lại học thành nghề lại càng khó hơn. Bản thân thầy cũng như các thầy cô giáo khác luôn phải học hỏi và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như các lĩnh vực khác, như học tập chuyển giao công nghệ các thiết bị mới được đầu tư, đăng ký và tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, soạn giáo án điện tử, nghiên cứu chế tạo mô hình học cụ phục vụ giảng dạy…

Thầy Bùi Thái Sơn (đứng giữa) hướng dẫn các em lớp Điện Công nghiệp thực hành trên máy tính  

Ảnh: Đức Kiên 

Bí quyết là biến kênh chữ thành kênh hình

14 năm giảng dạy, thầy giáo Bùi Thái Sơn đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục Yên Bái nói riêng nhiều sáng kiến khoa học như mô hình hệ thống điều khiển 3 băng tải (năm 2012); mô hình thiết bị trộn hóa chất (năm 2014), mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén (năm 2016)… Thầy giáo tham gia nhiều cuộc thi nghiệp vụ các cấp và giành nhiều giải cao của ngành giáo dục nghề nghiệp.

Yên Bái là một tỉnh miền núi gồm nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn; cuộc sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Cùng với đó, nhận thức của đồng bào về học nghề còn nhiều hạn chế, do vậy để tư vấn tuyển sinh các em vào học các chuyên ngành phi nông nghiệp đã có rào cản cả từ phía phụ huynh học sinh.

Thầy Sơn chia sẻ, tại Yên Bái, có nhiều trường hợp, khi lựa chọn nghề còn theo hiệu ứng đám đông nên cả xã đăng ký đi học một nghề, dẫn đến mất cân bằng trong cơ cấu việc làm. Quan điểm của đa số phụ huynh, học sinh khu vực thành phố, thị xã thì luôn xác định con em mình phấn đấu để học đại học, trường hợp không đỗ vào đại học mới gửi về Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái theo học. Do vậy, chất lượng đầu vào và ý thức rèn luyện của học sinh nhà trường còn chưa cao, tỷ lệ bỏ học cao.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ về quy mô, manh mún, không tập trung do vậy học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp còn phải đi làm ở các tỉnh xa, chưa thực sự đóng góp công sức xây dựng địa phương. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong và ngoài tỉnh sử dụng nhiều lao động phổ thông, các em tốt nghiệp cấp 3 nếu không đỗ các trường đại học lại được các doanh nghiệp này tuyển dụng với mức lương cơ bản, giúp các em và gia đình giảm đi khó khăn, do vậy, nhiều em chọn con đường đi làm. Tuy nhiên, các em không lường trước nếu không được đào tạo nghề bài bản, sẽ rất thiệt thòi kể cả khi đang đi làm.

Để khắc phục tình trạng này, thầy Sơn cho biết, cùng với việc thực hiện chủ trương phân luồng đào tạo của Nhà nước, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái nỗ lực nâng cao quy mô và chất lượng tuyển sinh bằng việc tư vấn học nghề, tư vấn cả cho phụ huynh và học sinh, từ đó có những lựa chọn nghề phù hợp với thể lực, trí lực và nhu cầu thực tiễn sản xuất. Tại Khoa Điện, bản thân mỗi thầy cô trong khoa cũng luôn ý thức nâng cao chất lượng giờ lên lớp, làm tiết học trở lên lý thú và khơi dậy tính sáng tạo, sự say mê của người học; sáng chế, phát triển các mô hình thiết bị đào tạo sát với thực tế và có tính công nghệ cao, biến kênh chữ thành kênh hình giúp các em dễ dàng tư duy phân tích, đặc biệt đối với các em vùng cao còn hạn chế về khả năng tư duy.

Đặc biệt, với kinh nghiệm của người đã từng làm ở doanh nghiệp một năm trước khi là người “đưa đò”, thầy Bùi Thái Sơn hiểu được doanh nghiệp cần gì ở người lao động. Từ đó, ngoài việc truyền đạt kiến thức về nghề, thầy Sơn đã thiết kế, chế tạo, cải tiến một số thiết bị phục vụ giảng dạy mang tính thực tiễn và tính khoa học cao, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất và đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Cùng với đó, mỗi giáo viên trong nhà trường đều ý thức, chú trọng việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm cho các em sau tốt nghiệp.

“Chúng tôi tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ sống còn của mình. Thông qua các doanh nghiệp, học sinh được trải nghiệm thực tế, được hưởng các suất học bổng khuyến khích và tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Qua đó học sinh sẽ gắn bó với trường, với doanh nghiệp, với nghề” - thầy Sơn chia sẻ.

 

Thái Bình