Cập nhật ngày: 20/11/2020

 Bộ LĐTB&XH cũng như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói riêng là “cái gốc” của mọi sự phát triển.

 

Giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc cung ứng nhân lực có kỹ thuật cho nền kinh tế quốc dân, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2021-2025, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo cần phải được đổi mới một cách toàn diện; từ việc hoàn thiện chế độ, chính sách; chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; đổi mới hoạt động của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đến việc quản lý, sử dụng nhà giáo.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 'là cái gốc của phát triển'
 Chuyên gia nước ngoài phát biểu tại hội thảo

Trước những vấn đề này, sáng 17/11 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội thảo: “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 -2025” tại Hà Nội.

Ông Trần Minh Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng Cục GNNN) cho hay: Tính đến tháng 12 năm 2018, cả nước có 86.910 nhà giáo đang giảng dạy ở 2.957 cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có: 38.086 nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng; 18.328 nhà giáo giảng dạy trong trường trung cấp và 15.571 nhà giáo giảng dạy trong trung tâm GDNN; 14.925 nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.

Chất lượng nhà giáo GDNN từng bước được nâng lên cả về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm: 100% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo; trên 92% nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm; khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành...

Do đó, để thực hiện được mục tiêu trên, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 -2025 là điều rất quan trọng.

Bộ LĐTB&XH cũng như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói riêng là “cái gốc” của mọi sự phát triển.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký ban hành 4 chương trình bồi dưỡng Kỹ năng dạy học cho người đào tạo tại doanh nghiệp. Đại diện ký kết là Lãnh đạo Tổng cục và Tổ chức Hợp tác quốc tế GIZ của Đức.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 'là cái gốc của phát triển'
Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đại diện Tổng Cục GDNN ký kết ban hành 4 Chương trình bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho người đào tạo tại doanh nghiệp.

Chương trình này nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp xây dựng 4 chương trình bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho đối tượng là người làm công tác tại doanh nghiệp.

Đồng thời các chuyên gia quốc tế từ GIZ chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN của Cộng hòa liên bang Đức – một trong số những quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển nhất trên thế giới.

Hội thảo nhận định mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN giai đoạn 2021-2025 là: Chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ nhà giáo dạy các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN: 100% đạt chuẩn vào năm 2025; Chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ đối với độ ngũ nhà giáo dạy các ngành, nghề không được đầu tư trọng điểm: 80% đạt chuẩn vào năm 2025.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao cập nhật khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ và năng lực hội nhập quốc tế; bồi dưỡng về kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp và kiến thức hội nhập quốc tế cho khoảng 70% nhà giáo.

Cuối cùng là mục tiêu tiến tới tất cả nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở GDNN phải có trình độ từ đại học trở lên, trong đó nhà giáo dạy trình độ cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm khoảng 70%; 100% nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề cao hơn 1 bậc so với kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp ở cấp trình độ nhà giáo tham gia giảng dạy.

Ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp phát biểu: “Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức.

Vấn đề năng lực của nhà giáo cần phải thích ứng với thời đại công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của xã hội, của doanh nghiệp… đang đặt ra trước mắt.

Vấn đề cơ chế chính sách để tạo động lực cho nhà giáo bao gồm: điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, tôn vinh nhà giáo… cũng cần phải quan tâm hơn. Quan trọng nhất là vấn đề thích ứng với yêu cầu mới”.

Theo ông Cao văn Sâm – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội thì  cần tạo động lực cho đội ngũ giáo giáo dục nghề nghiệp thông qua hoàn thiện cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 'là cái gốc của phát triển'
Ông Cao Văn Sâm - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội

Về đãi ngộ, ông Sâm lưu ý cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định, chế độ, chính sách theo hướng hấp dẫn hơn, kịp thời chuyển xếp lương cho nhà giáo, quy định phụ cấp đối với giáo viên dạy tích hợp lý thuyết và thực hành. Mục tiêu xây dựng cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đảm bảo yên tâm giảng dạy, yêu nghề và sống phát triển vì nghề.

Ngoài ra, xem xét bổ sung quy trình, tiêu chuẩn xét và phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phù hợp với hệ thống quản lý, tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Ông Đỗ Duy Thái - Phó hiệu trường Trường Cao đẳng nghề Yên Bái (Yên Bái) chia sẻ, trong thời gian vừa qua, việc đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, là một trong các chiến lựợc chính của nhà trường hiện nay.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 'là cái gốc của phát triển'
"Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đưa giáo viên ra ngoài doanh nghiệp tham gia vào sản xuất", ông Đỗ Duy Thái - Phó hiệu nhà trường nói

“Chúng tôi từng cho cán bộ giáo viên đi học nghiệp vụ sư phạm quốc tế bên Australia, tham gia các chương trình bồi dưỡng giáo viên do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp bồi dưỡng.

Bản thân giáo viên cũng ra ngoài doanh nghiệp để thực tập sản xuất, nắm bắt công nghệ. Sau đó về tổ chức giảng dạy sao cho gần với danh nghiệp nhất. Nhà trường chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo viên, cập nhật những công nghệ mới”, ông Thái cho hay.

Quang Sơn