Cập nhật ngày: 16/11/2020

     Trong hai ngày 13,14/11/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ Bộ Thông tin – Truyền thông, Hiệp Hội phần mềm Việt Nam, Thủ trưởng một số Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng tham dự khai mạc và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu khai mạc Hội thảo

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu và tác động đến nhiều mặt của đời sống. Trong lĩnh vực giáo dục, CĐS góp phần tạo nên những phương thức mới trong công tác quản lý cũng như hoạt động dạy và học. Hơn thế, trước đòi hỏi và thay đổi liên tục từ thị trường lao động, xu hướng tự chủ và cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục, và đặc biệt là tác động của dịch COVID19, các cơ sở giáo dục đứng trước yêu cầu thúc đẩy ứng dụng công nghệ số nhằm xây dựng một hệ thống đào tạo mang tính thích ứng, linh hoạt, mở và phản ứng nhanh hơn với thay đổi, tác động từ bên ngoài.

Bà Britta Van Erckelens, Phó Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo tập huấn: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” được Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam – GIZ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức nhằm nâng cao năng lực về Chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo. Hội thảo hướng đến mục đích cung cấp nền tảng kiến thức căn bản và bức tranh tổng quan về chuyển đổi số. Sự kiện đồng thời tạo diễn đàn mở cho các nhà lãnh đạo thảo luận và chia sẻ những vấn đề mang tính chiến lược, từ đó giúp hình thành nên tầm nhìn dài hạn cho phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ nhiều thông tin cũng như những định hướng về phát triển giáo dục nghiệp với các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo khoảng 2,2 triệu một năm, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng trên dưới 25% còn lại là trình độ sơ cấp, đào tạo ngắn hạn. Mong muốn của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và cũng là chỉ đạo của Chính phủ là trong vòng 5 năm tới sẽ tăng quy mô tuyển sinh, đào tạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp lên gấp đôi, 10 năm tới sẽ tăng quy mô lên gấp 3 bởi vì thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề đang là thách thức trước yêu cầu phát triển kinh tế. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về việc đẩy mạnh nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới. Lần đầu tiên có ngày là ngày kỹ năng lao động Việt Nam để tôn vinh, lan tỏa giá trị của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề tới toàn xã hội để kêu gọi cộng đồng, kinh nghiệm của xã hội vào việc phát triển nhân lực có kỹ năng.

Về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, đây là yêu cầu được đặt ra trong các chương trình, đề án của Chính phủ. Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng ta hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và doanh nghiệp công nghệ số. Trong các quan điểm thì đặt ra vấn đề con người là vấn đề trung tâm, con người ở đây bản chất là lực lượng lao động. Thành công hay không chính là nhờ sự gắn kết giữa các bên, từ phía các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động, học sinh, sinh viên trong các nhà trường và Chính phủ, sẽ quyết định điều này. Tổng cục trưởng cho rằng một trong những rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số chính là vấn đề nhận thức, một trong thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp về cơ bản vẫn dựa trên trao đổi trực tiếp giữa thầy và trò cùng với các trang thiết bị để hình thành và phát triển kiến thức kỹ năng, thái độ. Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số thì vấn đề này sẽ như thế nào.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong Chỉ thị của Thủ tướng có đặt ra 02 đề án cần triển khai trong thời gian tới, đó là Đề án chuyển đổi số trong GDNN và Đề án tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin trong lực lượng lao động. Phấn đấu hết năm 2020 phải có 70%, đến năm 2025 là 80%, đến 2030 là 90% lực lượng lao động được trang bị kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản. Và đây cũng là đáp ứng mục tiêu thiên nhiên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Tổng cục trưởng trong giáo dục nghề nghiệp, chưa có nhiều quốc gia có thể thực hiện đào tạo trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp thành công, chưa có nhiều quốc gia xây dựng tài nguyên mở, học liệu mở phổ biến phục vụ giáo dục nghề nghiệp thành công. Đây chính là thách thức, do mục tiêu đầu ra của giáo dục nghề nghiệp là kỹ năng và cần nhiều thời lượng thực hành.

Chuyển đổi số cần theo 02 hướng đó là quản lý và quản trị; dạy và học trong giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đã đạt được một số kết quả nhất định, thành công bước đầu, nhất là hiện đại hóa một số cơ sở vật chất trang thiết bị ở một số ngành nghề. Tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

 Tổng cục trưởng kỳ vọng là qua Hội thảo, với sự tham dự của nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin, về chuyển đổi số sẽ có trao đổi, chia sẻ về việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp như việc đặt mục tiêu, bắt đầu từ đâu, nội dung quan trọng nhất, lộ trình trong 5 năm và 10 năm tới, cái gì làm ở cấp nào (quốc gia, trường) để việc chuyển đổi số thành công, làm thế nào Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp tác động đến việc trang bị kỹ năng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động.

VP TCGDNN