Cập nhật ngày: 09/11/2020

 Một quốc gia sẽ tỏa sáng bởi những bộ óc sáng tạo, sẽ sung túc nếu có những thương nhân bền chí, sẽ phát triển bền vững bởi bàn tay của nông dân và thợ lành nghề.

image-article

Bố tôi là một thợ hàn bậc 7. Ông học bài bản ở trường nghề và đi làm công nhân cho xí nghiệp đóng xà lan ca nô lớn nhất tỉnh vào cái thời thợ nghề còn rất được coi trọng.

Từ rất bé, tôi đã được nghe những cuộc chuyện trò của ông và những người bạn về thế nào là đẳng cấp của một người thợ, thế nào là vẻ đẹp của một mối hàn.

Để đánh giá một mối hàn chuẩn mực, người ta không chỉ đơn giản là nhìn độ nuột nà ở vẻ bề ngoài mà phải dùng máy siêu âm để kiểm tra. Mối hàn chuẩn khi siêu âm sẽ không thấy có bọt khí, không có vết nứt hay lỗ hổng bên trong.

Với những chiếc xà lan lênh đênh trên sông Thương, xuôi dòng xuống Hải Dương, Tiên Lãng (Hải Phòng), Thái Bình hay ngược dòng lên Lạng Sơn, những mối hàn đẹp còn là sự an toàn, là độ bền với thời gian của những con tàu.

Ở đâu đó có câu ngạn ngữ “mỗi nghề đều có một ông thầy”. Đạt đến độ tinh hoa, đến đẳng cấp “ông thầy” đều cần tài năng, sự đam mê và rất nhiều mồ hôi nước mắt. Họ xứng đáng được tôn vinh.

Nhưng xã hội đã thay đổi. Không ai còn nhắc đến vẻ đẹp của nghề, chẳng ai trân trọng những tinh hoa từ bàn tay lao động. Những người như bố tôi chỉ còn tự nâng niu những lấp lánh của riêng mình.

Cũng đã nhiều năm nay chẳng còn mấy thí sinh chọn trường nghề. Trên dưới 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT mỗi năm, đa số chỉ đăng kí xét tuyển vào đại học dù cho năm nào các thống kê của ngành LĐ-TB-XH cũng nêu lên tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Ở các nước phát triển, trung bình cứ 1 lao động có trình độ đại học, sẽ có 3 lao động trình độ cao đẳng và 10 công nhân kỹ thuật. Ở Việt Nam, 1 đại học, chỉ có 1 cao đẳng và 1 công nhân kỹ thuật. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam chỉ vào khoảng 21,9% năm 2018. Tỷ lệ người lao động có chuyên môn kỹ thuật cao còn ít hơn nữa.

Nhưng giáo dục đại học Việt Nam hiện tại thì chỉ mang lại cho sinh viên một cái bằng tốt nghiệp, chứ không có nhiều tri thức hay khát vọng nghiên cứu. Nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm ngậm ngùi giấu tấm bằng đại học để ứng tuyển vào các nhà máy, xí nghiệp, nơi chỉ cần những người thợ thực sự. Nhưng trình độ tay nghề của họ chẳng hơn gì những học sinh tốt nghiệp từ trường phổ thông chạy thẳng vào thị trường lao động.

Chúng ta đã và đang phải trả giá cho tình trạng thừa thầy non thiếu thợ già. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam không thể tuyển được công nhân có tay nghề. Năng suất lao động của người Việt chỉ đạt mức 4 trong thang 10 của năng suất lao động thế giới. Đây cũng là điểm yếu trong lợi thế cạnh tranh dòng vốn đầu tư của Việt Nam so với các nước. Và là một trong những điểm yếu chí tử của Việt Nam trên con đường phát triển.

Việc chọn trường chọn ngành âu cũng là vì nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng cái quy luật thông thường đó lâu nay đã không còn đúng ở Việt Nam.

Có nhiều điều không bình thường đã trở thành bình thường.

Trong đó có việc chú trọng bằng cấp, chú trọng cái danh hão của những giáo sư, tiến sỹ, cho dù xã hội và nền kinh tế rất cần những người thợ giỏi, cần những con người được đào tạo bởi nền giáo dục thực học...

Điều bất bình thường ấy cần được xóa bỏ, cần thay đổi sớm vì đó là trở ngại cho sự vận động và phát triển bình thường của cả quốc gia.

Mong lắm một ngày giá trị của bàn tay lao động được coi trọng. Chắc hẳn sẽ có nhiều người nhận ra vẻ đẹp của những mối hàn...

Thục Hiền/Vov2.vov.vn