Cập nhật ngày: 13/10/2020

Sáng ngày 10/10/2020, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã  tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia tại Trường CĐ VHNT Việt Bắc”.

Thực hiện quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt lựa chọn 4 ngành đào tạo trọng điểm cấp quốc gia tại Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc gồm: Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Nghệ thuật biểu diễn Múa dân gian dân tộc. Sau gần 4 năm thực hiện dự án, Nhà trường tổ chức  hội thảo nhằm tổng kết rút kinh nghiệm quá trình đào tạo trong giai đoạn vừa qua, đồng thời giúp nhà trường thấy được những mặt mạnh yếu, những vấn đề cần khắc phục để làm tốt hơn nữa công tác đào tạo ngành nghề trọng điểm trong những năm tiếp theo.

Toàn cảnh hội thảo

Trải qua  55 năm phát triển và trưởng thành, cùng với  những ngành nghề nghệ thuật khác, 4 ngành nghề đào tạo được lựa chọn trọng điểm đã luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với sự phát triển của nhà trường, góp phần cơ bản cho công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm qua, hàng nghìn học sinh, sinh viên đã trưởng thành từ nhà trường, phần lớn trong số này đã trở thành những hạt nhân nòng cốt của phong trào văn hóa văn nghệ của cơ sở, các đoàn nghệ thuật của Trung ương và địa phương, trong đó có nhiều anh, chị đã trở thành những cán bộ quản lý, những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú xuất sắc. Việc được được lựa chọn là ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia là lợi thế cơ bản giúp cho công tác đào tạo của nhà trường ngày một lớn mạnh, góp phần giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao ở địa phương khu vực miền núi phái Bắc, phục vụ đắc lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển môi trường Văn hóa, nghệ thuật của khu vực, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ giá trị cao của nhân dân, giúp cho người học có điều kiện học nghề chất lượng cao ngay tại địa phương với mức chi phí thấp,  đáp ứng nhu cầu về công ăn việc làm cũng như  yêu cầu về trình độ lao động chuyên nghiệp hiện nay, Góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu hướng hội nhập.

 

Tại hội thảo, với 22 tham luận đến từ các phòng chức năng, khoa chuyên môn và gần 20 ý kiến tập trung vào các vấn đề: Tổ chức đánh giá thực  trạng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các ngành nghề trọng điểm; Xác định quy mô đào tạo hàng năm, trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển nguồn nhân lực của địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực, thị trường lao động trong và ngoài nước; Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý,  bổ sung lực lượng giảng viên trẻ để tăng cường đội ngũ, đáp ứng việc mở rộng quy mô đào tạo; Đầu tư đổi mới và nâng cao về chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tiếp cận công nghệ hiện đại, gắn liền với thực tiễn cũng như nhu cầu sử dụng lao động trong  hoạt động xã hội; Tăng cường sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành thường xuyên tiếp cận với các xu hướng phất triển văn hóa nghệ thuật của thế giới để nâng cao chất lượng; Tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, kỹ thuật cho đào tạo. Căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện có; Quy định danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu cho từng ngành nghề, theo trình độ, cấp độ đào tạo; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học; Tăng cường kiểm định,  đánh giá chất lượng dào tạo theo chuẩn đầu ra của khu vực và quốc tế; Công tác tuyên truyền quảng bá ngành nghề đào tạo nhằm thu hút người học,  phối kết hợp với các Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, các trung tâm văn hóa, các đoàn nghệ thuật… làm tốt công tác tuyển sinh, tạo nguồn đầu vào chất lượng để đào tạo.

Đến nay nhà trường đang đào tạo 209 HSSV thuộc dự án ngành nghề trọng điểm thuộc cả 4 chuyên ngành với 2 trình độ Trung cấp và Cao đẳng, năm 2020 đã hoàn thành tốt nghiệp cho 11 sinh viên trình độ Cao đẳng ngành Thanh nhạc. Với tinh thần đó, hội thảo đã có được nhiều ý kiến xây dựng, góp ý cho chiến lược đào tạo tiếp theo của Nhà trường.

Nâng cao toàn diện công tác đào tạo của Nhà trường đặc biệt là 4 ngành đào tạo trọng điểm cấp quốc gia là giải pháp thiết thực để nâng cao nguồn lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước, phục vụ yêu cầu xã hội cần đổi mới đồng bộ tất cả các lĩnh vực. Việc chuyển quá trình giáo dục nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với thực hành, biểu diễn, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, thông qua các hình thức liên kết giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để quá trình đào tạo luôn được điều chỉnh, cập nhật, hiện đại hơn, giúp thích ứng hơn với trình độ công nghệ mới và yêu cầu của xã hội.

Nguyễn Thị Yến Nga

Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc