Cập nhật ngày: 30/09/2020

Chuẩn bị cho Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 (diễn ra từ ngày 30/9 đến ngày 10/10/2020), trong 2 ngày 28-29/9, Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chuyên gia kỹ thuật và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin kỳ thi kỹ năng nghề (CIS) đối với 9 nghề (nhóm I).

Cùng với đó, tại các Hội đồng thi, các trường đăng cai tổ chức thi, công tác chuẩn bị trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu; bố trí mặt bằng và các điều kiện tổ chức thi cũng như tiếp đón các Đoàn về dự thi cũng đã được triển khai chu đáo.

Nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia

Tại Hội nghị tập huấn, bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó trưởng Ban tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam cho biết, đội ngũ chuyên gia đóng vai trò rất quan trọng để kỳ thi đạt chất lượng, khách quan và minh bạch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương: “Đội ngũ chuyên gia đóng vai trò rất quan trọng cho kỳ thi đạt chất lượng, khách quan và minh bạch”. Ảnh: Tổng cục GDNN

Trong 10 lần tổ chức kỳ thi trước đó, Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ các chuyên gia giỏi. “Đội ngũ chuyên gia này không chỉ đóng góp trực tiếp cho kỳ thi kỹ năng nghề các cấp mà còn là linh hồn của những đổi mới, cải cách trong việc tổ chức đào tạo, huấn luyện, sử dụng, đánh giá năng lực nghề nghiệp của người lao động”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đổi mới chất lượng các kỳ thi kỹ năng nghề, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, cũng như thực hiện những thông điệp của Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN, Hội nghị nghị viện ASEAN (AIPA) hướng tới nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Kỳ thi theo đó có nhiều điểm mới so với các kỳ thi được tổ chức trong những năm trước đó. Các chuyên gia của các Đoàn đều có thể được tham gia làm công tác chuyên gia kỹ thuật, quan sát, giám sát hoặc Tiểu ban Giám khảo, coi thi.

 

Các chuyên gia bên cạnh việc đáp ứng kinh nghiệm và năng lực chuyên môn còn đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ những quy định, đặc biệt là những nội dung mới về kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, ASEAN và thế giới và nắm chắc các nhiệm vụ của chuyên gia tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. Việc tổ chức tập huấn trước kỳ thi cho các chuyên gia theo đó sẽ góp phần đảm bảo tính chuyên môn, chuyên nghiệp cũng như tạo dựng ngân hàng các chuyên gia có kinh nghiệm cho các kỳ thi sau cũng như các kỳ thi cấp cơ sở.

Tập huấn chuyên gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11

Việc tổ chức tập huấn trước kỳ thi cho các chuyên gia nhằm đảm bảo tính chuyên môn, chuyên nghiệp và tạo được ngân hàng các chuyên gia có kinh nghiệm cho các kỳ thi sau cũng như các kỳ thi cấp cơ sở. Ảnh: Lê Toàn

Thông tin thêm về công tác tổ chức tập huấn, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, đại biểu kỹ thuật của Việt Nam tại Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN, Châu Á và Thế giới cho biết, đội ngũ chuyên gia có thể đóng góp tới 80% về chất lượng của kỳ thi kỹ năng nghề. Việc xây dựng đội ngũ các chuyên gia có chất lượng bởi thế có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự thành công của Kỳ thi kỹ năng nghề các cấp trong những năm tới. Công tác chuyên gia tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 bởi vậy được Ban tổ chức đặc biệt coi trọng và thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN):

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN): Công tác chuyên gia tại kỳ thi được thực hiện nghiêm túc và chất lượng. Ảnh: Lê Toàn

Theo chương trình, hoạt động tập huấn chuyên gia sẽ diễn ra 2 đợt. Đợt 1, tập huấn công tác chuyên gia kỹ thuật và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin kỳ thi kỹ năng nghề (CIS) trong kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 đối với 9 nghề (nhóm I) gồm: Tiện CNC, Phay CNC, Hàn, Công nghệ ôtô, Điện lạnh, Công nghệ thời trang, Tự động hóa công nghiệp, Bảo trì máy CNC, Lắp cáp mạng thông tin.

Đợt 2, sẽ diễn ra vào ngày 2/10/2020 tới, theo đó sẽ tập huấn các chuyên gia tham gia tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia (đối với 25 nghề nhóm 2).

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho các nghề mới lần đầu tham gia Kỳ thi

Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, có 7 nghề mới lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).

Trao đổi với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống bên lề Hội nghị tập huấn, chuyên gia Nguyễn Quang Huy (nghề lắp đặt điện, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) cho biết: Trong số 7 nghề mới được đưa vào so tài ở Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có góp mặt ở 2 nghề là Phay CNC, Tiện CNC.

Đây là 2 nghề dựa trên công nghệ máy CNC đời mới công nghề cao, đòi hỏi mức độ đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, dụng cụ, giáo cụ cũng như trình độ huấn luyện của chuyên gia kỹ thuật.

 

“Để các em có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã có sự đầu tư máy móc, dụng cụ hiện đại. Bên cạnh các chuyên gia trong trường, trường cũng mời thêm các chuyên gia từ các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng huấn luyện thí sinh”, chuyên gia Nguyễn Quang Huy cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Quang Huy (nghề lắp đặt điện, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Ảnh: Lê Toàn

Chuyên gia Nguyễn Quang Huy (nghề lắp đặt điện, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Ảnh: Lê Toàn

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy, đề thi của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay sẽ được tiệm cận với Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN nên thời gian thi sẽ tăng lên thành 12 đến 15 tiếng thay vì không quá 8 tiếng như trước đây.

 

Thời gian thi kéo dài cùng với sự gia tăng của thời gian, khối lượng công việc, độ khó của các bài thi cũng tăng lên, yêu cầu đòi hỏi cũng như sức ép với các thí sinh sẽ gia tăng. Do đó trong quá trình huấn luyện, ngoài nội dung chuyên môn, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cũng chú trọng huấn luyện về mặt thể lực cũng như các kỹ năng cần thiết cho các thí sinh như kỹ năng phân bổ hợp lý về mặt thời gian, làm sao để các em hoàn thành bài thi đảm bảo đáp ứng tối đa tiêu chuẩn kỹ thuật và đạt được số điểm cao nhất có thể.

Đoàn chuyên gia của Đoàn TP Hồ Chí Minh về dự Hôi nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Oanh

Đoàn chuyên gia của Đoàn TP Hồ Chí Minh về dự Hôi nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Oanh

Chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường (nghề Lắp cáp mạng thông tin, Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, Đoàn TP Hồ Chí Minh tham gia dự thi ở tất cả các nghề thi.

 

Trước đó, từ tháng 12/2019, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ thi từ cấp cơ sở dành cho các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn thành phố. Các thí sinh có thành tích tốt tại kỳ thi cấp cơ sở đã được lựa chọn và huấn luyện để tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia.

Chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường (nghề Lắp cáp mạng thông tin, Đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Lê Toàn

Chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường (nghề Lắp cáp mạng thông tin, Đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Lê Toàn

Để nâng cao chất lượng thí sinh tham dự Kỳ thi năm nay, TP Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác chuyên gia để huấn luyện thí sinh, đặc biệt là đối với các nghề mới lần đầu tiên tham gia thi.

“Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã phân công các chuyên gia có kinh nghiệm để huấn luyện cho các thí sinh tham gia thi các nghề mới. Do chưa có nguồn đề thi các năm trước để tham khảo nên các chuyên gia đã dựa trên mô tả kỹ thuật của Kỳ thi Tay nghề ASEAN và Kỳ thi Tay nghề thế giới để xây dựng các kỹ năng cần thiết và ôn luyện cho các em”, chuyên gia Tô Huỳnh Thiên Trường thông tin.

Tự tin bước vào Kỳ thi

Với kinh nghiệm cũng như bề dày thành tích trong các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia ở các năm trước và sự chuẩn bị chu đáo cho kỹ thi năm nay, nhiều chuyên gia của các đoàn thi cho biết, đến thời điểm hiện tại, các thí sinh đã có được sự chuẩn bị tốt nhất và sẵn sàng cho Kỳ thi.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy: “Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia là kỳ thi có quy mô lớn. Các thí sinh tham gia dự thi là những đại diện ưu tú về mặt nghề nghiệp cho các trường. Hầu hết nhà trường và bản thân các em cũng quyết tâm rất cao cho kỳ thi. Đến thời điểm hiện tại, các em đã sẵn sàng cho kỳ thi”.

 

Tuy nhiên bên cạnh sự tự tin, chuyên gia Nguyễn Quang Huy cho rằng, các thí sinh năm nay cũng sẽ có sự cẩn thận, chỉn chu trong phân tích đề thi và hoàn thành bài thi. “Đề thi thiên về kỹ thuật và sẽ rất linh hoạt, sáng tạo. Nếu thí sinh quá tự tin, quá quen thuộc với những gì mình đã chuẩn bị có thể dẫn đến sai sót trong việc hoàn thiện bài thi. Do đó cùng với sự tự tin, các em cũng cần có sự cẩn thận cần thiết”.

Thí sinh Nguyễn Văn Tấn. Ảnh: Phạm Oanh

Thí sinh Nguyễn Văn Tấn (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Ảnh: Phạm Oanh

Chia sẻ với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống trước đó, em Nguyễn Văn Tấn, thí sinh tới từ Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, bản thân em cũng như các thí sinh tham gia Kỳ thi Tay nghề quốc gia năm nay luôn khao khát có một sân chơi để các em có thể khẳng định được trình độ, kỹ năng và trí tuệ của bản thân. Do đó các em rất hào hứng trông chờ ở Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay.

“Tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, chúng em sẽ quyết tâm và nỗ lực thể hiện khả năng và bản lĩnh của mình để đem về thành tích cao nhất”, thí sinh Nguyễn Văn Tấn nói.

Ngày 30/9, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 sẽ chính thức bắt đầu với 2 nghề nhóm 1 là Tiện CNC, Phay CNC. Trong đó, nghề Tiện CNC thi tại cơ sở 3 của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, số 22A đường Nguyễn Văn Linh, Phường Xuân Hòa, Tp Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Nghề Phay CNC thi tại cơ sở 2 của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, số 111 đường Phan Trọng Tuệ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

 

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 được tổ chức từ ngày 28/9/2020 tới hết ngày 10/10/2020 với 34 nghề và chia làm hai đợt thi: Đợt 01 với 09 nghề, đợt 02 với 25 nghề. Lễ khai mạc Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 04/10/2020, lễ bế mạc vào ngày 10/10/2020.

Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công 10 kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, tạo được sức lan tỏa và khích lệ phong trào rèn luyện và nâng cao kỹ năng nghề trong học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động trong xã hội.

Những kết quả ngày một tiến bộ của đoàn Việt Nam tại các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới cho thấy trình độ kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã dần tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới.

Tạp chí nghề nghiệp và Cuộc sống