Cập nhật ngày: 11/09/2020

Chiều ngày 10/9/2020, tại Hà Nam, Đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp do bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2015. Tham dự làm việc với đoàn, về phía UBND tỉnh Hà Nam có bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số các sở ngành liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương phát biểu tại buổi làm việc

 

Hà Nam là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 05 năm 2016 - 2020 đạt 14%/năm, quy mô kinh tế năm 2020 ước đạt 38.588 tỷ đồng gấp 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ, chiếm 91% trong khi Nông – Lâm nghiệp Thủy sản giảm còn 9%. Trong giai đoạn 2016 -2020, giáo dục nghề nghiệp Hà Nam đã đạt được những kết quả nhất định: Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 05 trường cao đẳng công lập. 05 trường trung cấp, 05 trung tâm GDNN-GDTX và 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác tuyển sinh, đào tạo 82 nghề với 16 nghề trọng điểm. Các điều kiện đảm bảo chất lượng từng bước được đầu tư, tăng cường. Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh tuyển sinh, đào tạo được 88.860 người, trong đó: Cao đẳng: 2.820 người; trung cấp: 3.381 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 82.651 người. Tỷ lệ có việc làm đạt từ 85% tới 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong năm 2020.

Bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Trong kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, Hà Nam sẽ tiếp tục đổi mới và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi cơ cấu lao động. Đa dạng hóa các hình thức, các phương thức đào tạo nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nhấn mạnh đào tạo theo hướng thực hành, đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kỹ năng nghề tương ứng với trình độ đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đặt mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ nhằm đào tạo cho 92.500 người, trong đó có ít nhất 90% số người được đào tạo có việc làm; 60% lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp; có một trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao,…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng chất lượng giáo dục nghề nghiệp phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa nhà trường – nhà nước và doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới, vấn đề đào tạo, đào tạo lại, đào tạo kỹ năng cho người lao động đóng vai trò hết sức quan trọng để thích ứng trong bối cảnh thị trường lao động đang có sự chuyến biến nhanh chóng, không ngừng. Đào tạo cần gắn kết chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, vì vậy gắn kết giáo dục nghề nghiệp cần được tiếp tục tăng cường hơn nữa. Về xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2015, UBND tỉnh cần có sự rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển của ngành giáo dục nghề nghiệp, của Quốc hội và Chính phủ trong đó có việc tăng quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, các chỉ tiêu về phân luồng học sinh sau THCS, tỷ lệ lao động qua đào tạo và nâng chỉ số xếp hạng giáo dục nghề nghiệp. Phó Tổng cục trưởng đề nghị trong thời gian trước mắt giáo dục nghề nghiệp tỉnh nhà cần sớm triển khai tích cực Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Bên cạnh đó cần quan tâm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, trong đó có đội ngũ chuyên gia, người lao động trong doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề; công tác truyền thông và tôn vinh trong giáo dục nghề nghiệp.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lụa cảm ơn đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã dành thời gian làm việc nghiêm túc và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp Hà Nam trong thời gian tới. UBND tỉnh Hà Nam sẽ tiếp thu những ý kiến của Tổng cục và sẽ bổ sung các chỉ tiêu, các nội dung để hoàn thiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2015 nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Phó Chủ tịch mong muốn trong thời gian tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận được sự quan tâm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hơn nữa trong công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp.

                                                                                                     VP TCGDNN