Cập nhật ngày: 20/08/2020

 Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện nay mới chỉ có 30% số trường ở các ngành, nghề trọng điểm được đầu tư trang thiết bị đào tạo.

nghe
Trung tâm dịch vụ công sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho trường nghề công lập và ngoài công lập.

Trong khi đó, việc thu hút vốn xã hội hóa vào giáo dục còn khó khăn do chi phí đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp.

Chỉ 30% trường nghề được đầu tư về trang thiết bị đào tạo

Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, thực tế hiện nay, phòng học và xưởng thực hành của nhiều trường chủ yếu là sửa chữa, cải tạo lại. Về trang thiết bị đào tạo mới chỉ tập trung đầu tư tại 30% số trường ở các ngành, nghề trọng điểm, phần lớn các ngành, nghề còn lại đều thiếu về số lượng, lạc hậu về công nghệ và chưa được đầu tư, quan tâm. 

Trong bối cảnh ngân sách dành cho giáo dục còn hạn chế, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế thì việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho GDNN còn gặp nhiều khó khăn. Việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho GDNN còn hạn chế do chi phí đầu tư lớn. Hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn thấy đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35 và dân số ở độ tuổi đi học nhiều. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ đang tập trung vào đầu tư vào nhóm từ mẫu giáo đến lớp 12, tiếng Anh... Số lượng nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực GDNN còn hạn chế so với các loại hình khác nói chung và so với các bậc giáo dục khác, do một số nguyên nhân. Đó là, vốn đầu tư thành lập cơ sở GDNN (không bao gồm giá trị về đất đai) thường rất lớn, đặc biệt là một số ngành, nghề kỹ thuật (như cắt gọt kim loại, cơ khí, chế tạo máy...).

Đầu tư cho GDNN có tỷ suất lợi nhuận thấp do hiện nay việc tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo theo lộ trình điều chỉnh giá, phí quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho các đối tượng của GDNN gặp khó khăn bởi đối tượng người học chủ yếu là nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo.

 Về vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của nhà nước thì chỉ các dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ (không phân biệt lĩnh vực đầu tư) mới được vay tín dụng đầu tư của Nhà nước. Với danh mục dự án nói trên thì rất ít các cơ sở GDNN có thể tiếp cận nguồn vốn này, đặc biệt là các cơ sở GDNN có thể tự chủ được chủ yếu nằm ở những thành phố lớn.

Xây dựng xưởng thực hành sản xuất công lập

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, hiện nay đã có một số nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực GDNN, đầu tư không vì lợi nhuận hoặc không đầu tư bằng mọi giá để có lợi nhuận. Theo thống kê, mạng lưới cơ sở GDNN có 670 cơ sở GDNN tư thục và 7 cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm khoảng 34% số lượng cơ sở GDNN trên toàn quốc.

Vì vậy, trong giai đoạn tới đây Tổng cục GDNN sẽ tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư cho GDNN. 

Cụ thể, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ, hiện đại; phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển GDNN cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng một số trung tâm dịch vụ công (xưởng thực hành - sản xuất) độc lập với các trường hoặc ở tại một số trường có điều kiện tốt đối với từng nghề đặc thù. Các trường đưa học sinh vào thực tập, thực hành sẽ trả phí, ngoài thời gian thực hành có thể tham gia sản xuất. 

Trung tâm dịch vụ công sẽ giải quyết tình trạng đầu tư tràn lan ở cùng một nghề trên cùng một địa bàn; nâng cao hiệu suất sử dụng trang thiết bị đào tạo. Đồng thời, giải quyết tình trạng doanh nghiệp không tạo điều kiện cho sinh viên thực tập (do ảnh hưởng đến bí mật công nghệ; kế hoạch sản xuất; làm hỏng máy móc, thiết bị của doanh nghiệp...).

Ngoài ra, trung tâm dịch vụ công sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư giảm kinh phí đầu tư trong GDNN (không cần đầu tư nhà xưởng, thiết bị đào tạo). Đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng cho trường công lập và ngoài công lập. 

Không bao cấp dàn trải với tất cả các cơ sở đào tạo 


Tổng cục Giáo dục nghề  nghiệp sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp về cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp theo hướng không bao cấp dàn trải đối với tất cả các cơ sở đào tạo. Thay vào đó, sẽ từng bước thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo, không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập. Giá thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ theo khung giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn