Cập nhật ngày: 20/07/2020

 Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo GDNN.

Cơ chế đặt hàng tạo sự cạnh tranh công bằng giữa trường công và trường tư.

Cơ chế đặt hàng tạo sự cạnh tranh công bằng giữa trường công và trường tư. Ảnh: Đồng Ngọc

Việc đặt hàng là bước thay đổi lớn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước (NSNN). Phóng viên TBTCVN đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN xung quanh vấn đề này.

* PV: Xin bà cho biết tiến độ xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, trong lĩnh vực GDNN?

- Bà Nguyễn Thị Việt Hương: Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục GDNN đã và đang xây dựng 173 bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo cho các ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Cụ thể, tổng cục đang trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho 67 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.

Cùng với đó, tổng cục đã đăng lên website của Bộ LĐ-TB&XH để lấy ý kiến rộng rãi, gửi công văn của các đơn vị liên quan lấy ý kiến góp ý cho định mức kinh tế - kỹ thuật của 46 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Ngoài ra, tổng cục đang tiến hành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho 60 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.

* PV: Thưa bà, trong quá trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực GDNN, cơ quan soạn thảo gặp phải khó khăn, vướng mắc gì?

- Bà Nguyễn Thị Việt Hương: Trên cơ sở thực tế tiến hành thí điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho một số ngành, nghề trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, Tổng cục GDNN đã xây dựng và hoàn thiện quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo lĩnh vực GDNN và trình Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2017 quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN. Theo đó, quá trình xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật diễn ra thuận lợi, không gặp khó khăn, vướng mắc nào.

* PV: Việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm là cơ sở để giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công. Tổng cục GDNN có dự kiến như thế nào về thời gian sẽ thực hiện đặt hàng đào tạo cho các trường?

- Bà Nguyễn Thị Việt Hương: Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương khóa XII; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, để triển khai thực hiện việc đặt hàng, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang triển khai các nội dung như ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH (Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 27/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quy định về việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN (Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Hiện nay, đã ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho 113 nghề.

Bộ đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực GDNN.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP: Việc giao dự toán đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định hiện hành. Tuy nhiên hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế mục 3 Chương II và Chương III Nghị định 16/2015/NĐ-CP), trong đó lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đến năm 2021 thực hiện tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Các bộ, ngành địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các quy định hướng dẫn nêu trên sẽ tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế.

* PV: Kỳ vọng của bà như thế nào về chất lượng GDNN khi thực hiện đặt hàng đào tạo?

- Bà Nguyễn Thị Việt Hương: Có thể nói, việc đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn.  

Thứ nhất là sẽ nâng cao chất lượng đào tạo. Với sự tham gia giữa nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp tác sẽ giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng GDNN. Nhà trường và doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo đến cùng nhau tuyển sinh, cùng nhau đào tạo, giải quyết việc làm cho người học, tổ chức chương trình đào tạo song hành gắn đào tạo lý thuyết ở trường và thực hành tại doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp sẽ có nhân lực, còn phía nhà trường có khả năng thu hút học sinh, sinh viên và bắt buộc phải nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thứ hai là, bảo đảm việc sử dụng hiệu quả NSNN. Một trong những yêu cầu của việc đặt hàng đào tạo đối với các cơ sở GDNN là phải đảm bảo bố trí việc làm đúng nghề đào tạo cho số học sinh tốt nghiệp ra trường theo cam kết và thanh toán theo đầu ra (số lượng học sinh sinh viên tốt nghiệp và có việc làm đúng ngành nghề sau đào tạo); từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Thứ ba là, bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập do NSNN chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Do vậy, các cơ sở giáo dục ngoài công lập bình đẳng như các cơ sở GDNN công lập trong việc cung cấp dịch vụ đào tạo do nhà nước đặt hàng, đấu thầu.

Thứ tư là góp phần giải quyết an sinh xã hội và cung ứng nguồn lực lao động có kỹ năng tay nghề cao cho xã hội đối với các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không muốn tham gia đào tạo; các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

* PV: Xin cảm ơn bà!

                                                                                                                                          Bùi Tư/Thoibaotaichinhvietnam.vn