Cập nhật ngày: 02/07/2020

 

Chiều ngày 01/7/2020, tại thành phố Bắc Ninh, đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp do ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh về công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Đào tạo thường xuyên, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Pháp chế - Thanh tra và Văn phòng thuộc Tổng cục. Về phía sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh có đại diện lãnh đạo sở, đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo của các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

 

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Tổng cục đã nghe đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày khái quát về kết quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 cơ sở giáo nghề nghiệp, trong đó có 14 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, một số trường cao đẳng, trung cấp đã thực hiện bước đầu đạt hiệu quả việc gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Kết quả tuyển sinh năm 2019 được 52.518 người, trong đó 3.744 sinh viên hệ cao đẳng, 3.223 học sinh hệ trung cấp, 37.802 học sinh hệ sơ cấp và 7.749 học sinh hệ dưới 3 tháng. Tổng số tốt nghiệp năm 2019 là 41.657 học sinh, sinh viên (cao đẳng: 2.214 sinh viên; trung cấp: 2.693 học sinh; sơ cấp: 29.869 học sinh, đào tạo dưới 3 tháng: 6.881 học sinh). Điều này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh lên 72%. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp năm 2019 đạt trên 80%, đặc biệt có những trường tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là 100%.

Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó có các nội dung về tuyển sinh, đào tạo năm 2020.   

Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác Tổng cục đã dành nhiều thời gian để trao đổi giải đáp những vướng mắc và những đề xuất của Sở và lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng về triển khai cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp, trong đó có chính sách miễn học phí cho đối tượng bộ đội xuất ngũ, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của các trường, hợp tác giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, định mức kinh tế kỹ thuật đối với ngành nghề đào tạo,..

Toàn cảnh buổi làm việc với Sở

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cảm thấy vui mừng khi về thăm và làm việc với tỉnh về công tác giáo dục nghề nghiệp. Bắc Ninh tuy có diện tích nhỏ nhất nhưng có kinh tế lớn thứ 7 trên cả nước và có tốc độ phát triển rất nhanh chóng với quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước. Điều đó đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp của tỉnh phải phát triển để đáp ứng yêu cầu các ngành kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho lao động đang được Đảng, Chính phủ hết sức coi trọng và chúng ta vẫn thiếu hụt nguồn lao động có kỹ năng. Trong năm 2020, qua theo dõi báo cáo của các địa phương về tuyển sinh và đào tạo, có địa phương hoàn thành kế hoạch so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng có nhiều địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, tuyển sinh giảm so với cùng thời điểm năm trước, chủ yếu rơi vào nguồn tuyển sinh ngắn hạn. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm 2020. Tổng cục trưởng đề nghị Bắc Ninh cần tăng cường giải pháp để đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng trong giai đoạn trước mắt và kế hoạch 5 năm sắp tới.

Trong những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp luôn là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Bắc Ninh có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp khá mạnh với 58 cơ sở, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhưng quy mô, cơ cấu ngành nghề vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của địa phương trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đổi mới cơ chế tài chính và đào tạo gắn kết với doanh nghiệp. Bắc Ninh cần quan tâm điều này, bên cạnh đó công tác phân luồng học sinh cần được thực hiện quyết liệt với sự phối hợp vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trước hết đi từ đổi mới tư duy trong quản lý mà trước hết từ chính các đồng chí cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục trưởng đề nghị trong thời gian sắp tới giáo dục nghề nghiệp tỉnh nhà cần tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2020; nghiên cứu và đề xuất kế hoạch phát triển triển giai đoạn 5 năm tiếp theo; phối hợp với Tổng cục để tháo gỡ những vướng mắc về chính sách giáo dục nghề nghiệp đối với các cơ sở đào tạo trong tỉnh, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với nhau, sự gắn kết cơ sở đào tạo với sở, sự phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với các sở ngành trong tỉnh để giải quyết bài toán phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với lao động và việc làm. Quan trọng hơn, tỉnh cần nghiên cứu chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh tiềm năng của địa phương trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là phát triển trường nghề chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm tiếp cận khu vực và quốc tế, tăng cường cơ chế đặt hàng doanh nghiệp trong đào tạo. Tổng cục trưởng chúc giáo dục nghề nghiệp Bắc Ninh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thăm và làm việc với trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Tổng cục được nghe đại diện lãnh đạo trường báo cáo về công tác giáo dục nghề nghiệp. Với 50 năm hình thành và phát triển, đến nay, trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh có cơ ngơi khang trang với 10 đơn vị phòng ban trực thuộc, phòng chuyên môn, xưởng thực hành với thiết bị tương đối hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động là 89 người. Trong đó, tỷ lệ giáo viên, giảng viên có trình độ sau đại học đạt trên 35%. Năm 2019, nhà trường đào tạo cả 3 cấp trình độ, cao đẳng đào tạo 10 ngành, nghề; trung cấp đào tạo 8 ngành, nghề; sơ cấp đào tạo 33 ngành, nghề. Quy mô đào tạo năm 2019 là 2158 học sinh, sinh viên, số lượng tốt nghiệp là 216 học sinh, sinh viên.

 

Toàn cảnh buổi làm việc với trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh

Nhà trường đã tích cực triển khai mô hình đào tạo kép với công ty ABB, công ty Sanwa Việt Nam;  tích cực triển khai đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, nhà trường đã phối hợp trong đào tạo với nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Canon Tiên Du, Samsung Display Yên Phong, Công ty sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT để đào tạo kỹ năng cho học sinh, sinh viên và người lao động. Năm 2019, nhà trường đã đưa hàng ngàn học sinh, sinh viên đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên được nhà trường quan tâm, chú trọng. Mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên được nhà trường triển khai hiệu quả.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng và các đồng chí trong đoàn công tác thăm xưởng thực hành của nhà trường

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gửi lời chúc mừng tới tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên, người lao động nhà trường với những kết quả đã đạt được trong những năm qua. Với chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, những năm gần đây quy mô và hiệu quả đã tăng vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh mới, thời  cơ mới thì đây là kết quả đáng mừng. Tổng cục trưởng tin rằng với sự quyết tâm nỗ lực của nhà trường, nội lực sẵn có, sự quan tâm của chính quyền tỉnh nhà nhà, sự hỗ trợ của Tổng cục nhà trường sẽ hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Tổng cục tán thành và tiếp thu những đề xuất của nhà trường về cơ chế, chính sách, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ nhà trường đạt tiêu chí trường chất lượng cao.

Để đạt được điều đó, trước hết thuộc về trách nhiệm nhà trường sau đó là trách nhiệm của tỉnh và sau cùng là trách nhiệm của Tổng cục. Vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý hiện đang được nhà trường quan tâm và tìm giải pháp. Muốn tháo gỡ được điều này nhất khoát cần phải có cơ chế đặc thù, cơ chế này trước hết bắt nguồn từ thực tế nhà trường làm thế nào để thu hút được người tài, tiếp đó là công tác bồi dưỡng đội ngũ, việc này nhà trường cần có sự đề xuất cụ thể để Tổng cục có sự hỗ trợ. Tổng cục trưởng cảm thấy vui mừng khi trở lại thăm trường với một cơ ngơi rất khang trang và diện mạo mới triển vọng cho sự phát triển, lưu ý nhà trường cần quan tâm tới công tác tôn vinh người thầy, tôn vinh người học và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

                                                                                                       VP TCGDNN