Cập nhật ngày: 26/06/2020

Thế giới đang trải qua những thay đổi lớn về mô hình sản xuất và thương mại cũng như những đổi mới mạnh mẽ trong công nghệ. Toàn cầu hóa cũng đòi hỏi các quốc gia, các nền kinh tế cần phải mở cửa cạnh tranh. Trong một nền kinh tế cạnh tranh hơn, năng suất, chất lượng và tính linh hoạt là quan trọng cho sự thành công của các hệ thống sản xuất. Những yếu tố này đòi hỏi người lao động phải có tính cơ động cao và linh hoạt trong việc áp dụng các kỹ năng mới. Tuy nhiên, cả các nước phát triển và đang phát triển đều không có khả năng thích ứng đủ nhanh với yêu cầu của một nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh hơn. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt lao động có trình độ cho các ngành công nghiệp mới và phương thức sản xuất cũng như sự dịch chuyển lao động.

Những thay đổi, yêu cầu kỹ năng mới đòi hỏi các hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, một thực tế là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công thường không đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phần lớn các sinh viên tốt nghiệp khóa đào tạo không tìm được việc làm đầy đủ với mức lương thỏa đáng. Bên cạnh đó, phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp ngày càng giảm, do đó, đã đến lúc các nước phát triển và đang phát triển phải xem xét khả năng tạo ra các nguồn lực thay thế cho nguồn ngân sách hạn hẹp từ chính phủ.

Khái niệm doanh nghiệp trường học là kết quả của quá trình phát triển trên. Các mô hình trường học kiểu mới đã xuất hiện. Các mô hình này tạo điều kiện cho sinh viên có thể áp dụng các kỹ năng ngay khi bước chân vào thị trường lao động. Mô hình doanh nghiệp trường học là sự kết hợp học nghề với thực tế sản xuất. Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên buộc phải thực hiện các khóa học liên tục để thích ứng với điều kiện thị trường mới và đưa ra các kiến thức mới phù hợp với các quy trình công nghệ mới. Đồng thời, người giáo viên phải luôn nỗ lực để tìm ra những cách dạy và học mới để tăng sự hứng thú và động lực học tập của học sinh. Một yếu tố không kém phần quan trọng khác đó là trong quá trình thực hiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ khai thác các nguồn tài chính mới để có thể đáp ứng chi phí đào tạo.

Một số mô hình doanh nghiệp trường học của các nước

Trường trung học dạy nghề Jinsong ở Bắc Kinh

Trường trung học dạy nghề Jinsong15 ở Bắc Kinh có một nhà hàng do trường quản lý. Các sinh viên là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong ba năm, học sinh được đào tạo về lý thuyết và thực hành nấu ăn ngoài các môn học chung của chương trình trung học. Học sinh được thực hành nấu ăn theo hướng dẫn của giáo viên. Thực phẩm nấu chín được dùng để phục vụ bữa ăn cho chính sinh viên và giáo viên của trường với mức giá chiết khấu. Đây là một nhà hàng do nhà trường quản lý và có lợi nhuận. Đến năm thứ ba, sinh viên hoàn toàn có thể nấu ăn tại nhà hàng đó và họ chính là những đầu bếp chuyên nghiệp của nhà hàng, dưới sự giám sát của giáo viên. Một phần lợi nhuận từ nhà hàng được trường giữ lại và phần còn lại được sử dụng cho các khóa học chuyên nghiệp và phòng thí nghiệm thực hành. Mô hình này đã giúp nhà trường bù đắp phần ngân sách hạn chế từ chính phủ và các khoản chi phí đào tạo của nhà trường.

ảnh minh họa

Trường kỹ thuật máy công cụ Xianyang

Đây là một trường trung học kỹ thuật, với mục tiêu là đào tạo công nhân lành nghề và kỹ thuật viên. Nhà trường thành lập một nhà máy do trường vận hành và quản lý và hoạt động sản xuất trong nhà máy phù hợp với chương trình giảng dạy. Nhà máy - giống như các nhà máy thông thường khác - có thể tiếp nhận các khoản đầu tư và cho vay. Để hỗ trợ một doanh nghiệp trường học này, chính phủ có chính sách ưu đãi thuế 50%, với điều kiện 60% lợi nhuận được sử dụng để mở rộng và nâng cấp cơ sở dạy học. Trường có trung bình 1.500 sinh viên theo học và các sinh viên theo học hầu hết tốt nghiệp từ các trường trung học cơ sở và học trong vòng bốn năm. Trường có phòng thí nghiệm để bổ sung cho giảng dạy lý thuyết và khoảng 500 thiết bị máy móc chính. Đội ngũ giáo viên viên khoảng 574 người. Hàng năm, sản lượng đầu ra là 200 máy mài. Lợi nhuận năm 1988 là 464.000 nhân dân tệ.

Các trung tâm thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại An-giê-ri

Những trung tâm này được thành lập để hỗ trợ hoạt động sản xuất tại các cơ sở dạy nghề, là đơn vị trung gian giữa các doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề. Các trung tâm tập trung xác định các yêu cầu từ các doanh nghiệp, đặc biệt là khi nhu cầu đối với các sản phẩm quá lớn so với khả năng đáp ứng bởi một cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trao đổi, định giá và thời hạn; phân phối tổng nhu cầu trong số các cơ sở dạy nghề, có tính đến năng lực sản xuất của các cơ sở; và cung cấp nguyên liệu thô.

Khía cạnh tích cực nhất của mô hình này là tận dụng lợi thế của một nền “kinh tế quy mô” thông qua việc tổng hợp nhu cầu từ nhiều nguồn khác nhau và năng lực sản xuất từ nhiều nhà cung cấp nhỏ. Ngoài ra, bằng cách đặt hàng một số lượng lớn nguyên liệu, họ có được mức giá tốt hơn và giảm chi phí sản xuất.

Văn phòng TCGDNN (TH-ĐN) dịch và biên soạn

(Nguồn: UNEVOC, International Project on Technical and Vocational Education, School enterprises: Combining Vocational learning with Production, Madhu Singh)