Cập nhật ngày: 06/05/2020

 Mô hình do nhóm giảng viên một trường cao đẳng sáng tạo, có thể điều khiển bằng giọng nói, giúp cho việc dạy và học hứng thú hơn.

Thạc sĩ Trần Hữu Phước (trái) và kỹ sư Phạm Hồng Hậu /// NGUYỄN THÀNH TRUNG
                                    Thạc sĩ Trần Hữu Phước (trái) và kỹ sư Phạm Hồng Hậu
 
 

Tăng hiệu quả dạy và học

Mô hình do thạc sĩ Trần Hữu Phước và kỹ sư Phạm Hồng Hậu, giảng viên Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, sáng chế có tên gọi “Mô hình phân loại sản phẩm điều khiển và giám sát thông qua internet”.
Chia sẻ phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Trần Hữu Phước cho biết: “Mô hình này được áp dụng giảng dạy trong nghề cơ điện tử, ở các bài giảng chuyên sâu về lắp ráp, đấu nối và vận hành hệ thống cơ điện tử. Trên thực tế, ở các bài giảng độc lập như lập trình PLC, sử dụng biến tần... thì giảng viên đều có thiết bị để hướng dẫn sinh viên thực hành. Thế nhưng, để kết nối thành một hệ thống điều khiển phục vụ cho các bài nâng cao thì chưa có thiết bị nào. Giáo viên gặp rất nhiều khó khăn và chủ yếu sử dụng những demo hoặc những hình ảnh để minh hoạ mỗi lần dạy các bài nâng cao đó cho sinh viên. Vì vậy, mất nhiều thời gian hơn, hiệu quả mang lại không cao và sự hào hứng của học sinh bị giảm đi rất nhiều”.
Đó là lý do khiến nhóm nảy ra ý tưởng chế tạo một mô hình tích hợp các bài giảng độc lập vào thành một hệ thống điều khiển gần giống với thực tế. Bên cạnh đó, theo kỹ sư Phạm Hồng Hậu, nhu cầu giám sát và điều khiển thông qua Internet hiện nay là rất lớn nên việc nghiên cứu và chế tạo thiết bị dạy học theo xu thế này là điều tất yếu, nếu trường nghề muốn tiếp cận với công nghệ và hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sinh viên hứng thú hơn

Được biết, mô hình phân loại sản phẩm này giúp giảng viên và sinh viên có thể điều khiển và giám sát thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet. Ngoài ra, gần đây nhóm đã phát triển phương pháp điều khiển bằng giọng nói. Hiện tại, mô hình đang được điều khiển thông qua 3 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức.
"Do mô hình đã được lập trình nên khi giảng viên hay sinh viên nói "bắt đầu", "kết thúc", "xy lanh 1", "xy lanh 2", "băng tải"... bộ điều khiển sẽ kích hoạt hệ thống thông qua internet và chấp hành hoạt động, thay vì phải bấm nút. Sau nhiều buổi học, tôi cảm nhận được sinh viên rất hứng thú vì có thể dùng điện thoại và giọng nói của mình để điều khiển, đồng thời tiếp thu bài nhanh hơn nhờ có mô hình trực quan sinh động", thạc sĩ Phước cho hay.
Sau 6 tháng nghiên cứu, thạc sĩ Trần Hữu Phước và kỹ sư Phạm Hồng Hậu đã chế tạo thành công thiết bị này. Sản phẩm từng đạt giải 3 Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2019 và đạt giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho biết: “Đối với một trường nghề, ngoài chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên thì cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng rất quan trọng. Trong đó, chúng tôi luôn khuyến khích và hỗ trợ giảng viên tự nghiên cứu, tận dụng thiết bị sẵn có để xây dựng các mô hình đào tạo 4.0. Điều đó vừa giúp giảng viên nâng cao trình độ, nắm vững công nghệ, vừa phát huy và kế thừa trang thiết bị hiện có, giúp trường tiết kiệm, chủ động trong công tác giảng dạy”.
                                                                                                             Nguồn: Thanhnien.vn