Cập nhật ngày: 03/04/2020

 Biết không thể thuyết phục được ba, tôi giấu nhà, gói ghém hành trang vào TP.HCM học nghề để từng bước xây dựng ước mơ mở nhà hàng trà - bánh ngọt.

Thi viết Tôi chọn nghề lần 2: Bỏ 2 trường ĐH, lén đi học nghề - Ảnh 1.

 

Như Ý (trái) tại trung tâm học nghề bếp - Ảnh: TUYẾT TRÂM

Năm 2019, trong gần 900.000 thí sinh tham gia xét tuyển ĐH-CĐ, tôi trúng tuyển hai trường ĐH với mức điểm 22,5 đúng như ba mẹ mong đợi. Đứng giữa sự cân nhắc hai ngành kinh tế và quản trị nhà hàng, khách sạn tại hai trường ĐH có tiếng ở TP.HCM, tôi lại ngậm ngùi cất hồ sơ vào hộc bàn rồi quyết định tạo bước ngoặt: học nghề.

Biết không thể thuyết phục được ba, tôi giấu nhà, gói ghém hành trang vào TP.HCM học nghề để từng bước xây dựng ước mơ mở nhà hàng trà - bánh ngọt. Rồi ba cũng biết chuyện, ông giận tôi đến mức tuyên bố từ mặt con. Mẹ tôi nước mắt ngắn dài nói tuổi trẻ nhiều dại khờ, khuyên tôi suy nghĩ lại. 

Phải lựa chọn giữa tình thân và niềm đam mê bất tận của bản thân, tôi có chút chùn lòng nhưng vẫn quyết định nén sự đau xót để đi theo con đường mình chọn dù có gặp phải khó khăn, vấp ngã gì.

Với số tiền ít ỏi còn lại, tôi thuê một phòng trọ nhỏ cùng một người bạn. Có định hướng và kế hoạch cụ thể, tôi học song song hai chương trình cả bánh và pha chế. Ban ngày đi học, buổi tối tôi xin làm thêm tại một quán cà phê, vừa để học cách người ta kinh doanh vừa để ứng dụng những bài học pha chế học được cho nhuần nhuyễn. 

Mỗi ngày lên lớp, được chạm tay vào bột, đường làm thành những chiếc bánh nướng lên thơm nức mũi; được tự tay pha chế hàng chục loại thức uống đủ màu xanh đỏ tím vàng... tôi lại thấy đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mình. Mọi vất vả, lo toan khi đó chỉ còn là con số 0.

 

Tôi luôn nghĩ học nghề không phải chỉ để ra làm thợ, mà bản thân còn có thể phát triển theo đúng lộ trình. Tôi được chạm tay vào thực tế, trau dồi kỹ năng chuyên môn, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế để có kinh nghiệm. 

Ở các trường dạy nghề, chương trình học không đòi hỏi quá nhiều lý thuyết mà yêu cầu cao hơn về "thực học - thực làm" nên phần lớn thời gian tôi đều được học và thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia. 

Ngoài giờ học, tôi còn cố gắng đọc thêm tài liệu về kinh doanh, cách vận hành và quản lý cửa hàng, quản lý nhân viên, chiến lược quảng cáo… để tự tin hơn cho quyết định mở tiệm của mình.

 

Còn sớm để nói là mình thành công, nhưng tôi tự nhắc mình hãy thật sự cố gắng hết sức, chăm chỉ làm việc thì nhất định sẽ tới được cái đích mình mong muốn.

                                                                         Nguyễn Thị Như Ý (Tp.HCM), nguồn: Tuoitre.vn