Cập nhật ngày: 20/03/2020

Đa số phụ huynh đều mong con đậu vào các trường đại học danh tiếng bởi nhiều người vẫn nghĩ đại học sẽ mở ra tương lai tươi sáng hơn cao đẳng hay trung cấp. Tuy nhiên, quan điểm này còn hạn chế, câu chuyện của tôi là một minh chứng.

Tôi đã chọn học nghề ở quê hương - Ảnh 1.
 

Cô Thư (giữa) cùng học trò nhận giải thưởng tại cuộc thi Éureka 2018 - Ảnh: HIỀN TRƯƠNG

Tôi sinh ra ở Đồng Tháp, nơi có mùa nước nổi mang phù sa bồi đắp đồng lúa mênh mông, những ao sen thơm ngát và vườn trái cây trĩu quả. Cách đây 19 năm, khi đang học lớp 12, như bao học sinh khác, tôi háo hức cho kỳ thi cuối cấp và thi tuyển vào ĐH. 

Dự định của tôi là thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chuyên ngành nữ công gia chánh và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo ý nguyện nối nghiệp gia đình của mẹ.

Tưởng chừng phải dừng lại

Biến cố gia đình ập đến, ba tôi trở bệnh nặng, tốn nhiều chi phí chữa trị và cần người thân bên cạnh. Mẹ tôi phải vừa đi dạy vừa chăm sóc ba và bà ngoại. 

Gia đình tôi không đủ điều kiện để tôi có thể hoàn thành ĐH với những khoản chi phí lớn trong 4 năm học. Nhưng ba và ngoại đều muốn tôi tiếp tục việc học.

Tôi cân nhắc những ngôi trường vừa gần nhà, thời gian học ngắn, học phí không cao, ra trường dễ tìm việc làm và đặc biệt là phải có chuyên ngành phù hợp. Sau bao đắn đo, tôi theo ngành công nghệ thực phẩm Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp.

Tôi dần nhận ra mình hoàn toàn phù hợp với công nghệ thực phẩm vì có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những loại thực phẩm tôi yêu thích, hiểu về nguyên nhân và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm, thực hiện nhiều chuyến tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp sản xuất thực tiễn… Niềm đam mê này làm tôi cố gắng nhiều hơn và được đền đáp xứng đáng.

Tôi tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường làm giảng viên vào năm 2005. Cũng nhờ trường, tôi được trao cơ hội học liên thông lên ĐH, tốt nghiệp loại giỏi vào năm 2009, rồi tiếp tục tốt nghiệp loại xuất sắc chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Cần Thơ năm 2016.

Tiếp đam mê cho người sau

Giờ đây, tôi là một trong những giảng viên cơ hữu chuyên ngành công nghệ thực phẩm của Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp.

 

Khi đứng lớp giảng dạy, tôi nhận ra đứng trên bục giảng cũng rất thú vị, khi tôi có cơ hội truyền đạt cho sinh viên nhiều kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng, thực phẩm gắn liền với sáng tạo trong màu sắc, mùi vị, cấu trúc đến cách trình bày như một nghệ thuật.

Ngoài giảng dạy, tôi cũng muốn "truyền lửa" cho sinh viên, giúp các em dù ở chương trình học nào cũng có thể tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy niềm đam mê khám phá tri thức mới. 

Thầy trò chúng tôi nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp dựa trên các nguồn nguyên liệu đặc trưng địa phương và chuyển giao cho doanh nghiệp. 

Nghiên cứu này được nhiều ghi nhận, như giải ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học 2018 (Éureka 2018), giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 2018-2019…

Nghĩ lại, tôi vẫn thấy học nghề tại quê hương là lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp của tôi. Tôi hoàn thành ước mơ có bằng ĐH, thậm chí là bằng thạc sĩ với chuyên ngành mà mình yêu thích, có công việc quá tốt với mức lương ổn định, tự lập về kinh tế như mong ước của bà ngoại tôi ngày xưa. 

Tôi đã không phụ sự kỳ vọng của ba tôi và đặc biệt là làm cho mẹ tôi rất vui vì tiếp nối sự nghiệp trồng người của bà. 

 

Tôi nhận ra rằng mình thực sự yêu nghề giáo vì được truyền đạt kiến thức cho sinh viên đúng chuyên ngành công nghệ thực phẩm mà tôi đam mê. Tôi tự nhủ sẽ không ngừng truyền lửa cho các thế hệ sinh viên của trường, từng bước dẫn dắt các bạn trẻ thực hiện ước mơ.

                                                                                                     Lê Thái Anh Thư - Đồng Tháp/Tuoitre.vn