Cập nhật ngày: 14/02/2020

 Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, phân tích tác động của những yếu tố mới nổi này đối với công tác quản lý nơi làm việc.

Các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam hiện phải đối mặt với những thách thức về chi phí nhân công tăng, thiếu hụt lao động, thiếu kỹ năng và người lao động thiếu cam kết với doanh nghiệp. Vì sao những thách thức này trở nên đáng lo ngại hơn trong những năm gần đây? Theo ông, tương lai có triển vọng như thế nào?

Đúng là hiện nay các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, bất kể là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, phải đối diện với nhiều thách thức như bạn vừa nói đến như thiếu hụt lao động hay chi phí nhân công tăng. Nhưng tôi phải nói rằng những thách thức này là đáng mừng đối với Việt Nam, bởi nếu bạn so sánh với nhiều nước khác thì thách thức đối với họ là thiếu cơ hội việc làm do nền kinh tế không tăng trưởng mạnh. Ở nhiều nước khác, thách thức không phải là chi phí nhân công tăng mà là mức tăng trưởng tiền lương chững lại. Bối cảnh của Việt Nam thì ngược lại bởi vì tăng trưởng kinh tế đạt mức cao bền vững. Đó là lý do tại sao tôi nói thách thức mà Việt Nam phải đối diện là thách thức đáng mừng.

Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam

Nói vậy nhưng đó vẫn là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các lĩnh vực khác nhau lại đối diện với những vấn đề khác nhau. Chẳng hạn như áp lực về chi phí đối với lĩnh vực dịch vụ trong nước như nhà hàng và khách sạn không cao như đối với lĩnh vực dệt may do các doanh nghiệp dệt may phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ở Bangladesh hay Myanmar.

Vấn đề lao động “thiếu kỹ năng” và “thiếu cam kết” cũng không rõ ràng, không thể tách bạch trắng đen. Đúng là khó có thể tuyển được người lao động có thể đáp ứng mọi yêu cầu và làm việc hiệu quả 100% khi họ mới bắt đầu công việc. Nhưng chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là liệu đội ngũ quản lý có đủ kỹ năng để tối ưu hóa tiềm năng tay nghề của người lao động bằng cách tổ chức công việc hiệu quả hơn, đào tạo tại chỗ tốt hơn và có cơ chế khuyến khích, giữ chân người lao động hiệu quả hơn hay không.

Khi chúng ta nói “thiếu cam kết”, tôi cho rằng chúng ta đang nói đến việc người lao động chuyển từ công ty này sang công ty khác và họ không bám trụ lâu ở một công ty. Đúng đây không phải là điều mà các công ty mong muốn bởi vì họ mất đi những nhân viên có kinh nghiệm. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải đặt lại câu hỏi rằng liệu người sử dụng lao động có khả năng tạo nên nơi làm việc hấp dẫn với môi trường làm việc an toàn, điều kiện làm việc tốt và những đóng góp của người lao động được khen thưởng đúng mức để người lao động gắn bó với công ty hay không. 

Theo ông, có phải số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam ngày càng tăng cũng góp phần gây nên sự thiếu hụt về lao động không?

Tình trạng thiếu hụt lao động là kết quả của tăng trưởng kinh tế bền vững, chủ yếu là do FDI tăng. Không có nhiều quốc gia trên thế giới có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên 6% mỗi năm như Việt Nam trong mười năm qua.

Vì thế chúng ta có thể nói rằng sự gia tăng FDI là một yếu tố dẫn đến thiếu hụt lao động. Đó cũng là kết quả của các chính sách của Nhà nước phụ thuộc vào hội nhập toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Như vậy, đầu tư tăng hơn tạo thêm nhiều doanh nghiệp và cần nhiều lao động hơn có thể dẫn tới thiếu hụt lao động. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp đang chuyển dịch công đoạn sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tôi không có số liệu thống kê cập nhật nhất về tình hình thiếu hụt lao động nhưng hầu như tất cả những người làm quản lý nhân sự mà tôi gặp đều nói rằng đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của các công ty trong các lĩnh vực khác nhau.

Các nước khác đã đối phó với những thách thức này như thế nào trong giai đoạn đầu phát triển?

Các nước phát triển hơn Việt Nam hiện nay đều đã phải trải qua quá trình này. Ví dụ như Hàn Quốc đã phải trải qua thời kỳ khó khăn này trong những năm 70 và 80. Ngay cả Trung Quốc với 1,3 tỷ dân cũng đã phải đối diện với sự thiếu hụt lao động và chi phí nhân công tăng từ giữa những năm 2000. Vì thế đây là quá trình phát triển mà mọi quốc gia thành công đều phải trải qua. Và Việt Nam giờ đang trải qua giai đoạn này.

"Đây là quá trình phát triển mà mọi quốc gia thành công đều phải trải qua."

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam

Đây là thời kỳ mà các công ty, các ngành công nghiệp và các nền kinh tế phải chuyển đổi mô hình phát triển. Cho đến nay thế mạnh chính của Việt Nam vẫn là chi phí thấp và tiền lương thấp ở dưới đáy của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế chi phí nhân công tăng và thiếu hụt lao động đồng nghĩa với việc mô hình tăng trưởng kinh tế chỉ hoàn toàn dựa trên chi phí và tiền lương thấp sẽ sớm chấm dứt. Đã đến lúc các ngành công nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc. Tăng lương không nhất thiết là tăng chi phí nhân công. Nếu mức tăng năng suất vượt tăng trưởng về tiền lương thì chi phí nhân công trên một đơn vị sẽ giảm khiến cho doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Vì thế cần phải xây dựng hệ thống quản lý nơi làm việc thế nào để năng suất cao hơn. Cũng cần phải tạo dựng nơi làm việc hấp dẫn hơn đối với người lao động về môi trường, điều kiện làm việc và động lực làm việc.

Để đối phó với những thách thức này, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cụm từ thông dụng ở Việt Nam ngày nay. Nhưng tôi nghĩ rằng người sử dụng lao động rất thực tế và họ sẽ so sánh chi phí tự động hóa với chi phí nhân công tăng. Nếu chi phí sử dụng máy móc để làm ra một sản phẩm rẻ hơn so với chi phí làm thủ công thì họ có thể sẽ chọn tự động hóa. Tôi cho rằng Việt Nam chưa đạt tới giai đoạn đó vì chúng ta phải nhớ rằng chỉ có thể áp dụng tự động hóa với một số công đoạn sản xuất thôi.

Khi tôi nói chuyện với các nhà quản lý nhân sự nhiều kinh nghiệm ở một số công ty trong ngành chế biến gỗ, một số người đề xuất có thể áp dụng tự động hóa những công đoạn sản xuất gây nhiều tiếng ồn và độc hại vì người lao động hiện nay không muốn làm việc trong những điều kiện như vậy. Tôi nghĩ đây là đề xuất hợp lý.

Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 11 năm 2019. Những thay đổi chính trong Bộ luật Lao động sửa đổi này là gì và hàm ý đối với công tác quản lý nơi làm việc hiệu quả là gì, thưa ông?

Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tháng 11 vừa qua. Khi có hiệu lực, Bộ luật này sẽ mang lại nhiều thay đổi đối với nơi làm việc. Nội dung thay đổi chính là trong lĩnh vực quan hệ lao động. Hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bộ luật mới sẽ cho phép người lao động được thành lập hay tham gia các tổ chức do họ lựa chọn và những tổ chức của người lao động này không nhất thiết phải là thành viên của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là một sự thay đổi lớn nhưng cũng là một thách thức – người sử dụng lao động và người lao động không có kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống mới này. Nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh rằng những hệ thống quan hệ lao động ở hầu hết các quốc gia đều vận hành dựa trên sự công nhận đầy đủ quyền tự do hiệp hội. Vì thế chẳng có lý do gì Việt Nam không thể điều hành được hệ thống quan hệ lao động mới này.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội rất tốt để dùng quan hệ lao động mới để nâng cấp hệ thống quản lý nơi làm việc cho năng suất cao hơn và có được các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn ở Việt Nam. Đó là vì khi người lao động có tiếng nói hơn và có khả năng thương lượng tốt hơn, họ sẽ cố thương lượng để đạt mức lương cao hơn tại một nơi làm việc thay vì nhảy việc từ công ty này sang công ty khác. Tiếng nói mạnh mẽ hơn của người lao động thông qua công đoàn độc lập và thương lượng tập thể có khả năng tạo thêm động lực cho năng suất cao hơn, mức độ cam kết của người lao động cao hơn và tỷ lệ nhảy việc của người lao động thấp hơn.

Những thách thức kép về thiếu hụt lao động và quan hệ lao động mới xuất hiện đồng thời nên được coi là một cơ hội vàng đối với Việt Nam để nâng cấp các mô hình phát triển và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Hiện tại và tới đây ILO có những chương trình nào để giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam đối phó với những thách thức kể trên, thưa ông?

ILO Việt Nam có nhiều dự án và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất và cải thiện quan hệ lao động. Ví dụ như chúng tôi có chương trình SCORE hoạt động trong ngành gỗ nhằm giúp các công ty cải thiện năng suất và điều kiện làm việc. Chúng tôi cũng có chương trình Better Work trong ngành dệt may để giúp họ tăng cường mức độ tuân thủ pháp luật và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi cũng có một dự án Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp trong ngành chế biến hải sản và chế biến gỗ để nâng cao tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong những ngành này. Khi Việt Nam là một thành viên của CPTPP và sẽ sớm trở thành thành viên của EVFTA, yêu cầu về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cao hơn.

Thông qua các dự án này, chúng tôi đang giúp các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt cải thiện hệ thống quản lý, năng suất và quan hệ lao động của họ. Chuyển đổi hệ thống quản lý nơi làm việc là động lực chính của Việt Nam nhằm đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.