Cập nhật ngày: 05/02/2020

TTO - Tôi bước vào đời sinh viên tại TP.HCM năm 2000, hành trang lúc ấy chỉ văng vẳng lời trách của ba tôi ở quê: Kiếm cái nghề cho rõ ràng, đừng văn chương viết lách mơ mộng.

Thi viết Tôi chọn nghề: Mỉm cười sau 15 năm tìm đam mê - Ảnh 1.
 

Nhà biên kịch Tạ Tư Vũ - Ảnh: NVCC

Năm đó, tôi vào học khoa du lịch tại một trường đại học. Dù học hành uể oải, sau 5 năm tôi cũng tốt nghiệp. Nhờ khả năng ngoại ngữ lưu loát, tôi vào làm tại một hệ thống nhà hàng có tiếng trong thành phố, rồi 10 năm sau làm cho một tập đoàn khách sạn quốc tế ở TP.HCM, sau đó là Nha Trang. Và tại đây, tôi đã có quyết định bước ngoặt cho đời mình.

Rối bời trong bộ áo vest sang trọng

Đó là dịp cuối năm 2016, một công ty tổ chức tiệc tất niên tại chi nhánh tôi đang quản lý. Buổi tiệc đó vinh danh nhân viên xuất sắc của năm là một người khuyết tật. Ngồi trên xe lăn, nhân viên đó nói rằng: "Tôi đã theo đuổi đến cùng niềm đam mê thiết kế và tôi sẽ không bao giờ dừng lại". Tôi lặng nhìn chàng nhân viên đó giữa tiếng hò reo.

Tôi nhìn lại quãng đường hơn 15 năm chọn nghề của mình, dù có vẻ ổn nhưng tôi vẫn thấy lông bông và chán chường. Mỗi ngày tôi khoác lên mình bộ vest đen lịch lãm, giữa những nơi lộng lẫy, sang trọng, tiếp xúc với nhiều người giỏi giang, tiếng tăm trong xã hội cùng với nụ cười trên môi, ai cũng tưởng tôi đã tìm được vị trí của mình.

Nhưng không, chỉ riêng tôi biết rằng đằng sau bộ vest đen sang trọng mà tôi đang mặc là cả một tâm trạng rối bời khi cứ phải cố theo những thứ mà mình không hề yêu thích. Tôi phải làm điều gì đó để được sống với công việc mình thích, chứ không chỉ đeo đuổi việc kiếm tiền.

Chưa bao giờ muộn

Ngày xưa ba mẹ tôi là nhân viên rạp chiếu bóng tại quê nhà, nên từ nhỏ tôi đã sống trong thế giới của phim ảnh. Về sau, khi rạp chiếu bóng giải thể, tôi vẫn không thể nào từ bỏ đam mê phim ảnh. Tôi mơ về nhân vật, về câu chuyện, về tình tiết. Tất cả những điều ấy đã hình thành thói quen của tôi đến tận bây giờ.

 

Tôi trở lại với giấc mơ của mình và theo học Trường Điện ảnh quốc tế Sài Gòn. Tim tôi đập thình thịch khi thấy trường chiêu sinh nghề biên kịch. Nếu muốn học nghề này, tôi phải bỏ hết mọi công việc đang có để tập trung học trong 2 năm. Tôi nhớ về chàng nhân viên khuyết tật, và tôi quyết tạm biệt tất cả để quay về TP.HCM. Tôi cũng không quên nhắn cho ba tôi: "Con sẽ theo đuổi nghề nghiệp mà con thích".

Thế là sau hơn 15 năm ra trường và làm đủ thứ công việc, tôi lại một lần nữa quay về TP.HCM và ngày ngày lên lớp học. Tuy nhiên, lần này không còn là giảng đường như khi tôi học ở đại học, mà là không gian của một trường nghề, nơi tôi lựa chọn để sống cùng đam mê của mình.

Thời gian học nghề biên kịch là quãng thời gian đáng giá của tôi. Tôi chìm đắm cùng những kiến thức về cách phát triển câu chuyện, nhân vật, tình huống; cách kể, cách khai thác các tuyến truyện cũng như vô số kỹ thuật khác của việc viết một kịch bản hoàn chỉnh cho một bộ phim.

Tôi học ngấu nghiến mọi thứ với thái độ háo hức, như bù lại cho suốt cả một quãng thời gian lãng phí trước kia của mình. Và thành quả đã đến với tôi: Sau 2 năm học nghề, tôi đã viết gần mười kịch bản phim ngắn trong quá trình học, những phim ngắn đó gây sự chú ý cho những nhà sản xuất, và họ đã tìm đến tôi.

"Có nhiều cách khác nhau để ai đó bước vào đời. Nhưng cách nào cũng vậy, dẫu có mất nhiều thời gian, dẫu có sai lầm thì cũng chỉ có cách duy nhất để bạn luôn cảm nhận được năng lượng tích cực của cuộc sống mang lại, đó là hãy dũng cảm dấn thân vào nghề nghiệp mà trái tim bạn mách bảo. Đừng chần chừ, đừng sợ hãi, đừng phớt lờ cảm xúc để lần lữa hẹn mãi với đam mê… như tôi đã từng".

                                                                                                          Tạ Tu Vũ/Tuoitre.vn