Cập nhật ngày: 12/11/2019

Các trường nghề chỉ tuyển sinh thành công nếu giải quyết tốt việc làm cho người học. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh tự chủ đồng thời giải thể, tái cấu trúc lại các trường nghề yếu kém để đầu tư có trọng điểm.

VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  về vấn đề này.

Mở rộng nguồn tuyển để không cạnh tranh trực tiếp với đại học

Phóng viên: Trong những năm qua tuyển sinh nghề nghiệp tương đối khó khăn, ông nhìn nhận đâu là nguyên nhân chính dẫn tới việc này?

Thứ trưởng Lê Quân: Trong giai đoạn 2013-2016, tuyển sinh dạy nghề chỉ đạt bình quân khoảng 50% kế hoạch, nhưng từ 2017 khi triển khai Luật GDNN, kết quả tuyển sinh học nghề có nhiều chuyển biến tích cực và đạt bình quân hơn 100%, quy mô tuyển sinh hàng năm tăng bình quân khoảng 10%.

Thứ trưởng Lê Quân: Sẽ giải thể và tái cấu trúc các trường nghề yếu kém

Tuy nhiên quy mô tuyển sinh GDNN hiện vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Cho đến nay còn khoảng 30% trường nghề vẫn gặp khó khăn lớn về tuyển sinh, nhất là các trường tại các địa bàn kinh tế khó khăn và là đối tượng cần sắp xếp lại.

Chúng tôi nhìn nhận khách quan có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang phát triển và mức thu nhập bình quân đầu người thấp. Chỉ số đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chú trọng nhân lực có chi phí tiền lương thấp, ít quan tâm và đầu tư cho dạy nghề.

Thứ hai tâm lý học sinh và gia đình vẫn chuộng học đại học hơn. Khi tuyển sinh đại học bỏ điểm sàn cộng với học phí học thấp, rào cản vào đại học cũng thấp..., tỷ lệ phân luồng học sinh vào học nghề chỉ đạt dưới 10%, so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là khoảng 30%.

Còn nguyên nhân chủ quan chủ yếu đến từ chất lượng dạy nghề do chương trình đào tạo hệ trung cấp chưa phù hợp với nhu cầu và đặc điểm lứa tuổi của các em học sinh tốt nghiệp lớp 9.

Bên cạnh đó các trường trung cấp chưa nhận được sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp nên điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tốt. Do vậy phân luồng học sinh hết lớp 9 vào học nghề gặp khó khăn, nhiều cơ sở dạy nghề chưa giải quyết được tốt khâu việc làm nên khó thu hút học sinh.

Cũng phải nhìn nhận rằng ở giai đoạn trước chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng rất hàn lâm lý thuyết. Một số lượng lớn sinh viên học cao đẳng để tiếp tục học liên thông lên đại học. Do vậy khi cánh cổng vào đại học mở rộng, nhiều trường trung cấp, cao đẳng lập tức gặp khó trong tuyển sinh.

Những năm gần đây trường nghề phải chuyển đổi mạnh sang đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, chú trọng đào tạo thực hành, tuyển sinh gắn với tuyển dụng. Ngoài ra sự quan tâm của chính quyền các cấp, của doanh nghiệp đến dạy nghề chưa tương xứng. Xã hội đầu tư nguồn lực chủ yếu cho giáo dục phổ thông trong khi đầu tư cho dạy nghề và đại học không tương xứng.

Từ 2018 tới nay kết quả phân luồng đạt kết quả tốt hơn. Hàng loạt giải pháp mới được triển khai như Đề án 522 về phân luồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo dành cho học sinh hết lớp 9 (các chương trình 9+), cho phép học sinh học nghề kết hợp học văn hóa, học sinh hết lớp 9 được học thẳng lên cao đẳng với nhiều ngành nghề, giải quyết tốt việc làm sau đào tạo...

Mùa tuyển sinh 2019 kết quả phân luồng tại nhiều địa phương đạt gấp đôi so với 2018. Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cho phép các trường nghề được dạy văn hóa THPT và giải quyết tốt khâu liên thông gắn với học tập suốt đời, luật hóa công tác phân luồng... điều này sẽ tạo hành lang pháp lý cho phép kỳ vọng đạt mục tiêu phân luồng 30% vào 2021.

Mùa tuyển sinh 2020 các trường ĐH sẽ dừng tuyển sinh cao đẳng. Ông đánh giá như thế nào về về cơ hội cho các trường nghề? 

- Phải khẳng định rằng việc các trường đại học dừng tuyển sinh cao đẳng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tuyển sinh GDNN. Đến hết 2018 còn 45 trường đại học còn tuyển sinh cao đẳng với quy mô tuyển sinh không lớn.

Tuyển sinh GDNN sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi năng lực và chất lượng đào tạo của các trường nghề đang được cải thiện nhanh. Nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề ngày càng lớn, việc làm nhiều và thu nhập tốt cũng là cơ hội quan trọng để tăng nhanh quy mô tuyển sinh học nghề. Học nghề có thời gian ngắn, học phí thấp gắn với thực hành tại doanh nghiệp, việc làm tốt, đúng ngành nghề chuyên môn, có thu nhập tốt, liên thông lên đại học thuận lợi nhờ Khung trình độ quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ ban hành 2017)... 

Học nghề gắn với việc làm (Ảnh: Thanh Tùng)

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đang đẩy mạnh mở rộng nguồn tuyển sinh của học nghề. So với giáo dục đại học, tuyển sinh học nghề có nguồn tuyển sinh rộng mở. Cụ thể Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh nhiều nguồn quan trọng để trường nghề không phải cạnh tranh trực tiếp với trường đại học.

Đến nay đối tượng tuyển sinh của GDNN rất rộng như tuyển từ học sinh tốt nghiệp THPT. Tuyển sinh học nghề tách ra khỏi tuyển sinh đại học và loại bỏ dần tâm lý trượt đại học mới theo học nghề. Nếu đại học tuyển sinh chính quy 1 lần trong năm, tuyển sinh học nghề là liên tục, quanh năm.

Mở rộng đối tượng tuyển sinh từ học sinh hết lớp 9 với các chương trình đào tạo 9+4 và 9+5. Nhiều ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cho phép học sinh hết lớp 9 theo học thẳng lên cao đẳng với nhiều chính sách ưu đãi. Đây là nguồn tuyển sinh quan trọng và ổn định của GDNN, và không cạnh tranh với trường đại học, với quy mô có thể đạt từ 300.000 đến 500.000 người học mỗi năm.

Tuyển sinh đến từ người lớn, người lao động học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển đổi nghề nghiệp... Lực lượng lao động của chúng ta hiện là khoảng 55 triệu người nhưng mới chỉ có khoảng 24% có đào tạo (có chứng chỉ, bằng cấp). Trong khi đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều yêu cầu mới, rất nhiều lao động phải qua đào tạo lại. Như vậy đào tạo ngắn hạn là nguồn tuyển sinh lớn nhất của dạy nghề và đây phải là bước chuyển quan trọng. Ba bốn bằng cấp nhiều khi không có giá trị bằng một chứng chỉ nghề nghiệp.

Cùng với đẩy mạnh truyền thông về học nghề, triển khai đồng bộ ba khâu đột phá (tự chủ, doanh nghiệp, chuẩn hóa) sẽ góp phần nhanh chóng nâng cao chất lượng, qua đó thu hút người học.

Đẩy mạnh tự chủ giải thể và tái cấu trúc lại các trường nghề yếu kém

Ông nhìn có thể cho biết cơ hội nghề nghiệp của người học nghề hiện nay?

- Hiện nay chất lượng đào tạo trong GDNN ngày càng được nâng cao, từng bước chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động, đặc biệt là khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng tăng năng xuất lao động và việc làm bền vững.

Học nghề gắn với việc làm, các trường nghề chỉ tuyển sinh thành công nếu giải quyết tốt việc làm cho người học. Theo báo cáo của 63 sở LĐTBXH tính trung bình, năm 2018 tỷ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 87%, TC đạt 82%. Hiện có một thực tế là nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vượt xa so với quy mô đào tạo của các trường nghề.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển các trường cao đẳng chất lượng cao. Toàn quốc hiện có hàng trăm trường cao đẳng được đầu tư và có chất lượng tốt, có gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo. Ngoài ra, rất nhiều trường tư thục có chất lượng tốt cũng là địa chỉ tin cậy.

Các chương trình đào tạo chất lượng cao theo chương trình quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong và ngoài nước. Hiện có 45 trường tổ chức đào tạo 12 nghề theo chuẩn của Úc và 22 nghề theo chuẩn của Đức. Các chương trình này có học phí thấp, chuẩn đầu ra cao, người học được nhận chứng chỉ và bằng cấp của đối tác quốc tế.

Ngoài ra, việc làm tại nước ngoài cũng rất rộng mở. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Newzealand... có nhu cầu lớn về lao động kỹ năng.

Doanh nghiệp cho rằng những kỹ năng mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thực tế, họ phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại. Bộ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Theo khảo sát của VCCI, khoảng 50% doanh nghiệp được hỏi cơ bản hài lòng. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số dạy nghề năm 2018 tăng 13 bậc so với 2017. Dù vậy mức độ hài lòng của doanh nghiệp với dạy nghề hiện vẫn còn thấp và chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều.

Để gia tăng mức độ hài lòng, chỉ có một giải pháp duy nhất là doanh nghiệp và trường nghề hợp tác với nhau để đào tạo và tuyển dụng nhưng đây cũng là điểm yếu của hệ thống. Trong một giai đoạn dài, trường nghề được "bao cấp" nên ít chú trọng hợp tác với doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì chủ yếu sử dụng lao động chưa qua đào tạo và ít chú trọng hợp tác với trường nghề.

Để doanh nghiệp và trường nghề hợp tác về phía quản lý nhà nước, Bộ đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể như đẩy mạnh tự chủ của các trường nghề. Chúng tôi cũng quy hoạch lại, thực hiện giải thể và tái cấu trúc lại các trường nghề yếu kém để đầu tư có trọng điểm. Cho phép trường nghề được tự chủ về chuyên môn, chương trình đào tạo để linh hoạt trong hợp tác với doanh nghiệp cũng như thay đổi cơ chế tài chính để trường nghề chuyển đổi sang cơ chế đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Chúng tôi xác định chỉ có tự chủ mới tạo động lực và áp lực để trường nghề tìm đến doanh nghiệp. Năm 2018 vừa qua Bộ đã cắt giảm hơn 60% thủ tục và điều kiện trong GDNN.

Chúng tôi cũng thực hiện hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề. Hiện Dự thảo Nghị định về khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề đang được lấy ý kiến và dự kiến trình vào tháng 12/2019. Gần đây Bộ đã ban hành các Nghị định và thông tư theo đó bãi bỏ việc cấp phép đào tạo ngắn hạn với doanh nghiệp, cho phép tăng thời gian thực hành đến 70% chương trình đào tạo, cho phép doanh nghiệp được đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo, giảm thời lượng các môn học chung, công nhận tương đương với người lao động có kỹ năng khi tham gia học lấy văn bằng... Tăng cường các chính sách quy định bắt buộc và khuyến khích cộng đồng các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm.

Thực hiện đẩy mạnh đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệ, Bộ trực tiếp ký kết với các hiệp hội doanh nghiệp để hợp tác cung ứng nhân lực, đẩy mạnh ký kết đào tạo theo đặt hàng của trường nghề với doanh nghiệp, khuyến khích các tập đoàn mở trường nghề...

Ngày 16/12 tới, diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam sẽ được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu trường nghề và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường truyền thông về trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có nhân lực có kỹ năng, cần tham gia sâu vào GDNN.

Khác với giáo dục đại học, dạy nghề có thể cung ứng nhanh nhân lực thạo việc thông qua hợp tác cùng xây dựng chương trình, cùng tổ chức tuyển sinh, đào tạo song hành vừa học vừa thực hành tại doanh nghiệp... Nếu chỉ chờ tuyển dụng từ các ứng viên tự do, doanh nghiệp sẽ không thể có nhân lực đáp ứng yêu cầu và phải đào tạo lại tốn kém.

Đẩy mạnh công nhận bằng cấp lẫn nhau

Bộ lao động Thương binh và xã hội đang triển khai xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu tích hợp hệ thống, kết nối tất cả các trường nghề để toàn bộ thủ tục hành chính và phát triển thị trường đào tạo trực tuyến đã thực hiện như thế nào thưa ông?

- Bộ LĐTB&XH coi ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới vào quản lý và đào tạo là yêu cầu bắt buộc. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính; triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4 và các hoạt động quản lý, điều hành ở cơ quan Trung ương, địa phương.

Sinh viên Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc trong giờ thực hành. Ảnh: Lê Anh Dũng

Năm 2018, Bộ LĐTB&XH được đánh giá đứng thứ 1/19 bộ ngành về hiện đại hóa quản lý điều hành. Năm 2018, Bộ đã ra mắt ứng dụng trên thiết bị di động (App) Chọn nghề đã cho phép truy cập, tìm hiểu thông tin và đăng ký tuyển sinh với hơn 800 trường nghề, với gần 1000 nghề; ứng dụng này đang được hoàn thiện với mô tả chi tiết từng nghề. Trang vanbang.gov.vn sắp ra mắt sẽ là bước khởi đầu của quản lý văn bằng trực tuyến, số hóa bằng cấp, cho phép xác minh nhanh văn bằng và thống kê chi tiết cơ cấu ngành nghề đào tạo...

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị nhà trường như dố hóa công tác quản trị nhà trường, quản lý, lưu trữ, truy xuất, tìm kiếm… một cách nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác quản lý trong nhà trường và tổng hợp báo cáo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo như đào tạo trực tuyến; Số hóa học liệu, tài nguyên; ứng dụng mô phỏng, mô hình vào đào tạo nghề nhằm giảm thời gian đào tạo và phát triển đào tạo linh hoạt, đào tạo mở trong giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2018, Bộ cũng đã ban hành thông tư về đào tạo trực tuyến, từ xa, tự học có hướng dẫn, dua đó đổi mới mạnh mẽ về công nhận, liên thông trong đào tạo trực tuyến, cho phép doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo, đẩy mạnh xã hội hóa thuê hạ tầng đào tạo...

Để thực hiện được mục tiêu đó, hiện nay Bộ đang giao cho Tổng cục GDNN triển khai các nội dung bước đầu, tiến tới xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và xây dựng chính sách.

Ông có thể cho biết việc công nhận bằng cấp lẫn nhau ở các trường nghề đẩy mạnh như thế nào?

Hệ thống GDNN cũng đã triển khai việc công nhận bằng cấp lẫn nhau. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 34/2017/TT-B LĐTBXH ngày 29/12/2017 công nhận văn bằng, chứng chỉ GDNN do cơ sở GDNN nước ngoài cấp; trong đó, quy định rõ các trường hợp văn bằng do cơ sở GDNN cấp được công nhận tương đương với văn bằng, chứng chỉ thuộc GDNN Việt Nam, trách nhiệm của Tổng cục GDNN trong việc công nhận văn bằng và đặc biệt là quyền và trách nhiệm người có văn bằng, chứng chỉ do cơ sở GDNN cấp.

Hiện chúng tôi vẫn thường xuyên tiếp nhận và xử lý các các đề nghị công nhận văn bằng khi người học có nhu cầu. Do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam (ngày 18/10/2016) gồm 8 bậc trong đó 5 bậc trình độ GDNN và 3 bậc trình độ GD ĐH đảm bảo tham chiếu được với khung trình độ khu vực ASEAN, EU và các quốc gia khác...nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận bằng cấp lẫn nhau ngay cả với quốc gia chưa ký Hiệp định công nhận bằng cấp.

Bộ LĐTBXXH cũng đang phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc đẩy mạnh việc ký kết Hiệp định tương đương văn bằng, chứng chỉ giữa các quốc gia và văn bằng ký kết trong Hiệp định sẽ gồm cả văn bằng GDĐH và văn bằng GDNN để không mất nhiều thời gian trao đổi cũng như đảm bảo sự thống nhất việc liên thông từ các trình độ GDNN lên GDĐH.

Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!

                                                                                                              Lê Huyền/Vietnamnet.vn