Cập nhật ngày: 12/11/2019

Ngày 11/11/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo “Thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”. Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các dự án Giáo dục nghề nghiệp vốn ODA, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng thuộc Tổng cục; đại diện các đơn vị: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH; Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính; Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;  Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Xây dựng; Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đại diện nhóm 6 ngân hàng: Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng thế giới (World Bank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM Bank) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ); 20 trường đang có nhu cầu tham gia dự án.

 

             Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức với mục đích để bàn bạc, trao đổi về phương thức thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn ODA và vốn viện trợ không hoàn lại đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đồng thời thảo luận về những khó khăn, vướng mắc do một số chính sách mới ban hành như Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 và Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong quá trình vận động, tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện các Nhà tài trợ đã có bài trình bày về thực trạng đầu tư và thu hút nguồn vốn ODA cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án thông qua 7 vấn đề trong Nghị định 97, bao gồm: tỷ lệ cho vay lại tăng cao (50% - 100%), phí quản lý vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại cao, rủi ro tỷ giá chuyển sang các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điều kiện vay lại khó khăn về cơ chế tự chủ, yêu cầu tài sản đảm bảo cao (120%), quá trình thẩm định cho vay lại mất nhiều thời gian. Từ đó, các Nhà tài trợ cùng đưa ra đề xuất nhằm tháo gỡ các vấn đề trong ngắn hạn và trung dài hạn.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều ý kiến về những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, vận động dự án và thống nhất đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 97 về tỷ lệ vay lại và tài sản đảm bảo. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành và các Nhà tài trợ để xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 97 cho phù hợp.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cảm ơn các Bộ ngành, các Nhà tài trợ và các trường đã tích cực trao đổi và đưa ra những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn khi chuẩn bị dự án, đồng thời khẳng định Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ để báo cáo Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù đối với nội dung: tỷ lệ vay lại đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và yêu cầu về tài sản đảm bảo như đề xuất của các nhà tài trợ đã nêu tại hội nghị này. Tổng Cục trưởng cũng đề nghị các nhà tài trợ song song với việc cung cấp nguồn vốn vay ODA, cung cấp thêm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, thúc đẩy quan hệ trường ngành, các phương pháp giảng dạy và đào tạo mới, phát triển chương trình, giáo trình,…nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn vay và cũng làm mềm lãi suất khoản vay.

 

                                 Ban Quản lý các dự án Giáo dục nghề nghiệp vốn ODA