Cập nhật ngày: 14/10/2019

Trong khi nhiều trường dạy nghề còn đang “chật vật” định hình đào tạo và tuyển sinh đầu vào, thì BCTECH đã xây dựng được chuỗi mắt xích tuyển sinh - đào tạo - giới thiệu việc làm cho sinh viên đáp ứng thực tiễn nhu cầu xã hội. Tỷ lệ tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm cao...

Theo đó, chất lượng đào tạo được nâng lên, khẳng định uy tín trong hệ thống cơ sở đào tạo nghề cả nước. Một trong những yếu tố cốt lõi ở đây chính là mối liên kết doanh nghiệp được nhà trường chú trọng, phát huy một cách toàn diện.

Chủ động, linh hoạt liên kết doanh nghiệp

Đến Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu vào dịp trung tuần tháng 9, mới đầu tuần, nhưng chúng tôi nhận thấy lịch làm việc của trường đã kín, trong đó có ba buổi làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Điển hình là Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 (PM3SIP) – Đơn vị trước đó đã ký kết biên bản ghi nhớ với trường về hợp tác kết nối doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 Bà Trương Huỳnh Như  (Hiệu trưởng ) và đại diện KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 ký biên ản ghi nhớ hợp tác

Bà Trương Huỳnh Như (Hiệu trưởng) và đại diện KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 ký biên bản ghi nhớ hợp tác "kết nối doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp" (Ảnh: BCTECH)

Trao đổi với chúng tôi, Phó Hiệu trưởng Võ Văn Thuận cho biết:

“Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu từ lâu đã xác định liên kết doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì nó giúp nhà trường đào tạo trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thực tế. Mối liên kết không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản”.

Thực tế, câu chuyện gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo được đặt ra bức thiết và tất yếu với các cơ sở đào tạo nhất là giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và sàng lọc về nhu cầu lao động chất lượng cao từ doanh nghiệp trong cả nước như hiện nay. Tuy nhiên việc nhìn nhận là một chuyện song cách tiếp cận và triển khai mới là vấn đề phải tính đến. Ở đây, BCTECH đã có sự đổi mới và linh hoạt trong cách làm, nắm bắt và tranh thủ cơ hội từ doanh nghiệp, từ chủ trương, chính sách lao động, việc làm của nhà nước.

 Nhà trường đã khảo sát và nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo.

Việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở cho sinh viên thực tập mà sâu xa hơn giúp nhà trường  xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu  thực tế, giải quyết việc làm cho sinh viên.

Cụ thể trường đưa sinh viên đến doanh nghiệp học nâng cao; Mời kỹ sư , chuyên gia của doanh nghiệp tham gia giảng dạy; Đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động của doanh nghiệp; Lấy phiếu khảo sát ý kiến từ chuyên gia, xưởng trưởng của những doanh nghiệp có sinh viên trường làm việc và tổ chức diễn đàn mời chuyên gia các doanh nghiệp đến trường cho ý kiến bổ sung vào chương trình đào tạo…

Ngoài ra, trường linh hoạt xây dựng mô hình “Doanh nghiệp trong trường học, trường học trong doanh nghiệp”  bằng cách kêu gọi doanh nghiệp có nhu cầu mở xưởng tại trường, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Được biết vào năm 2016, công ty TNHH Lead Giken với 100% vốn đầu tư Nhật Bản chuyên sản xuất các chi tiết của khuôn mẫu đặt nhà xưởng tại khu sản xuất thực nghiệm của trường ở cơ sở 1, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ; Năm 2017, Công ty Điện lạnh Tân Tiến (TP. Vũng Tàu) mở xưởng sửa chữa thiết bị điện lạnh tại khu xưởng dịch vụ sản xuất ở cơ sở 2, đường 3/2, TP. Vũng Tàu. 

Qua thực tế triển khai cho thấy, các môn học, mô đun phù hợp với lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp được nhà trường bố trí cho HSSV xuống các xưởng của doanh nghiệp học tập, thực hành. Qua đó, nhà trường giảm được kinh phí đào tạo, doanh nghiệp có nguồn lao động sẵn sàng và không phải đào tạo lại khi tiếp nhận, SV được trả lương khi tham gia sản xuất cho doanh nghiệp.

Thay đổi từ liên kết doanh nghiệp

Giáo viên BCTECH hướng dẫn sinh viên thực hành nghề hàn

                                           Giáo viên BCTECH hướng dẫn sinh viên thực hành nghề hàn (Ảnh: BCTECH)

Đề cập đến thay đổi chương trình đào tạo phù hợp thực tế,  ông Võ Văn Thuận cho hay: Từ thông tin thu thập được qua quá trình hợp tác doanh nghiệp, định kỳ 2-3 năm một lần, nhà trường  rà soát, cập nhật, bổ sung, cơ cấu lại chương trình đào tạo phù hợp thực tế,  nhất là kiến thức khoa học công nghệ mới.

Điển hình như trước đây nhà trường không giảng dạy “kỹ năng mềm” thì nay bộ môn này được bổ sung vào giảng dạy chính khóa cho sinh viên. Ngoài kỹ năng, kiến thức nghề, các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nước ngoài rất cần ở lao động kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, sự sáng tạo, biết  xác định mục tiêu, hoạch định công việc để quản lý quỹ thời gian hiệu quả.

Chương trình đào tạo an toàn lao động cho sinh viên cũng là nội dung được bổ sung từ quá trình này. Sinh viên ra trường bắt buộc phải có chứng chỉ ATLĐ. Nhà trường  đưa  ngoại ngữ vào giảng dạy cho sinh viên, tăng số tiết dạy thực hành  trung bình 65 đến 70% tổng số tiết học, nhất là ngành cơ khí, ngành điện… đòi hỏi sinh viên làm được việc ngay khi mới ra trường.

“Việc đưa sinh viên tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp cũng được thay đổi. Trước đây, đến cuối chương trình học, nhà trường mới đưa sinh viên đi kiến tập thì nay trong quá trình học, nhà trường đã đưa sinh viên đến doanh nghiệp để các em tiếp cận với thực tế, biết được yêu cầu của doanh nghiệp như thế nào, từ đó khi trở về trường các em có động lực học tốt hơn”, ông Võ Văn Thuận chia sẻ.

Mở cánh cửa việc làm

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp đến trường tuyển lao động. Trong ảnh: Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam kiểm tra tay nghề sinh viên cơ khí tại trường để tuyển dung.

Lãnh đạo Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam kiểm tra tay nghề sinh viên cơ khí tại trường để tuyển dụng (Ảnh: BCTECH)

Trò chuyện với em Đào Đông Kha, sinh năm 2001, ở  ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT, chúng tôi cảm nhận thấy sự hồ hởi của sinh viên mới ra trường chuẩn bị đón chờ công việc mới tại Công ty Marubeni (KCN Phú Mỹ 3).

Kha cho biết: Em học lớp điện công nghiệp 2, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu vừa ra trường tháng 7/2019. Khi chúng em chuẩn bị thi tốt nghiệp thì thầy giáo đưa tờ giấy cho chúng em và bảo ai có nguyện vọng làm công ty Nhật thì đăng ký. Sau khi đăng ký, em được công ty phỏng vấn và tiếp nhận. Ngoài em, còn hơn 20 bạn ở các khoa trong trường cũng được công ty tuyển dụng cùng đợt.

Hiện tại, Kha và các bạn đang được Công ty Marubeni cho đi học tiếng Nhật, chuẩn bị cho việc làm sắp tới khi công ty hoàn thành thi công đi vào vận hành sản xuất.

Kha tự tin sẽ tiếp nhận tốt công việc vì khi học ở trường đã được đi thực tập 2 tháng, hơn nữa chương trình học chủ yếu là thực hành nên kiến thức nhớ được nhiều.

Giống như  Đào Đông Kha, em Đậu Thành Đạt sinh năm 1998, hộ khẩu thường trú tại khối Tân Hi, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, hiện đang sinh sống tại phường 1, Vũng Tàu là sinh viên lớp công nghệ ô tô 3 (khóa CD16). Sau khi ra trường tháng 7/2019, Đạt cũng có việc làm ngay tại Công ty Cổ phần Toyota Vũng Tàu, với công việc bảo dưỡng. Tuy nhiên khác với Đào Đông Kha được nhà trường giới thiệu còn Đạt tự nộp hồ sơ xin việc.

Đạt khá tự tin khẳng định: “Ra trường xin việc, em thấy khá dễ. Với những kiến thức học được trong nhà trường, em tự nộp hồ sơ, phỏng vấn và được tiếp nhận liền. Hiện tại thu nhập của em được 7-9 triệu đồng/1 tháng. Đây là doanh nghiệp em đã từng thực tập khi còn là sinh viên”

Trong 3 năm học tại BCTECH, Đạt được đi thực tập 2 lần vào năm thứ 2 và đầu năm thứ 3. Vì trong quá trình học tại trường được thực hành là chủ yếu với khoảng 70% tổng số tiết học nên Đạt nhận thấy công việc làm hoàn toàn phù hợp, vận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng học được vào thực tiễn công việc.

Ông Nguyễn Lâm, Phó Phòng Đối ngoại và Công tác HSSV cho biết: Hiện nay nhu cầu lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn còn khá lớn, trong khi số lượng sinh viên của trường tốt nghiệp hàng năm còn “khiêm tốn” so với  “lượng cầu” lao động trên địa bàn.

Điều này cho thấy lợi ích và tiềm năng của sự  gắn kết đào tạo với doanh nghiệp được xem như là mũi tên trúng nhiều đích. Khi chất lượng đào tạo được nâng lên, phù hợp với thực tiễn sẽ thúc đẩy giải quyết việc làm cho sinh viên được dễ dàng.Việc tuyển sinh đầu vào vì thế cũng thuận lợi. Xã hội cũng giải quyết được thiếu hụt lao động có tay nghề. Điều này phù hợp với đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 522 ngày 14/5/2018.

Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết: Sự liên kết này sẽ thuận lợi hơn nữa nếu như chủ trương, chính sách của nhà nước (về hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo) được áp dụng vào thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở văn bản, chung chung như hiện nay. Khi đó, quá trình này sẽ thuận lợi và bền chặt, khuyến khích được nhiều doanh nghiệp tham gia.

 

Từ năm 2012 đến nay, BCTECH đã ký hợp đồng hợp tác với nhiều doanh nghiệp về liên kết đào tạo và cung ứng nhân lực. Trong đó, có 400 sinh viên của trường đã có việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua quá trình liên kết doanh nghiệp; đào tạo 800 lao động theo đề án phát triển nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh BR-VT.

 

Công ty Rosneft Việt Nam và các nhà đầu tư dầu khí lô 06.1 tài trợ kinh phí 50.000 USD đào tạo nâng cao tay nghề hàn và điện công nghiệp cho 300 học viên và đều được giải quyết việc làm; phối hợp với Công ty TNHH Esuhai đưa 80 sinh viên sang Nhật Bản tu nghiệp, sau 3 năm trở về đều có việc làm.

Đào tạo theo “đặt hàng” của Công ty Kraft of Asia Paperboad & Packaging thuộc Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) lĩnh vực sản xuất bao bì, với số lượng lao động hàng năm từ 50 - 80 lao động nghề hàn, điện và cơ khí…

                                                                                                                                 Thanh Huyền/thuonghieucongluan.com.vn