Cập nhật ngày: 31/07/2019

 Chi phí tài chính ít, thời gian tốt nghiệp ngắn, có thể tìm việc làm ở bất cứ đâu là những ưu điểm khiến nhiều bạn trẻ chọn học nghề làm bước đệm vững chắc cho tương lai…

Đích đến của mỗi người đều giống nhau, đó là sự thành công. Nhiều người đã chọn con đường học nghề để đi đến đích đó...

Học nghề, mở hướng đi mới

29 tuổi, Nguyễn Đức Thắng sở hữu một cửa hàng sửa xe máy khá lớn nằm ở trung tâm quận Hà Đông (Hà Nội). Từ sáng sớm đến tối muộn, cửa hàng luôn nườm nượp khách vào ra. Nhờ sự cẩn thận, chu đáo trong công việc cộng với giá cả dịch vụ hợp lý, Thắng có lượng lớn khách “ruột”. Tính bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí thuê mặt bằng, lương thợ và tiền ăn uống, Thắng còn dư khoảng 20 triệu đồng. Đây là con số mơ ước đối với nhiều thanh niên.

Sinh ra và lớn lên ở xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên), kinh tế gia đình cũng chẳng mấy dư dả nên Thắng khá băn khoăn khi chọn lối đi cho mình. Tốt nghiệp THPT, bao bạn bè của anh chọn trường nọ, lớp kia thì Thắng tìm địa chỉ dạy nghề sửa xe máy ở Hà Nội.

Lý giải về lý do chọn nghề này, Thắng chia sẻ: “Trong tất cả các nghề phù hợp với con trai thì em thấy nghề sửa xe máy là khả thi hơn cả. Vốn bỏ ra cũng không quá lớn, cơ hội việc làm lại nhiều. Mình không phải lo đi xin việc”. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo, quá trình học việc ban đầu đã cho Thắng nhiều kinh nghiệm quý báu. Mặc dù chỉ là thợ học việc nhưng lúc nào Thắng cũng nhận về mình những công việc khó. Bù lại, cậu được chủ xưởng dạy cho nhiều kiến thức quý giá.

Nguyễn Đức Thắng kiểm tra, bảo dưỡng xe cho khách

Nguyễn Đức Thắng kiểm tra, bảo dưỡng xe cho khách

“Không giống như những việc khác, ngoài việc nắm rõ cấu trúc của từng loại xe, bố cục, chi tiết các bộ phận và các lỗi cơ bản mà dòng xe hay gặp phải, nghề sửa xe cần “tay quen”. Không phải chiếc xe nào cũng gặp trục trặc giống nhau, nên người thợ cần tỉ mỉ, chịu khó để tự đúc rút kinh nghiệm”, Thắng nói.

Mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng đảm bảo cho vợ chồng Thắng có cuộc sống không quá vất vả ở Thủ đô. Chàng trai trẻ có dự định sẽ mua nhà ở Hà Nội để đón con gái lên, đồng thời đầu tư để phát triển cửa hàng sửa xe của mình.

Cũng chọn học nghề giống Thắng, anh Nguyễn Trí Mạnh (29 tuổi) lại say mê nghề làm tóc. Chọn nghề, Mạnh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình. “Đàn ông con trai làm gì không làm lại đi làm tóc”, đó là suy nghĩ của bố mẹ Mạnh. Tuy nhiên, vì đam mê, yêu thích, chàng trai rất quyết tâm.

Anh tìm đến Học viện tóc quốc tế LK khi trong túi có vỏn vẹn vài trăm nghìn đồng. Vừa học nghề, Mạnh vừa đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí học hành. Sau hai năm học nghề, Mạnh làm thợ cho các salon tóc có tiếng ở nội thành Hà Nội. Quá trình này khiến anh có thêm nhiều kinh nghiệm, đồng thời cũng là quá trình tích luỹ vốn cho tương lai. Sau 5 năm, tích cóp được một món tiền, anh và bạn gái mới kết hôn, mở một salon tóc riêng. Bằng tình yêu và lòng đam mê, nghề tóc không phụ anh.

Đôi bàn tay khéo léo của chàng trai đã làm hài lòng nhiều khách hàng khó tính. Salon của Mạnh được khách tìm đến mỗi lúc một nhiều hơn. Từ khách lạ, họ trở thành khách quen, giới thiệu bạn bè đến. Mạnh chia sẻ: “Cho đến giờ, mình vẫn không ân hận khi lựa chọn học nghề. Đích đến của mỗi người đều giống nhau, đó là sự thành công. Mỗi người lại chọn một con đường khác nhau để đi đến đích đó. Con đường nào cũng được, miễn là mình phải thực sự yêu thích và đam mê”.

Không phụ thuộc bằng cấp

Thực tế, trong xã hội hiện đại, quan niệm phải có “bằng cấp” thì mới “ngẩng mặt với đời” đã trở nên lỗi thời, lạc hậu. Không chỉ có Thắng, Mạnh, với sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ thông tin và ý chí, nghị lực vươn lên, con đường khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ đã không còn phụ thuộc vào bằng cấp. Những tấm gương như Steve Jobs, Richard Branson hay Larry Ellison… khiến nhiều bạn trẻ chưa từng biết đến giảng đường đại học vẫn tự tin ước mơ chinh phục khát vọng làm giàu.

Anh Ngô Trung Long (ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) là một tấm gương như thế. Không có bằng đại học trong tay, Long quyết tâm chọn nghề. Nghề mà anh hướng tới chính là làm nông tại quê hương của mình. Anh chia sẻ: “Nhìn thấy hiệu quả từ mô hình VAC kết hợp nuôi giun quế ở địa phương, mình quyết tâm thử sức”.

Để hiện thực hóa mô hình, anh nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè vay số tiền hơn 1 tỷ đồng, đầu tư thuê 2,7ha đất của các hộ dân trong thôn để làm trang trại. Ban đầu, Long tập trung nuôi cá. Số đất đào ao hồ múc lên thành gò đồi cao không trồng trọt được, anh đã chuyển đổi nuôi lợn. “Trang trại dần hình thành khiến mình tràn đầy hy vọng vào một tương lai khởi sắc. Tuy nhiên, lúc đầu do mình chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên lợn ốm và chết nhiều; có lần chết đến 20%, thậm chí là 30%... Nhiều đêm, mình thức trắng vì nghĩ đến khoản tiền đầu tư, nợ nần… không biết đến bao giờ mới trả được”, Long kể.

Anh lên mạng internet tìm đọc các tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi rồi lặn lội tìm đến các trang trại ở Xuân Mai (Hà Nội), Phú Thọ… để tìm hiểu chuyên môn. Đặc biệt, qua Đoàn Thanh niên thị trấn, anh đăng ký tham gia những lớp tập huấn về nông nghiệp, chăn nuôi.

Những kiến thức thu lượm được, anh áp dụng với phương châm chậm nhưng chắc. Để đàn lợn khỏe mạnh, cho năng suất cao, Long áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo vệ sinh và phương pháp chăm sóc theo hướng sinh học. Đặc biệt, anh chú trọng môi trường, phòng dịch theo quy trình công nghệ của Bộ Y tế.

Với thành công ban đầu, Long mạnh dạn đầu tư “lấn sân” sang nuôi gà và trồng 150 cây bưởi, 50 cây ổi, một mẫu rau. Đặc biệt, anh xây dựng chuồng nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, cá. Mô hình của anh có tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương.

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, Long chia sẻ: “Ngay từ đầu mình xác định khởi nghiệp với nông nghiệp không hề dễ dàng nhưng mình không nghĩ mô hình VAC lại nhọc nhằn đến thế. Tuy nhiên, khi đã làm mình quyết tâm theo đuổi đến cùng, đôi khi phải liều lĩnh và chấp nhận rủi ro mới gặt hái được thành công”.

Theo Long, hiện nay rất nhiều bạn trẻ có xu hướng chọn học nghề hoặc làm nông nghiệp, khởi nghiệp ngay tại quê hương. Không hiếm ông chủ trẻ thuê đất làm mô hình trang trại, chăn nuôi, có thu nhập tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi nó không chỉ giúp các bạn phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. “Làm giàu không nên vội vàng, mình muốn thành công phải nghiên cứu thế mạnh địa phương để có bước đi vững chắc; có ý chí và tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”. Mình nghĩ cứ chịu khó, ham học hỏi, thành công sẽ đến”, Long tâm sự.

(Còn nữa)

Ngọc Minh/tuoitrethudo.vn