Cập nhật ngày: 21/05/2019

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tổ chức Hội nghị về trao đổi và hợp tác về phát triển kỹ năng nghề. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Vụ Kỹ năng nghề và một số Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; TS Phan Chính Thức, PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); đại diện lãnh đạo Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện một số Sở LĐ – TB&XH; một số trường cao đẳng tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, các đơn vị có thí sinh, chuyên gia tham dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019. Lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp. Về phía Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc có ông Lee Jae Guk, Tùy viên Lao động, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Unduck, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc và các cán bộ, lãnh đạo HRD.

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó phát triển kỹ năng mới cho người lao động thích ứng sự thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0 là điều mà các quốc gia đều coi trọng. Đẩy mạnh hệ thống phát triển kỹ năng nghề, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi sự kết nối có hiệu quả giữa các bên liên quan như nhà nước, các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, trong đó nhà nước có vai trò kiến tạo, doanh nghiệp có vai trò then chốt tới sự phát triển của mối quan hệ này. Trong nhiều năm qua, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với sự tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực và thế giới có hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phát triển, trong đó có Hàn Quốc. Đồng thời cũng tích cực tham gia kỳ thi tay nghề thế giới. Hội nghị này được tổ để chia sẻ, trao đổi về phát triển kỹ năng và học tập kinh nghiệm thi tay nghề thế giới từ Hàn Quốc.

Ông Kim Unduck, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc phát biểu tại Hội nghị

Ông Kim Unduck, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực - HRD Hàn Quốc chia sẻ, Hàn Quốc đã có những thành công cùng với bề dày kinh nghiệm được đúc kết trong việc phát triển nguồn nhân lực quốc gia, vì vậy chúng tôi hoàn toàn tự tin về hệ thống đánh giá phát triển kỹ năng nghề. Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là đối tác quan trọng nhất để cùng có một tiếng nói chung trong nền kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo HRD

  Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề đã trình bày báo cáo về hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã nêu bật những tác động tích cực về phát triển kỹ năng nghề trong giai đoạn 2012 -2013. Trong đó phải kể đến hệ thống văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được xây dựng và dần hoàn thiện, cụ thể: bổ sung nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia vào Luật việc làm năm 2013; xây dựng và ban hành Nghị định 31/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, ban hành văn bản quy định cấp và quản lý chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia,..Kết quả của việc thực hiện hệ thống văn bản này là việc xây dựng và ban hành 191 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, 84 bộ ngân hàng câu hỏi thi; cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 41 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, đào tạo và cấp chứng chỉ cho 1020 đánh giá viên, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động ở 28 nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống đánh giá đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia còn một số hạn chế như: Người lao động được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được doanh nghiệp, người sử dụng lao động công nhận trong tuyển dụng và bố trí vị trí việc làm với lương tương xứng, chưa có phần mềm quản lý và điều hành hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chưa có cơ chế ràng buộc và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia chậm được xây dựng, cập nhật theo yêu cầu, việc phát triển đội ngũ đánh giá viên còn hạn chế, doanh nghiệp và người lao động chưa quan tâm đến chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia quy mô còn nhỏ, yếu về năng lực,..Để khắc phục những hạn chế này, báo cáo cũng nêu rõ, cần tiếp tục hợp tác, hỗ trợ thực hiện dự án đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề ở những nội dung chưa làm được, tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quản lý và triển khai hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hợp tác triển khai đánh giá, dự báo kỹ năng, hợp tác thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng ngành theo mô hình của Hàn Quốc, chia sẻ kinh nghiệm, chính sách, mô hình thu hút người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đánh giá, công nhận cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động, hợp tác trong việc xây dựng hoàn thiện bộ ngân hàng câu hỏi đề thi, hợp tác để cập nhật, bổ sung các Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khung trình độ tham chiếu ASEAN, hợp tác đào tạo chuyên gia quản lý hệ thống và chuyên gia triển khai hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hợp tác đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch mở rộng mạng lưới tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Về công tác thi tay nghề thế giới, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng hội nhập và tích cực tham gia sân chơi tranh tài kỹ năng nghề của thế giới và đã gặt hái được những thành công nhất định, tại hay kỳ thi tay nghề thế giới liên tiếp lần thứ 43, 44 Việt Nam đều có thí sinh dành huy chương. Tuy nhiên, công tác thi tay nghề nói chung và thi tay nghề thế giới nói riêng còn khó khăn và hạn chế như nguồn chuyên gia kỹ thuật còn hạn chế chủ yếu đến từ các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trình độ thí sinh còn hạn chế về năng lực, thể lực, ngoại ngữ, khả năng thích ứng, tính kỷ luật, sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội còn ít chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước,...

Toàn cảnh Hội nghị

 Tại Hội nghị, đã thảo luận, trao đổi và chia sẻ về công tác thi tay nghề quốc gia, thi tay nghề thế giới và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng để quốc gia phát triển thì người lao động phải có kỹ năng tay nghề, năm 1966 Hàn Quốc là một quốc gia nghèo khó, để quốc gia phát triển Hàn Quốc không còn con đường nào khác là phát triển kỹ năng nghề trong đó có công tác thi tay nghề và đánh giá kỹ năng tay nghề quốc gia. Hàn Quốc đã tăng cường hợp tác với nước ngoài, mỗi năm cử từ 20 ngàn tới 30 ngàn giáo viên, chuyên gia sang học tập và nâng cao trình độ tay nghề tại Đức. Công tác đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và huấn luyện thí sinh thi tay nghề tại Hàn Quốc có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, các thí sinh có tay nghề và tính sáng tạo rất cao. Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống đánh giá kỹ năng nghề và đảm bảo cho hệ thống này hoạt động công bằng đối với người dân ở các địa phương khác nhau. Đặc biệt, Hàn Quốc đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề quốc gia bằng việc xây dựng hệ thống phần mềm quản lý hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia: Q-net. Với phần mềm này, người lao động có thể đăng ký đánh giá kỹ năng nghề thông qua máy tính hoạt điện thoại di động, có thể tìm hiểu các thông tin về lịch thi, chi phí, ngành nghề thi, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận lao động làm việc ứng với chứng chỉ kỹ năng nghề người lao động đạt được,..Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiến hành khảo sát thực trạng tại Việt Nam để xây dựng hệ thống phần mềm quản lý hoạt động đánh giá kỹ năng nghề.

 

VP TCGDNN