Cập nhật ngày: 21/05/2019

      Dạy nghề, giải quyết việc làm nâng cao đời sống cho lao động nông thôn là một trong những công việc quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động còn là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần vào hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội

 Theo đó, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Cần Thơ tập trung đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho các đối tượng chính sách xã hội và người lao động chưa có việc làm, việc làm chưa ổn định có nhu cầu học nghề để giải quyết việc làm ổn định cuộc sống. Trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đầu tư lớn và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để chuyển đổi nghề. Đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận lao động nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế cho công chức các xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thực thi công vụ. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, các đơn vị tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

  Năm 2019, Cần Thơ đề ra chỉ tiêu dạy nghề cho 5.520 người, trong đó dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 5.520 người, dạy nghề trình độ trung cấp theo nhu cầu đề xuất của địa phương. Tập trung giải quyết việc làm cho 3.149 người, chiếm 80.5% trong tổng số lao động được hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

 

Cần Thơ: Đổi mới hoạt động dạy nghề nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả - Ảnh 1

Bà Trần Thị Xuân Mai (áo tím), GĐ Sở LĐ-TB&XH chứng kiến lễ ký kết giữa phòng LĐTB&XH với các doanh nghiệp nhân lao động sau đào tạo nghề


Để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra, Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cán bộ, công chức trong việc thực hiện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả. Chu trọng việc tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đối

với lao động nông thôn tham gia học nghề, để người dân hiểu rõ về lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tham gia học nghề góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ tuyên truyền viên là cán bộ cơ sở….

Cùng với đó, Cần Thơ tiến hành tổ chức khảo sát, rà soát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp; năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn; để từ đó xây dựng danh mục nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội của từng quận, huyện và của người lao động. Tập trung xây dựng mô hình điểm để chỉ đạo, rút kinh nghiệm trong xây dựng mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả.

 Từ thực tế cuộc sống, trong hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, Cần Thơ đặc biệt coi trọng các nghề dịch vụ như pha chế, nấu ăn… Ngay trong những tháng đầu năm 2019, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều đã tổ chức được 02 lớp học nghề pha chế và nấu ăn với 70 học viên tham dự. Theo kế hoạch, quận Ninh Kiều được giao tổ chức 15 lớp học nghề, đa phần là các ngành nghề dịch vụ như sửa chữa điện lạnh, nấu ăn, pha chê, trang điểm, may công nghiệp… Đây là định hướng đúng trong việc đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động vì Ninh Kiều là quận trung tâm của thành phố, không có lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề cho lao động quận, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề và là một nội dung quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống và mở rộng phát triển nghề nghiệp dịch vụ theo xu hướng phát triển của quận nói riêng, thành phố Cần Thơ chung.

Nhờ lực lượng lao động có tay nghề đã thu hút nhiều nhà đầu tư, các nhà hàng trong thành phố (đối với 02 nghề nấu ăn và pha chế là chiếm ưu thế có việc làm cao, thu nhập cao). Chính vì thế, hệ thống khách sạn nhà hàng, các điểm tham quan, khu nghỉ mát phát triển nhanh. Những doanh nghiệp này đã và đang thu hút một lực lượng lao động có trình độ tay nghề khá đông, để đáp ứng nhu cầu hiện tại tại và trong tương lai.

 

Cần Thơ: Đổi mới hoạt động dạy nghề nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả - Ảnh 2

Toàn cảnh buổi lễ ký kết


Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở Lao động TB&XH thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Cần Thơ đang chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động, bám sát chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân người lao động.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của người lao động.

PHA LÊ