Cập nhật ngày: 01/04/2019

 Trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của thị trường lao động, những năm gần đây, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã chủ động áp dụng DACUM vào phát triển các chương trình dạy nghề nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp trong đổi mới chương trình đào tạo.

 Gắn kết doanh nghiệp trong quá trình đào tạo

 Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vừa tổ chức Hội thảo DACUM phân tích nghề, phân tích công việc nghề Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, với sự tham dự của chuyên gia đến từ các trường đại học, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực hai nghề nêu trên. “DACUM là một trong những phương pháp phát triển chương trình đào tạo. Hoạt động DACUM dựa vào nhóm chuyên gia là những nhân lực đang trực tiếp triển khai công việc trong nghề.

 

Học nghề hàn tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ảnh: THÚY HẰNG

Từ kết quả của việc phân tích nghề, phân tích công việc của các chuyên gia, nhà trường xác định được các nhiệm vụ (vị trí việc làm) của các nghề, các công việc cụ thể của từng nhiệm vụ để từ đó làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay, giảm thời gian thử việc và đào tạo lại tại doanh nghiệp”, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã mở đầu hội thảo như vậy.

 Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung xác định phạm vi nghề, nhiệm vụ và công việc tương ứng với từng mục tiêu của người học sau khi tốt nghiệp nghề Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Ông Đoàn Tấn Lực, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ cơ điện lạnh Trường Xuân (TP Hồ Chí Minh) góp ý: Nhà trường khi đào tạo cần khảo sát nhu cầu tuyển dụng, các yêu cầu của doanh nghiệp đối với người tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng để người lao động có thể làm được việc ngay sau khi tuyển dụng. Còn ông Phạm Sĩ, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ kỹ thuật Hòa Phú (TP Hồ Chí Minh) đề nghị: Người lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp, ngoài yêu cầu về chuyên môn, còn cần có các kỹ năng giao tiếp, tác phong công nghiệp, tuân thủ các quy định về quy trình làm việc và an toàn lao động..., do đó các cơ sở đào tạo cần lưu ý trong quá trình đào tạo học sinh, sinh viên.

 Hầu hết các chuyên gia đại diện cho doanh nghiệp tham gia phân tích nghề, phân tích công việc đều tích cực tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về phạm vi hoạt động, nhiệm vụ và công việc cần thực hiện của các nghề đang được áp dụng tại các doanh nghiệp, trên cơ sở đó, nhà trường xác định được mục tiêu đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng từng môn học, mô đun nhằm đảm bảo người học sau tốt nghiệp có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ nêu ra tại Sơ đồ phân tích nghề và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

 Hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp và gần 1.000 trung tâm (cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện). Đã có nhiều trường đạt được mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, nhưng phần lớn, mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp DACUM, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới trong giáo dục nghề nghiệp.

 Đẩy mạnh hợp tác hai bên cùng có lợi

 Theo TS Lê Văn Thoài, Phó Trưởng Khoa Cơ khí Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, chuyên gia phương pháp DACUM, phương pháp DACUM đã thể hiện được tính ưu việt của nó ở chỗ gắn yêu cầu của thị trường lao động với trách nhiệm đào tạo của nhà trường. Việc áp dụng phương pháp này cũng không quá khó khăn, tốn kém.

 Hiện nay, DACUM đã được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới, không chỉ trong việc phát triển chương trình đào tạo mà còn được áp dụng trong đánh giá sinh viên, phân tích công việc, kiểm tra và đánh giá người lao động trong nhiều lĩnh lực, tổ chức doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

 Ở Việt Nam, trước yêu cầu về việc cải tiến chương trình, nội dung để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn nhà trường với doanh nghiệp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, Bộ trưởng LĐ-TB-XH đã yêu cầu áp dụng phương pháp DACUM vào phát triển các chương trình dạy nghề nên các trường cần triệt để áp dụng phương pháp này trong việc phát triển các chương trình đào tạo từ bồi dưỡng ngắn hạn, dạy nghề đến trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.

 “Việc doanh nghiệp phối hợp với nhà trường trong phát triển chương trình đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề như có nguồn nhân lực ổn định, có năng lực phù hợp ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; còn các trường đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp từ đầu vào tới đầu ra, đào tạo gắn thực hành sẽ chủ động cung cấp nhân lực tốt nhất cho doanh nghiệp”, TS Lê Văn Thoài nhấn mạnh.

 Sau nhiều năm chủ động tiếp cận và gắn kết, đến nay, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã có mối quan hệ mật thiết với hơn 150 doanh nghiệp. Trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong quá trình đào tạo với nhà trường theo nhiều hình thức khác nhau. Mỗi năm, hàng trăm học sinh, sinh viên của trường được hưởng lợi từ mối gắn kết này như tăng thời lượng thực hành, thực tập, tăng cơ hội cọ xát thực tế để thích nghi với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.

 TS Trần Kim Quyên cho hay: Xác định gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai bên nên nhà trường thực hiện vấn đề này tương đối bài bản trong những năm qua. Nhờ sự gắn kết này, sinh viên của trường luôn có chỗ thực tập ổn định, có việc làm sau khi ra trường chiếm tỉ lệ cao, nhất là các khối ngành về kỹ thuật, cơ khí với tỉ lệ đạt 100%. Cũng trên cơ sở này, từ năm 2018, nhà trường thực hiện cam kết đảm bảo 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

 Khi trường nghề đào tạo sát với yêu cầu của doanh nghiệp, tỉ lệ sinh viên thất nghiệp chắc chắn sẽ giảm, doanh nghiệp cũng bớt đi chi phí cho đào tạo lại như thời gian qua.

 

ÔNG ĐỖ HOÀNG NHẬT DUY, PHÒNG ĐIỀU HÀNH SẢN XUẤT, CÔNG TY CP CƠ KHÍ VINA NHA TRANG: Doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình đào tạo 

 

Nhiều năm qua, Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang có hợp tác với các trường trong việc nhận học sinh, sinh viên thực tập, đồng thời đặt hàng cho các trường đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực cơ khí. Cách làm này mang lại nhiều lợi ích, song để hiệu quả hơn thì doanh nghiệp phải được tham gia vào quá trình đào tạo và xác định đây là sản phẩm của chính doanh nghiệp.

 

Từ đó, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường xây dựng chương trình, cung cấp cho sinh viên cơ sở thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp. Doanh nghiệp có lợi thế về kỹ năng thực hành nên khi cùng nhà trường hợp tác phát triển chương trình đào tạo, doanh nghiệp sẽ chỉ ra những khâu hạn chế mà sinh viên còn mắc phải trong quá trình học để giúp nhà trường hoàn thiện hơn quá trình đào tạo.

 

Chỉ khi quá trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp thì mặt bằng chung về trình độ tay nghề mới được nâng dần lên. Đào tạo đi vào thực chất thì người học nghề sẽ đảm bảo có công việc tốt sau khi ra trường với thu nhập ổn định.

 

ÔNG TRẦN THANH HIẾU, QUẢN ĐỐC CÔNG TY TNHH XÂY DỰNG VÀ QUẢNG CÁO PHƯƠNG TUẤN: Hợp tác trên tinh thần học đi đôi với hành

 

 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thì mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

 

Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng người lao động, vậy nên để tuyển dụng được lao động có tay nghề cao, phù hợp với yêu cầu thì chính doanh nghiệp phải là người tham gia sâu nhất vào quá trình đào tạo nghề đó. Vì vậy, gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan trên tinh thần học đi đôi với hành, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất, thực hiện đúng phương châm “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần chứ không phải cái trường có”.

 

Sự gắn kết của Công ty TNHH Xây dựng và quảng cáo Phương Tuấn với các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng theo hướng chặt chẽ và lâu dài, thông qua việc đặt hàng cho các trường đào tạo những nghề mà công ty cần, sau đó tuyển dụng vào làm việc.

 

THÚY HẰNG/baophuyen.com.vn