Cập nhật ngày: 04/03/2019

 Tiếp theo Bài viết thứ nhất giới thiệu tổng quan và mô tả sự vận hành của hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, bài viết dưới đây phân tích các yếu tố thành công của hệ thống này và bàn luận các giá trị tham khảo với Việt Nam.

1. Gắn kết chặt chẽ giữa Chính phủ và ngành công nghiệp/doanh nghiệp

Trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, sự gắn kết giữa Chính phủ và ngành/doanh nghiệp thể hiện qua việc 2 bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề kép, cùng phối hợp với tổ chức công đoàn phát triển các ngành nghề đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo và việc tổ chức kiểm tra đánh giá người học. Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, Chính phủ còn đầu tư vào các trung tâm đào tạo (inter-company training centers) do các Phòng Thương mại quản lý để đào tạo bổ sung cho các nội dung doanh nghiệp không đủ năng lực để đào tạo trong doanh nghiệp (in - company training) theo chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp[1]. Sự gắn kết này đảm bảo đào tạo sát thực tiễn cũng như sự đồng thuận giữa các bên và cộng đồng về các quyết định trong đào tạo nghề. Rõ ràng, sự gắn kết này mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, lại tiết kiệm chi phí tuyển dụng, và không phải đào tạo lại. Mặt khác, doanh nghiệp lại thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Đại diện từ 16 quốc gia tham dự Chuyến thăm quan, học tập tại CHLB Đức về hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức từ ngày 16-22/9/2018

Giá trị tham khảo đối với Việt Nam là đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối với doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong đào tạo nghề, đẩy mạnh việc doanh nghiệp tham gia trực tiếp đào tạo, khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động...Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế đào tạo bổ sung cho người học khi doanh nghiệp chưa đủ năng lực đào tạo toàn bộ theo chuẩn đào tạo. Cơ chế này sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đào tạo và tăng quy mô đào tạo. Việc hỗ trợ các cơ sở GDNN đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp cũng cần được thúc đẩy. Tăng cường gắn kết giữa Chính phủ và ngành/doanh nghiệp trong xây dựng chuẩn đào tạo, chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong quá trình triển khai đào tạo (như xây dựng chương trình, mời đại diện doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại cơ sở GDNN, tham gia đánh giá, kiểm tra người học...). Cần lưu ý là hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và Ngành/doanh nghiệp hay sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo GDNN phải dựa trên lợi ích thiết thực của các bên.

3.2. Đào tạo tại nơi làm việc:

Trong mô hình đào tạo kép, với 70% thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp có nghĩa là người học được học thực hành rất nhiều trong môi trường làm việc thực tế. Điều này khuyến khích người học phấn đấu để đảm nhận được các công việc của doanh nghiệp, giúp học sinh có động lực học tập, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và thúc đẩy hòa nhập xã hội của người học. Phần lớn học sinh tại các trường nghề của Việt Nam hiện nay phải đợi đến kỳ học cuối mới được trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp, như vậy thời lượng đào tạo tại môi trường làm việc thực tế chỉ chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, sớm hơn tại doanh nghiệp ngoài đợt thực tập cuối khóa theo quy định. Các trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thời gian thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa. Khi việc bố trí cho các em được trải nghiệm tại doanh nghiệp còn khó khăn thì việc nâng cao hiệu quả đào tạo thực hành tại trường nghề cũng là một giải pháp cần chú trọng. Cần tạo môi trường thực hành tại trường như môi trường làm việc tại doanh nghiệp, từ việc bố trí nhà xưởng, thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động, tác phong công nghiệp đến việc hướng dẫn, giảm sát, đánh giá kết quả thực hành đối với người học.

3.3. Chuẩn đào tạo quốc gia

Trong hệ thống đào tạo kép, việc tuân thủ chuẩn đào tạo đảm bảo chất lượng của bằng cấp dù đào tạo tại doanh nghiệp khác nhau ở các địa bàn khác nhau. Điều này tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người học, tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và thúc đẩy học tập suốt đời. Theo Luật GDNN của Việt Nam năm 2014, các cơ sở đào tạo được chủ động xây dựng chương trình đào tạo, tuy nhiên chương trình đào tạo và tổ chức triển khai đào tạo phải đảm bảo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp (quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH) mà có thể hiểu là chuẩn đào tạo cho từng nghề. Giá trị tham khảo đối với Việt Nam khi nghiên cứu về chuẩn đào tạo của CHLB Đức là cần đặc biệt chú trọng sự tham gia của ngành/doanh nghiệp khi phát triển ngành nghề đào tạo mới hay xây dựng chuẩn đào tạo, chú trọng phương pháp, cách thức triển khai xây dựng chuẩn đào tạo để đảm bảo chất lượng của chuẩn đào tạo, đảm bảo sự kết nối giữa chuẩn đào tạo và Khung trình độ quốc gia. Ngay trong từng bộ chuẩn đào tạo, cần nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn kế hoạch triển khai đào tạo, cơ cấu phân bổ về nội dung và lịch trình đào tạo và các yêu cầu kiểm tra đánh giá người học  đối với bộ chuẩn từng nghề (hiện chưa có nội dung này trong quy định tại Thông tư số 12 nêu trên). Ngoài ra, mỗi bộ chuẩn đào tạo được ban hành cũng cần kèm theo các hướng dẫn cụ thể, các gợi ý để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện. Việc cập nhật và bổ sung các chuẩn đào tạo với từng nghề cũng cần được chú trọng để đào tạo thực sự đáp ứng yêu cầu hiện tại và tương lai của ngành.

3.4. Trình độ, năng lực giáo viên, người dạy nghề

          Người dạy trong doanh nghiệp và giáo viên trường nghề được CHLB Đức được coi là “xương sống” trong hệ thống đào tạo nghề quốc gia. Giáo viên tại trường nghề hay người dạy tại doanh nghiệp(dạy toàn thời gian) phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về bằng cấp, chuyên môn nghề, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tế tại nơi làm việc. Còn người dạy bán thời gian trong doanh nghiệp không phải đáp ứng yêu cầu về bằng cấp nhưng phải giỏi kỹ năng nghề. Bài học với chúng ra ở đây là năng lực của đội ngũ nhà giáo luôn là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo quan trọng nhất. Khi yêu cầu đối với giáo viên dạy nghề của Việt Nam chưa cao như CHLB Đức, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt về kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành và trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc. Riêng đối với kỹ năng sư phạm, các cơ sở đào tạo cần triển khai hiệu quả đào tạo đồng cấp (peer - coaching), tăng cường dự giờ góp ý chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên...Nhà nước cần nghiên cứu, chỉnh sửa quy định yêu cầu tất cả người dạy bao gồm người dạy mời từ doanh nghiệpphải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Quy định này đã cản trở cơ sở GDNN huy động doanh nghiệp tham gia giảng dạy, trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực tế tại nơi làm việc cho người học. Một điểm đáng lưu ý nữa là giáo viên trường nghề ở CHLB Đức phải đạt trình độ cao mới được giảng dạy nhưng bù lại họ lại được hưởng chế độ đãi ngộ như công chức nhà nước. Vì vậy, đi đôi với yêu cầu cao về trình độ, năng lực của giáo viên dạy nghề, Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ tương thích để giáo viên có động lực cống hiến, đóng góp cho đào tạo nghề.

Ảnh minh họa

3.5. Chú trọng nghiên cứu về đào tạo nghề và thị trường lao động gắn với đào tạo nghề

Viện BIBB là cơ quan thuộc Chính phủ liên bang thực hiện chức năng đào tạo nghề và thị trường lao động gắn với đào tạo nghề. Các số liệu, thông tin về hệ thống đào tạo nghề kép và thị trường lao độngcủa CHLB Đức luôn đảm bảo tính hệ thống, chi tiết và cập nhật. Rõ ràng, việc nghiên cứu về đào tạo nghề và thị trường lao động gắn với đào tạo nghề là nền tảng để hoạch định chính sách và có giải pháp đúng đắn trong đào tạo nghề. Yếu tố thành công này của hệ thống đào tạo nghề của CHLB Đức có giá trị tham khảo rất lớn với Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện bài toán cung - cầu đào tạo ở Việt Nam ‘hóc búa’ hơn rất nhiều so với CHLB Đức do hiện có rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia đào tạo nghề. Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống các chỉ số cơ bản thống kê, phân tích trong lĩnh vực GDNN và phát triển hệ thống thông tin GDNN từ cấp cơ sở tới cơ quan quản lý các cấp. Hệ thống thông tin thị trường lao động cũng cần được đầu tư, phát triển. Các cơ sở GDNN cần triển khai hệ thống thông tin quản lý trong nội bộ  mà trước hết là hệ thống theo dõi chỉ số kết quả đào tạo chính (key performance indicators - KPIs) cho từng chương trình đào tạo (số lượng sinh viên nhập học, tỷ lệ sinh viên tiếp tục học, tỷ lệ sinh viên hoàn thành khóa học, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp) và thực hiện hiệu quả các cuộc khảo sát với người sử dụng lao động và với sinh viên tốt nghiệp để có kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, chế định Hợp đồng học nghề và dạy nghề được ký giữa doanh nghiệp và người học đối với việc triển khai đào tạo tại doanh nghiệp (được các Phòng Thương mại giám sát, quản lý) đảm bảo được quyền lợi cũng như nâng cao trách nhiệm của cả 2 bên về dạy và học. Chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo chế định này để hướng dẫn, tư vấn cho các với các doanh nghiệp đang tham gia đào tạo nghề cũng như áp dụng trong các dự án đang triển khai thí điểm các mô hình đào tạo gắn kết đào tạo./. 

Minh Hiền - TCGDNN