Cập nhật ngày: 14/01/2019

 Sáng 13-1, 5.000 học sinh đã tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ cùng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Học sinh Đà Nẵng quan tâm đến kinh tế, khởi nghiệp - Ảnh 1. 

Đông đảo học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh sáng 13-1

Trong đó, học sinh dành nhiều câu hỏi nhất về kinh tế, khởi nghiệp.

Đại học không phải là con đường duy nhất

Ông Phạm Văn Lương, chuyên viên chính Vụ đại học-Bộ GD-ĐT, cung cấp thông tin "nóng hổi" là cơ cấu điểm xét tuyển năm nay dự kiến có nét mới gồm điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia (chiếm 70%) + điểm trung bình năm học lớp 12 (30%) + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Trả lời câu hỏi của học sinh về thông tin những học sinh rớt tốt nghiệp, chưa có bằng tốt nghiệp THPT có được đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ phải không?, ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Đào Tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB &XH), cho biết giáo dục nghề nghiệp có 3 cấp trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp và CĐ.

Học sinh Đà Nẵng quan tâm đến kinh tế, khởi nghiệp - Ảnh 2.

Ông Đỗ Văn Giang trả lời thắc mắc của các bạn học sinh

Với tốt nghiệp THCS có thể học kỹ năng nghề sau đó các em sẽ có cơ hội học liên thông. Tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ luôn vẫn có thể xét tuyển, thi tuyển và kết hợp cả hai vào ĐH, CĐ. 

Đối với các ngành đặc thù năng khiếu, phải đáp ứng được các khả năng văn hóa nghệ thuật theo quy định. Khi xét tuyển, các em nộp hồ sơ, tham khảo trang web Tổng cục giáo dục nghề nghiệp với gần 2.000 trường có sẵn danh mục các ngành nghề tại đây.

Ông Giang cũng nhắc nhở không chỉ có ĐH mới lập thân lập nghiệp, mà con con đường giáo dục nghề cũng là con đường mở rộng, là cơ hội để các em lập thân lập nghiệp.

Giải đáp thắc mắc của học sinh Đà Nẵng là hiện có rất nhiều trường ĐH công bố phương thức tuyển sinh 2019 nhưng vẫn chưa trường nào của ĐH Đà Nẵng công bố thông tin này. Vậy tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng năm nay có gì đáng chú ý?.

Học sinh Đà Nẵng quan tâm đến kinh tế, khởi nghiệp - Ảnh 3.

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội-nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, giải đáp thắc mắc cho các bạn học sinh 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết ĐH Đà Nẵng có tổng số 10 cơ sở thành viên, đa dạng lựa chọn cho thí sinh.

Về phương án tuyển sinh 2019, ĐH Đà Nẵng giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2018, cơ bản giữ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển.

Xét tuyển học bạ đối với một số trường, ngành, mở rộng xét tuyển thẳng đối với một số cơ sở ở trường ĐH Kinh Tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật. 

Chỉ tiêu năm nay ĐH Đà Nẵng giữ ổn định để nâng cao chất lượng đào tạo tổng 13.300 chỉ tiêu Đại học, thêm 200 chỉ tiêu CĐ CNTT.

Ngoài xét tuyển thẳng mở rộng đối với các học sinh giỏi quốc gia, học sinh các trường chuyên đạt giải thưởng cấp thành phố, xét tuyển mở rộng vào các trường ĐH Kinh Tế, ĐH Sư phạm Kỹ Thuật.

 

Trường ĐH Bách Khoa lần đầu tiên xét tuyển với học bạ đối với chương trình tiên tiến, kỹ sư chất lượng cao.Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, năm nay chủ trương tính phương án học tại phân hiệu Kon Tum hai năm và học tại Đà Nẵng hai năm.

Kinh tế, khởi nghiệp "hút" học sinh

Tại buổi tư vấn, nhóm ngành KHXH, kinh tế, ngoại ngữ…đặc biệt thu hút học sinh. Trả lời câu hỏi của bạn Ngọc Mai (trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) về việc bạn rất thích học kinh tế nhưng không biết phải chọn ngành nào?, PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cho biết: Trường có 3 khối lớn là kinh tế, kinh doanh và quản lý nhà nước. Trong đó khối ngành kinh tế và kinh doanh vẫn là 2 khối có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất. Các bạn muốn biết rõ hơn thì có thể vào trang web của trường sẽ cung cấp đầy đủ mọi thông tin em cần.

Học sinh Đà Nẵng quan tâm đến kinh tế, khởi nghiệp - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, giải đáp thắc mắc của các bạn học sinh 

TS. Trần Thế Hoàng, chủ tịch hội đồng trường ĐH kinh tế TP.HCM, cho biết thêm kinh tế gồm rất nhiều ngành và nhiều chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo. Bản thân em xác định mình có năng khiếu về gì như kinh doanh, quản lý... Em nên dành thời gian tìm hiểu thêm giữa khối kinh tế và quản trị mục tiêu đào tạo khác nhau.

Nhóm Kinh tế đào tạo các nhà hoạch định chính sách kinh tế, hoạt động tầm vĩ mô. Còn quản trị kinh doanh chủ yếu đào tạo nghiệp chủ, doanh nhân, quản lý về doanh nghiệp…

Một bạn học sinh khác đặt câu hỏi: "Em định thi quản trị khởi nghiệp của ĐH Kinh tế TP.HCM hoặc quản trị kinh doanh tổng quát của ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Vậy học xong nếu mình không thể mở được doanh nghiệp thì có làm việc khác như quản lý quán cafe, quản trị nhân lực được không?".

TS Trần Thế Hoàng giải đáp: "Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là trường đầu tiên của cả nước mở chuyên ngành khởi nghiệp trong quản trị kinh doanh, điểm thi tương đối cao. Hiện khởi nghiệp là phong trào của cả nước, tuy nhiên không ai khởi nghiệp cũng thành công. Như mở bán cafe, shop quần áo cũng cần một số kiến thức, kỹ năng nhất định. 

Khởi nghiệp không chỉ bản thân của mình, mà tập hợp một nhóm để có người có chuyên môn riêng quản lý về nhân lực, tài chính, quảng bá hình ảnh... Thứ nữa là hiểu rõ về kiến thức chuyên môn, luật pháp để khởi nghiệp cho đúng cách".

Học sinh Đà Nẵng quan tâm đến kinh tế, khởi nghiệp - Ảnh 5.

Đến với chương trình tư vấn tuyển sinh, các bạn học sinh được tham gia nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên cho biết: "Đây là một câu hỏi rất thú vị mà nhiều bạn trẻ rất quan tâm. Quan trọng nhất của khởi nghiệp là có sự hỗ trợ, tư vấn của nhiều thầy cô, chuyên gia.

Tại trường hiện đang có CLB Khởi nghiệp kết nối với Trung tâm khởi nghiệp của Ireland. Hằng năm trường đều tổ chức thi khởi nghiệp, bạn nào đạt thứ hạng cao đều được cử đi Ireland 6 tháng. Ngoài ra, TP Đà Nẵng cũng có quỹ khởi nghiệp - các bạn có ý tưởng không có đủ kinh phí thì thành phố sẽ hỗ trợ".

 
TCGDNN