Cập nhật ngày: 14/12/2018

 Đó là chủ đề buổi tọa đàm được Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức vào sáng 14/12.

TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về Trường Bá Công - Kỹ nghệ thực hành

Buổi tọa đàm nhằm nhìn lại chặng đường lịch sử 120 năm Trường Bá Công - Kỹ nghệ thực hành - Cao đẳng công nghiệp Huế, gắn liền với khát vọng đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cho nhu cầu kiến thiết đất nước trong tình hình mới cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX của triều đình Huế, cụ thể là từ nhà vua yêu nước Thành Thái. Đồng thời, nhận diện giá trị di sản truyền thống để tiếp thêm sức mạnh khẳng định rõ hơn hướng đi “kỹ nghệ”, “thực hành” trong đào tạo thợ lành nghề của nhà trường giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tìm hiểu thông tin về Trường Bá Công - Kỹ nghệ thực hành trong một bài viết liên quan đăng trên Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần

Các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề về tên gọi, địa điểm của trường và nhiều thông tin giá trị của lịch sử liên quan đến trường. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, sự xuất hiện của ngôi trường không phải là trường dạy nghề đơn giản mà đó là một trong những thành tố đầu tiên để xây dựng đô thị mới. Trong điều kiện mới, rất mong muốn phát triển trường theo hướng trở thành học viện hay đại học công nghiệp để tiếp tục làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển của đô thị Huế, xứng đáng với truyền thống nhà trường.

Tại buổi tọa đàm, TS. Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghiệp Huế chia sẻ về kết quả đạt được của trường, tình hình việc làm của sinh viên, định hướng phát triển trường, nhất là xây dựng nhà trường chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế…

Tin, ảnh: Hữu Phúc/ Baothuathienhue.vn