Cập nhật ngày: 11/12/2018

 

Một vấn đề vừa mang tính lý luận và thực tiễn đang được đặt ra đó là phát huy vai trò chủ thể của nông dân, vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp hết sức quan trọng là phải tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của nông dân, của cán bộ Hội nông dân. Đúng như Bác Hồ đã dạy “muốn làm chủ thì phải học tập”, “làm nghề gì cũng phải học”. Nông dân muốn phát huy vai trò chủ thể thì phải được đào tạo, phải ứng dụng được kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế để gia tăng năng suất, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội. Hội Nông dân Việt Nam muốn phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt thì cán bộ hội phải có kiến thức, kỹ năng để tư vấn, định hướng và tập hợp hội viên, phải thật sự chuyên nghiệp trong nghề nghiệp của mình.

Thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn;

Trong 9 năm triển khai Đề án (2010-2018) các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, từng bước tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các địa phương ngày càng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Có thể thấy rõ nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn có sự chuyển biến tích cực; số người đăng ký học nghề tăng nhanh (đã có 8,7 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó 4,8 triệu người được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956, với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp); người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề: từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu (trên 80% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm thoát nghèo, nhiều hộ nghèo trở thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp).

Đóng góp vào những kết quả to lớn đó có sự tham gia tích cực của các cấp Hội Nông dân Việt Nam theo nhiệm vụ được phân công trong Quyết định 1956 với vai trò  là cơ cấu cứng trong Ban chỉ đạo Đề án các cấp. Bộ LĐTBXH và Hội nông dân Việt Nam đã chủ động xây dựng và chỉ đạo triển khai chương trình phối hợp công tác giữa 2 cơ quan từ trung ương tới địa phương. Hội nông dân đã được giao nhiệm vụ và kinh phí từ Đề án 1956 để chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh cho trên 10 triệu lượt hội viên, nông dân; phối hợp và trực tiếp dạy nghề được khoảng 1 triệu người. Việc tổ chức dạy nghề cho nông dân đã được triển khai theo mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau khi tổ chức dạy nghề, các cấp Hội tích cực tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, máy nông nghiệp. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở mang ngành nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn; tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua.

Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng thăm Mô hình trồng nấm của bà Phạm Thị Mai (xã Dun, Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, nổi lên là: Kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các địa phương; thiếu sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong các khâu của quá trình đào tạo, chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh hiện đại; số người sau học nghề được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm hoặc thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp còn ít; chương trình đào tạo mới chỉ chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động, chưa chú trọng trang bị các kiến thức về vốn, thị trường, sản xuất kinh doanh hàng hóa cho người học; một số nơi việc xác định danh mục nghề đào tạo vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, do đó việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân trong thời gian qua chưa phát huy một cách có hiệu quả trách nhiệm, vai trò của các cấp Hội Nông dân tham gia vào công tác này  (mặc dù Bộ LĐTBXH và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có chương trình phối hợp, nhưng việc cụ thể hoá chương trình phối hợp này ở nhiều địa phương còn chậm và triển khai chưa tốt, nhiều hội nông dân cấp tỉnh chưa được tham gia một cách có trách nhiệm vào công tác đào tạo nghề, đặc biệt trong khâu xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với phân bổ sử dụng ngân sách vào những mô hình hiệu quả...). Năng lực của cán bộ Hội nông dân còn hạn chế, nhất là trong việc hướng dẫn phát triển các hình kinh tế hiệu quả gắn với đào tạo nghề cho người nông dân; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh cao còn chậm; hạn chế trong việc phối hợp nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản...

Mục tiêu tổng quát của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đầu tư lớn và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để chuyển đổi nghề; đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận lao động nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ LĐTBXH đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó yêu cầu mạnh dạn chuyển đổi từ đào tạo chạy theo số lượng sang đào tạo gắn với đặt hàng của doanh nghiệp và gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp; tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; kiên quyết thực hiện yêu cầu chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau khi học nghề; nghề đào tạo cho lao động nông thôn phải gắn với yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và dịch chuyển cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động...; đồng thời Bộ cũng đang phối hợp với Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị Hội nghị sơ kết 9 năm thực hiện Đề án 1956 để đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai công tác này.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào 03 nhiệm vụ trọng tâm là:

1. Đánh giá Chương trình phối hợp công tác giữa 2 ngành giai đoạn vừa qua, xây dựng Chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2023.

2. Xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ hội nông dân các cấp về kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, tư vấn, tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân (từ khâu dự báo, xác định nhu cầu, đến xây dựng kế hoạch đào tạo, gắn kết phát triển các mô hình kinh tế với yêu cầu tổ chức đào tạo nghề cho người nông dân có hiệu quả; tín dụng, phát triển các mô hình sản xuất, tham gia hợp tác xã, doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị...).

3. Tạo điều kiện phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp Hội nông dân trong các hoạt động như:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về những điển hình người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhân rộng những mô hình tiên tiến phát huy được kiến thức, kỹ năng qua đào tạo nghề vào trong thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm, tư vấn về thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; tư vấn về tham gia chuỗi giá trị… cho nông dân;

- Chú trọng các giải pháp để hội nông dân các cấp được tham gia một cách có trách nhiệm vào công tác đào tạo nghề, đặc biệt trong khâu xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với phân bổ sử dụng ngân sách vào những mô hình hiệu quả gắn với mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; thiết kế chương trình đào tạo nghề chú trọng kiến kiến thức về vốn, thị trường, sản xuất kinh doanh hàng hóa; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm của doanh nghiệp;

- Phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách mới với Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách xã hội cho nông dân trong tình hình mới;

- Giám sát hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương.

  TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN