Cập nhật ngày: 24/10/2018

 Hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo mô hình “đào tạo nghề kép” hay sự gắn kết giữa doanh nghiệp và trường nghề đã trở nên quen thuộc với những ai quan tâm tới đào tạo nghề. Sự kết hợp này đã tạo ra nguồn lao động có chất lượng, phù hợp nhu cầu người sử dụng lao động; trở thành điểm sáng trong hoạt động GDNN và là xu hướng tất yếu khi Luật GDNN có hiệu lực.

Sôi động từ cơ quan quản lý nhà nước

2018 là năm thứ hai thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về GDNN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ mới trong bối cảnh mới, Bộ LĐ, TB và XH đã có nhiều giải pháp tích cực, thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Gắn kết giữa GDNN với doanh nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm của năm 2018 được thực hiện một cách đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tốt.


Quyền Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Du lịch Nha Trang Nguyễn Thúy Hằng và Trưởng phòng Quản lý Nhân sự Sheraton Nha Trang Nguyễn Minh Tuấn trao đổi kế hoạch hợp tác đào tạo - Ảnh: Đức Kiên 

Ngay từ đầu năm, Bộ LĐ, TB và XH và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo; hướng dẫn thực hiện gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động GDNN.

Tháng 3.2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, đồng thời phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có Thư ngỏ các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN, phân tích rõ trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN. Đặc biệt, để thực hiện các nhiệm vụ trên được tốt hơn, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH đã ký Quyết định số 885/QĐ-LĐTBXH thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, có nhiệm vụ tham mưu và thúc đẩy các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, gắn đào tạo với việc làm. Có thể nói việc thành lập Tổ công tác là khẳng định sự quan tâm đặc biệt trong công tác quản lý điều hành của Bộ LĐ, TB và XH trong việc thực hiện giải pháp gắn với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.


Một giờ học thực hành nghiệp vụ lễ tân tại trường Cao đẳng Nghề Du lịch Nha Trang - Ảnh Đức Kiên.

Lần đầu tiên, hoạt động ký kết hợp tác, gắn kết doanh nghiệp bắt đầu từ tuyển sinh, đến đào tạo, đến tuyển dụng được thực hiện tại 2 Hội nghị tuyển sinh toàn quốc đầu năm 2018. Nhiều hội thảo và các hoạt động truyền thông với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan báo chí được tiến hành nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp về gắn kết hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được tiến hành.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Bộ LĐ, TB và XH, hiện đang hình thành cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với VCCI, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, Tổng hội thương gia Đài Loan, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt nam; Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn BIM; Chương trình đổi mới đào tạo nghề ở Việt Nam (GIZ), Chương trình Aus4Skills của Chính phủ Úc, Chương trình hợp tác GDNN với Đan Mạch…

Các hoạt động hợp tác trên đã mang lại những kết quả quan trọng trong việc tạo ra nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và quan trọng nhất là giúp người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Theo báo cáo nhanh của một số trường nghề tại Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Tĩnh… hơn 90% học sinh của các trường này có việc làm ngay sau khi rời ghế nhà trường. Thậm chí, ở một số trường Cao đẳng nghề số 4 (Nghệ An), trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, Cao đẳng Kỹ nghệ II (Tp Hồ Chí Minh), Cao đẳng Du lịch Hà Nội… nhiều nghề không có đủ học sinh cho doanh nghiệp tuyển dụng.

Cần cơ chế gắn kết mạnh mẽ

Có thể khẳng định, doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN là một yếu tố quyết định đến chất lượng lao động sau khi tốt nghiệp. Nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo, gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Với sự phát triển trong kết nối với doanh nghiệp gần đây của các cơ sở GDNN, nhận thức và chuyển động của nhà trường đã xác định việc hợp tác gắn bó với doanh nghiệp là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo nghề nghiệp tại cơ sở. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi. Tuy nhiên, để thúc đẩy mối quan hệ này, các trường nghề rất cần những hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo nhân lực.

Hiệu trưởng trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hằng cho biết, hiện nay, các văn bản quy định vấn đề gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường chưa được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp còn nặng tư tưởng coi trọng sản xuất kinh doanh, không quan tâm hoạt động đào tạo và sẵn sàng đào tạo lại sau tuyển dụng. Sở dĩ có tình trạng này do thực tế các khoản chi phí mà doanh nghiệp dùng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực đều được tính vào chi phí của doanh nghiệp, như vậy, doanh nghiệp sẽ có xu hướng tiết kiệm chi phí, hạn chế đào tạo.

Chính vì vậy, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng, để khuyến khích nhà trường gắn kết với doanh nghiệp, cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý Nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp; cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi tài chính,...; khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo để tăng động lực phát triển giữa các trường về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu của cơ sở GDNN.

Đồng quan điểm này, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Viglacera Trần Ngọc Tính cho rằng, quản lý Nhà nước chưa có những cơ chế, chính sách cụ thể để ràng buộc, thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Đơn cử, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành cùng đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN và giám sát, quản lý chất lượng GDNN khi doanh nghiệp và nhà trường cùng tổ chức đào tạo còn lỏng lẻo. Do đó, ngoài việc tuyên truyền để các bên nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình trong việc đào tạo lao động có tay nghề thì cần có thêm một cơ chế gắn kết mạnh mẽ giữa trường nghề, doanh nghiệp.

Thái Bình/daibieunhandan.vn