Cập nhật ngày: 23/10/2018

      Kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới và Hội nghị Kỹ năng nghề thế giới năm 2018 đã diễn ra tại thành phố Amsterdam, Hà Lan từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 10 năm 2018. Tham dự kỳ họp và hội nghị này bao gồm 250 đại biểu chính thức của các nước thành viên và các đối tác của Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới, 150 khách mời và đối tác liên quan đến từ 77 nước thành viên; riêng Hà Lan có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thị trưởng Thành phố Amsterdam và đã huy động gần 200 đại biểu và diễn giả đến từ các ngành công nghiệp, Hiệp hội các trường nghề Hà Lan, Hiệp hội Hợp tác giữa Giáo dục và các ngành công nghiệp Hà lan và các trường nghề, trường đại học. Đoàn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham dự kỳ họp và hội nghị có hai thành viên, do ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng – Đại biểu chính thức của Việt Nam tại Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới làm trưởng đoàn. Nội dung hoạt động chính là các buổi họp toàn thể Đại hội đồng Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới, hội nghị Kỹ năng nghề thế giới và các buổi họp của Ủy ban Chiến lược và Ủy ban Tổ chức thi tay nghề.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị

 Hội nghị Kỹ năng nghề thế giới năm 2018 được thiết kế trên cơ sở mô hình hệ thống giáo dục nghề nghiệp “Triple Helix” của Hà Lan, có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ, giáo dục và ngành công nghiệp, được công nhận là một trong những hệ thống giáo dục nghề nghiệp thành công nhất trên thế giới. Mô hình hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Hà Lan được trình bày qua ba bài thuyết trình theo ba khối cấu trúc xây dựng của Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới là Truyền cảm hứng, Phát triển và Tác động (Inspire, Develop and Influence), tiếp theo là các hội thảo, thảo luận chuyên đề để tìm hiểu cách tiếp cận của Hà Lan để các kỹ năng nghề liên tục được nâng cao, cách thức truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nắm bắt các kỹ năng, học tập và phát triển suốt đời, cách phát triển kỹ năng thông qua việc nâng cao tiêu chuẩn kỹ năng nghề trên thế giới và cách thức tác động các bên liên quan trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên. Hội nghị cũng khuyến nghị xây dựng mạng lưới các giải pháp kỹ năng sáng tạo cho thanh niên để giảm sự cách biệt giữa kỹ năng được học trong trường và kỹ năng thị trường lao động cần, xây dựng lực lượng lao động có tập hợp các kỹ năng cốt lõi để sáng tạo giải quyết các thách thức phức tạp và khó lường trước được trong bối cảnh cuộc các mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa ngày càng chiếm nhiều công việc của công nhân lao động, nhiều ngành mới đang nhanh chóng xuất hiện.

Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới và các buổi họp của Ủy ban Chiến lược, Ủy ban Tổ chức thi tay nghề đã bàn thảo, xem xét về các đề xuất thay đổi, điều chỉnh Quy chế tổ chức thi tay nghề Thế giới, Kế hoạch thực hiện Tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Abu Dhabi, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 tại Kazan Nga và lần thứ 46 năm 2021 tại Thượng Hải Trung Quốc. Phiên họp đã phê duyệt Băng La Đét là thành viên thứ 79 và đề xuất để xem xét Ba Lan trở thành thành viên thứ 80 của Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới.

\

Toàn cảnh cuộc họp

Các cuộc họp Ủy ban Chiến lược và Ủy ban Tổ chức thi tay nghề cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ chuyên gia, nâng cao chất lượng các kỳ thi, đồng thời gắn kết các hoạt động của Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới với hệ thống giáo dục nghề nghiệp của từng nước thành viên cũng như trên phạm vị toàn cầu. Để đảm bảo chất lượng và tính chuyên nghiệp của các kỳ thi tay nghề thế giới, Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới tổ chức Tuần lễ chuẩn bị trước các kỳ thi cho các đại biểu kỹ thuật và việc tham dự của các nước thành viên cử thí sinh tham dự kỳ thi là bắt buộc. Tuần lễ chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 sẽ được tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga từ ngày 21 đến 27 tháng 1 năm 2019.

Kỹ năng nghề Thế giới không chỉ có ý nghĩa quan trọng của một kỳ thi kỹ năng, mà còn thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề của các nước thành viên và toàn thế giới tiến lên thông qua các lĩnh vực hoạt động chủ chốt bao gồm: nghiên cứu, thúc đẩy kỹ năng, phát triển sự nghiệp, giáo dục và đào tạo, phát triển và hợp tác quốc tế. Tổ chức Kỹ năng nghề đang thực hiện nhiều dự án trong sáu lĩnh vực hoạt động chủ chốt này, trong đó có dự án thiết lập mạng lưới hiệp hội các cựu thí sinh thi tay nghề thế giới (WorldSkills Champions Trust) nhằm quảng bá hình ảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thí sinh các nước, lan tỏa giá trị của kỹ năng nghề và truyền cảm hứng cho thế trẻ học tập, rèn luyện, khởi nghiệm và phát triển sự nghiệp.

Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới và Hội nghị Kỹ năng nghề thế giới năm 2018 cho thấy Việt Nam cần chuyên nghiệp hóa việc xây dựng và phát triển kỹ năng nghề, không chỉ đơn thuần là các hoạt động huấn luyện và tham dự các kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới, mà cần tăng cường tham gia đầy đủ các hoạt động của Tổ chức Kỹ năng nghề Thế giới, gắn kết phát triển kỹ năng, thi tay nghề với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy truyền thông, tôn vinh các nhóm đối tượng và và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam tích cực học nghề và lập nghiệp.